Chùa Ông Bổn có được sự nguyên vẹn cho đến ngày nay - Ảnh: Đ.CƯỜNG
Những ngày này, tỉnh Quảng Nam đang nô nức chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Để Hội An là một điểm đến nổi tiếng trên "bản đồ" du lịch thế giới như hôm nay cũng cần phải nhắc đến những lần "thoát hiểm" của phố Hội.
Hội An bước ra khỏi chiến tranh với sắc diện toàn vẹn vốn có là cực kỳ quý hiếm.
Ông Hà Phước Mai
May mắn
Ở tuổi 89, cụ Trần Bán đang trông coi chùa Ông Bổn và đón du khách thập phương. Ngôi chùa vẫn còn nguyên vẹn với những hoa văn, kiến trúc cổ xưa.
Cụ Bán nói: "Những năm chiến tranh có điều rất lạ là phố cổ như ở bên ngoài cuộc chiến. Pháo kích vào ngay bên cạnh nhà tôi nhưng kỳ lạ là các di tích của phố cổ không bị sứt mẻ gì".
Là người có mặt ở Hội An ngay từ những ngày đầu sau ngày 30-4-1975, trực tiếp chứng kiến các sự kiện, ông Hà Phước Mai, nguyên giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Đà Nẵng, chia sẻ để có một Hội An ngày nay là công lao của bao thế hệ người Hội An, người Việt Nam và cả các ngoại kiều, từ khi đặt nền móng đầu tiên đến chăm lo, nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế kỷ.
"Trong một góc độ nào đó còn phải kể đến yếu tố may mắn, sự may mắn lạ lùng như thể được lịch sử ưu ái" - ông Mai nói và dẫn chứng trong chiến tranh chống Mỹ, Hội An là tỉnh lỵ Quảng Nam của địch, đồn bót ken dày từ trong phố đến nông thôn.
Đã rất nhiều lần quân giải phóng tập kích vào nội thị, trong đó tiêu biểu là hai lần giải phóng nhà lao Hội An chỉ cách trung tâm khoảng 500m vào năm 1967 hoặc sự kiện Mậu Thân năm 1968, một mũi quân giải phóng với trang bị hỏa lực mạnh đã tiến sát đến Trường Lễ Nghĩa nằm trên đường Trần Phú, nhiều lần pháo kích vào tiểu khu, tỉnh đường Quảng Nam nhưng kỳ lạ là không một viên đạn, quả pháo nào làm tổn hại đến một viên ngói hay một bức tường gạch rêu phong trong khu phố cổ.
Khi thăm phố cổ Hội An năm 1985, nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét: "Quê hương chúng ta đổ vỡ nhiều quá, nhỏ như cái chén cái bát giữ lại được đã là quý, huống hồ đây là một thành phố còn nguyên vẹn".
Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tâm sự thêm rằng Hội An không bị tác động bởi chiến tranh và cả thời kỳ bao cấp, nghèo khó cũng vậy. "Đây cũng là cơ may lịch sử" - ông Trung nói.
Nhưng những ngày sau giải phóng, Hội An thêm một lần nữa may mắn bởi sự có mặt kịp thời của vị bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng khả kính lúc bấy giờ là ông Hồ Nghinh.
Mỗi ngày, phố cổ Hội An luôn nườm nượp du khách - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
"Định làm cách mạng văn hóa đó à?"
Những năm đầu sau 30-4-1975, Hội An tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh. Về mặt văn hóa thì kiên quyết đấu tranh loại bỏ những di hại của văn hóa nô dịch, lai căng và phát triển nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.
Trên tinh thần đó, chính quyền đẩy mạnh hoạt động loại trừ văn hóa đồi trụy, phản động, đẩy lùi các tệ nạn mê tín dị đoan. Tuy nhiên, khi thực hiện đã xuất hiện sự cực đoan.
Biểu hiện rõ ràng nhất là việc triển khai đợt phá bỏ các thiết chế liên quan đến tín ngưỡng cổ truyền như đền, miếu, các am thờ trên toàn thị xã. Phường Minh An được chọn thực hiện trước vì nơi đây tập trung nhiều công trình kiến trúc đình, miếu.
Một buổi chiều đầu năm 1976, tại địa điểm nay là Ủy ban Mặt trận của TP, chính quyền địa phương đã huy động hơn 500 người với trang bị búa tạ, xà beng, cuốc, thuổng ra quân đến từng đình, miếu đã được lên danh sách để phá hủy.
Theo ông Mai, lúc này một chiếc xe chầm chậm dừng lại cuối sân và một cán bộ dáng vẻ ung dung đứng chăm chú lắng nghe buổi "phát động ra quân". Khi người phát biểu vừa dứt lời thì một cán bộ trẻ đến nói nhỏ: "Anh ra gấp, "ông già" đang đợi anh".
"Ông già" đó chính là Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh. Ông Nghinh nói với người "chủ xị" buổi "ra quân" cho giải tán mọi người và đồng thời mời đầy đủ Ban thường vụ Thị ủy đến văn phòng Thị ủy để trao đổi.
Mở đầu cuộc họp, ông Nghinh hỏi ngay: "Các anh định làm cách mạng văn hóa đó à?" (ý nói là đại cách mạng văn hóa mà Trung Quốc thực hiện hồi thập niên 1960-1970 đã để lại những hệ lụy khôn lường), cả phòng họp im lặng.
Ông Nghinh tiếp lời: "Các anh nên nhớ rằng chỉ vài tháng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đã ra sắc lệnh bảo tồn các di tích trên cả nước, phải giữ gìn nguyên vẹn đình chùa, miếu mạo... của cha ông để lại.
Huy động hàng trăm người, khí thế hừng hực như vậy chỉ cần đập phá vài ngày thôi thì còn gì là di tích đình, chùa nữa. Làm như thế là trái lệnh Bác Hồ, không đúng chủ trương của Đảng". Sau buổi nói chuyện, nhiều người đã ngộ ra...
Một lần khác, liên quan đến chùa Ông Bổn "mà nếu không có ông Hồ Nghinh kịp thời ngăn chặn thì hậu quả không biết sẽ ra sao" - ông Mai chia sẻ. Theo ông Mai, Hội An có câu "Thượng chùa Cầu, hạ Ông Bổn" để nói về hai công trình kiến trúc, tín ngưỡng tiêu biểu của phố cổ.
Chùa Ông Bổn cũng là hội quán bang Triều Châu của người Hoa, Hội An. Trong chùa thờ Phục Ba Tướng quân. Vào năm 1979, khi cuộc chiến vệ quốc nổ ra ở biên giới phía Bắc, nhân dân đòi phá tượng Mã Viện, đóng cửa ngôi chùa này... Thấy tình hình căng, Thị ủy phải mời "ông già" về Hội An để xử lý mới êm.
Du khách nước ngoài tham quan một ngôi miếu ở Hội An - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Cứu nguy di sản tiền nhân
Khi về Hội An để xử lý vụ chùa Ông Bổn, ông Nghinh nói rằng đình, chùa là chốn tâm linh, nhân dân địa phương đã tự tay xây dựng nên và chiêm bái, lễ lạt hàng trăm năm. Nay ta manh động đập phá thì tác động chính trị ngược. Hơn nữa, đây cũng là hội quán của bà con người Hoa, Triều Châu.
Trung Quốc đang làm điều phi nghĩa ở biên giới phía Bắc, hơn lúc nào hết ta phải tranh thủ bà con người Hoa đứng về phía chính nghĩa của ta. "Ông Hồ Nghinh đã không những cứu nguy cho di sản của tiền nhân mà còn góp phần làm cho di sản trở thành tài sản để người dân phố Hội phát huy và thụ hưởng sau này" - ông Mai nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận