20/09/2015 09:43 GMT+7

Bi kịch hiếm muộn

VÂN ANH (TAND tỉnh Quảng Ngãi)
VÂN ANH (TAND tỉnh Quảng Ngãi)

TT - Bấy lâu, tôi vẫn thường ngưỡng mộ những mối tình già. Thời trẻ người ta có thể yêu cuồng, sống vội, bị hấp dẫn bởi nhan sắc, quyền lực hay dục vọng.

ảnh minh họa

Nhưng khi già đi mọi thứ rồi cũng phôi pha, chỉ còn tình người ở lại.

Có thể nắm tay nhau khi tóc đã bạc, da đã mồi mới thật sự là điều đáng trân quý trên cuộc đời. Nhưng liệu mấy ai có thể giữ trọn vẹn những lời hẹn ước trăm năm...

Cuộc chiến ly hôn

Cụ bà đã ngoài 60 có gương mặt khắc khổ, thoáng chút lo âu ngồi lẻ loi giữa phiên tòa, chẳng có con hay cháu bên cạnh để động viên, an ủi.

Người thân duy nhất lúc này của cụ là cụ ông đang ngồi dãy ghế bên kia, như phân hai chiến tuyến. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông đã bị bác đơn ly hôn. Nay ông thuê luật sư để nhất quyết giành phần thắng trong cuộc chiến ly hôn này.

Người trẻ có lý do của người trẻ, người già cũng có những lý lẽ của riêng mình cho những cuộc chia ly. 30 năm trước, họ đều là những trai làng, gái làng, tự động tìm hiểu rồi kết hôn dưới sự chứng giám của mẹ cha.

Thế nhưng tạo hóa thật khéo trêu ngươi, bà đã vĩnh viễn mất quyền làm mẹ. Ngày biết tin, bà khóc hết nước mắt đòi ly hôn để ông tự do. Nhưng ông trấn an bà bởi yêu thương trong ông chưa bao giờ nguội lạnh.

Họ nhận nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi bên vệ đường, chăm sóc như con ruột. Ngôi nhà ba người ngỡ như hạnh phúc nhưng dần trở nên xiêu vẹo khi ông bắt đầu ngoại tình và những đòn roi phủ lên đầu bà sớm tối.

Chẳng đành đoạn, bà phải bỏ vào Nam mưu sinh, gửi tiền về nuôi chồng, nuôi con, tất tả ngược xuôi, quay về nhà mỗi lần giỗ chạp cho tròn phận dâu con.

Cứ như thế mấy chục năm ròng sống cảnh chàng Ngưu nàng Chức, khi con gái đã lấy chồng trong Nam, làm ăn cũng không còn được như xưa, bà trở về quê để chua chát nghe ông thừa nhận đã có con trai với người phụ nữ khác.

Cũng vì chút nghĩa tào khang, ông không đành bỏ bà, cố thuyết phục để đem đứa trẻ về nuôi. Gạt hết nước mắt, bà đồng ý. Nhưng người mẹ đứa trẻ kia nào chịu, cố gây áp lực để ông ly hôn.

Dùng dằng như thế nhiều năm ròng, mưa dầm thấm lâu, tình cảm vợ chồng dần nguội lạnh, chung nhà nhưng chẳng chung mâm, chung chăn, chung chiếu. Ông nhất quyết ly hôn bằng được.

Nếu quay về, có hàn gắn được không?

Đứng trước tòa, bà khẽ quệt tay lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt: “Thưa quý tòa, khi tui còn trẻ, muốn ly hôn mà ông không chịu. Giờ già rồi, chỉ mong ở bên nhau chăm sóc khi đau ốm”. “Bà còn thương ông không?” - chủ tọa phiên tòa hỏi. “Thương chứ, vợ chồng 30 năm, không thương sao được. Ông bỏ tui chứ tui đâu bỏ ông”.

Chủ tọa lại truy vấn: “Nhưng nếu quay về, bà có hàn gắn được không khi hai người chung nhà nhưng ly thân như thế?”. Bà tần ngần hồi lâu: “Điều này phải hỏi ông khi quay về mà cứ 5 - 10 ngày ông lại bỏ đi xuống dưới. Có gì cũng đem bán lấy tiền mà mang theo”.

Ông lặng thinh. Khi ông đã quyết tâm thuê luật sư, nghĩa là nhất định phải thắng chứ không thể nào có chuyện dĩ hòa vi quý.

Rồi bà lại chua chát thừa nhận: “Ổng nói người ta trẻ hơn, còn tui già rồi. Họ trẻ mà được chồng. Tui tất tả ngược xuôi, hi sinh bao nhiêu năm giờ lại mất chồng”.

Hội đồng xét xử lặng yên, sau khi thảo luận, nhất trí chấp thuận đơn kháng cáo của ông.

Đã ở tuổi gần đất xa trời mà bà chẳng hiểu được một điều giản đơn: khi đàn ông đã muốn ngoại tình thì có biết bao lý do để ngụy biện, đâu cần nhân tình phải trẻ đẹp hơn vợ mình.

Nhưng rồi phần lớn sau những phút rong chơi, họ cũng sẽ chán phở để quay về với cơm ngon, canh ngọt, với ngôi nhà ăm ắp tiếng cười trẻ thơ. Đó là sợi dây để níu giữ hai người khi sa chân lỡ bước.

Dù người ta nói yêu nhau thật nhiều, kết hôn vì tình yêu, song thực chất ở cái xứ này kết hôn là để duy trì nòi giống, đạo vợ chồng có còn là điều bất di bất dịch? Thật bất hạnh khi bà không thể cho ông điều ông ao ước “có người để hương hỏa, làm chỗ dựa khi xế chiều”.

Bà ra về, mặt buồn hiu, thỉnh thoảng lại quệt tay lau những giọt nước mắt. Hi sinh cả cuộc đời khi vui buồn, sướng khổ, lúc nguy nan, khi túng ngặt cũng một lòng hướng về chồng, về con, cuối cùng nhận được gì?

Tuổi thanh xuân đã mất, sống được bao lâu để mà hưởng chút tài sản còn sót lại? Đứa con nuôi cũng theo chồng, con ruột chẳng có, chồng giờ là của người ta. Cuối cùng, một mình lặng lẽ sống... Có lẽ chỉ có thể đau đớn mà thốt như câu thơ cổ:

Đạo nào sâu bằng đạo vợ chồng
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.

Đã ở tuổi gần đất xa trời mà bà chẳng hiểu được một điều giản đơn: khi đàn ông đã muốn ngoại tình thì có biết bao lý do để ngụy biện, đâu cần nhân tình phải trẻ đẹp hơn vợ mình.

Nhưng rồi phần lớn sau những phút rong chơi, họ cũng sẽ chán phở để quay về với cơm ngon, canh ngọt, với ngôi nhà ăm ắp tiếng cười trẻ thơ. Đó là sợi dây để níu giữ hai người khi sa chân lỡ bước.

VÂN ANH (TAND tỉnh Quảng Ngãi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên