14/12/2016 16:19 GMT+7

Bị lừa khi tìm người giúp việc qua mạng

LĨNH HỒNG
LĨNH HỒNG

TTO - Nhiều gia đình tìm người giúp việc thông qua dịch vụ trên mạng. Tuy nhiên sau vài giờ có mặt ở nhà chủ, người giúp việc ngay lập tức biến mất cùng món tiền môi giới được nhận từ chủ nhà.

minh hoa 13-12“Kịch bản” chung là sau khi thu tiền môi giới, người giúp việc thường lấy cớ người thân ở quê bị đau ốm hoặc qua đời để biến mất.

Khi gia chủ đến công ty môi giới đòi cung cấp người khác hoặc trả lại tiền thì chỉ nhận được lời hứa hẹn rồi bị quên lãng.

Mất tiền

Cách đây hai tháng, chị Hà Vũ Thu Trang (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) lên trang muaban.net tìm người giúp việc.

Chị bắt gặp dòng quảng cáo: “Diễm, 45 tuổi, quê miền Trung, cần tìm việc giúp việc nhà tại TP.HCM. Nấu ăn ngon, nấu được cả ba miền, không vướng bận gia đình, nguyện vọng làm lâu dài lo cho con ăn học, tết ở lại không về. Lương 3 - 3,5 triệu đồng/tháng”.

Thấy vậy, chị Trang liền gọi vào số điện thoại được đăng kèm trên đó. Tuy nhiên một người đàn ông cầm máy và tự xưng là K., giám đốc công ty dịch vụ TK (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức). Ông K. cho biết sẽ cho người chở bà Diễm tới tận nhà và thu 800.000 đồng phí môi giới.

Sau khoảng một tiếng, bà Diễm được một người đàn ông chở đến và yêu cầu chị Trang đóng phí môi giới 800.000 đồng và 200.000 đồng tiền xe ôm. Vì đã nhận được người giúp việc rất đúng hẹn, lại có hợp đồng bằng văn bản nên chị Trang đồng ý.

Tuy nhiên khoảng hai tiếng sau, khi đang được chủ nhà hướng dẫn công việc, bà Diễm nghe một cuộc điện thoại rồi òa khóc nức nở. Bà Diễm mếu máo xin về quê mấy ngày vì có đứa cháu vừa bị chết vì té sông. Chị Trang thấy thương cảm nên để bà Diễm ra về.

Sau vài ngày không thấy bà Diễm trở lại, chị Trang gọi điện cho ông K. yêu cầu đổi người.

“Tuy nhiên họ hứa suông rất nhiều lần mà không hề cung cấp người giúp việc. Khi bị tôi đe dọa sẽ báo công an nếu không trả lại tiền hoặc cung cấp người theo đúng hẹn thì ông K. thách thức: thích thì cứ báo” - chị Trang bức xúc.

Tuy nhiên vì sợ phiền hà, rắc rối trong việc làm thủ tục nên chị Trang đã không trình báo lên cơ quan chức năng để giải quyết.

Còn chị Trần Ngọc Thủy Giang (ngụ P.14, Q.3) cũng từng bị “bộ ba” trên lừa cung cấp người giúp việc với “kịch bản” hoàn toàn tương tự.

“Làm việc được một buổi thì bà Diễm nói mẹ ở quê bị té gãy chân phải về gấp. Bà ta còn xin ứng 300.000 đồng về lo cho mẹ và tôi đã đồng ý” - chị Giang kể.

Trong hai tháng, chị Giang liên tục gọi điện đến công ty TK đòi lại tiền nhưng họ hứa suông nhiều lần, rồi sau này gọi lại thì không bắt máy.

“Tôi đã trình báo lên Công an P.Hiệp Bình Chánh, nơi công ty này đóng trụ sở, họ nói sẽ xuống kiểm tra và thông báo lại nhưng đến giờ phút này vẫn chưa thấy có kết quả” - chị Giang cho biết.

Không phải lừa đảo?

Ông Nguyễn Ngọc Hải, trưởng Công an P.Hiệp Bình Chánh, cho biết từng nhận được phản ảnh của hai người dân về việc công ty này thu tiền môi giới nhưng không cung cấp người giúp việc như đã thỏa thuận.

Tuy nhiên, ông Hải cho biết đây không phải là hành vi lừa đảo. “Lừa đảo là tạo cho người ta một niềm tin để chiếm đoạt tài sản.

Nhưng trong trường hợp này, công ty môi giới chỉ cố tình “chây lười” trả lại tiền hoặc cung cấp người giúp việc để người dân vì nản mà không muốn đi đòi nữa.

Vì không phải hành vi lừa đảo, mà chỉ là giao dịch dân sự nên hai bên sẽ tự thương lượng. Nếu thương lượng không thành thì người dân có thể đến cơ quan tư pháp của UBND phường phản ảnh. Chứ công an không thể “lấn sân” đi đòi nợ giùm” - ông Hải phân tích.

Ông Hải cũng cho biết công ty TK có giấy phép kinh doanh về hai lĩnh vực du lịch và giới thiệu việc làm. Việc cung ứng người lao động của công ty này chủ yếu thông qua mạng Internet.

Có thể xử lý hình sự

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, trường hợp các đối tượng trên đã thực hiện nhiều vụ tương tự nhau để lấy tiền của người khác nên không đơn thuần là giao dịch dân sự, mà là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Hành vi của nhóm người này là có tổ chức, có phân công vai trò từng người trong nhóm, mang tính chất chuyên nghiệp. Người phạm tội thuộc trường hợp như thế này có thể bị truy cứu trách nghiệm hình sự theo khoản 2 điều 139 và mức hình phạt có thể lên đến 7 năm tù” - luật sư Nông nói.

Còn theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, theo điểm c khoản 1 điều 15 nghị định 167 quy định về “xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, hành vi dùng thủ đoạn gian dối của nhóm người này có thể bị xử lý hành chính với mức xử phạt 1-2 triệu đồng.

Nếu giữa khách hàng và công ty này có ký kết hợp đồng về việc cung cấp dịch vụ tìm người giúp việc thì vấn đề giải quyết tranh chấp giữa các bên sẽ được thực hiện theo hợp đồng và các quy định của pháp luật dân sự.

Nói về trình tự xử lý thông tin tố giác tội phạm, luật sư Trạch cho rằng khi công dân có nội dung tố cáo kèm theo tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thì cơ quan có thẩm quyền cần phải tiếp nhận, tiến hành xác minh và có kết luận về nội dung tố cáo.

“Trong trường hợp người tố cáo có yêu cầu thông báo kết quả giải quyết tố cáo thì người giải quyết tố cáo gửi thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo” - luật sư Trạch nói.

Thay tên để lừa đảo

Trên diễn đàn tretho... cũng có hai trường hợp từng bị “bộ ba” này lừa đảo nên lên tiếng cảnh báo.

Bên cạnh đó, khi số điện thoại của bà Diễm được sử dụng để tìm kiếm trên Google thì nhiều kết quả trả về có nội dung rao tìm việc giúp việc nhà nhưng được thay thành nhiều tên khác nhau như Kiều, Tuyết...

Các luật sư đều cho rằng để không trở thành “mồi ngon” cho các đối tượng lừa đảo, người dân nên tìm đến các cơ sở dịch vụ việc làm có uy tín để tìm người giúp việc.

Đồng thời nếu bị lừa đảo thì nên trình báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

LĨNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên