Mất việc, anh Dương (bìa trái) phải đi làm đủ nghề để kiếm sống - Ảnh: TRUNG TÂN
Ngày 12-1, TAND huyện Krông Pắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ "tranh chấp hợp đồng lao động" mà nguyên đơn là 5 thầy cô giáo (Lương Văn Chinh, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Ánh Dương, Trịnh Thị Bích Hạnh và H’Dim Niê K’Đăm) yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường tổng cộng hơn 1,5 tỉ đồng…
Đây là 5 trong số gần 600 thầy cô giáo mà ba đời chủ tịch mặc sức tuyển dụng, bất chấp quy định gây dôi dư, chua xót nhận tin mất việc.
Bị cắt hợp đồng vì… trường hết tiền (?!)
Trình bày tại phiên tòa, anh Dương (35 tuổi, vừa là nguyên đơn, vừa là người được 4 thầy cô giáo khác ủy quyền - PV) cho biết các thầy cô giáo đều được UBND huyện Krông Pắk ký quyết định tuyển dụng từ năm 2013 - 2015.
Sau đó, cả 5 thầy cô giáo được nhà trường ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, không vi phạm kỷ luật, có nhiều bằng khen trong suốt quá trình công tác...
Chiều 20-1-2017, nhà trường mời 22 thầy cô giáo dạy hợp đồng lên ký lại hợp đồng thời vụ và mỗi người chỉ còn được nhận 1.002.500 đồng/tháng. Anh Dương và 4 đồng nghiệp không chấp nhận và bị trường đơn phương chấm dứt hợp đồng từ tháng 8-2017.
Nhóm 5 người sau đó khởi kiện, yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk phải bồi thường hơn 1,5 tỉ đồng.
Không có việc làm, thầy Tuấn Anh đi chôn trụ, kéo dây cáp viễn thông kiếm 200.000 đồng mỗi ngày nuôi vợ con. Cô giáo Hạnh, 1 trong 5 giáo viên khởi kiện, là vợ thầy Tuấn Anh - Ảnh: TRUNG TÂN
Đại diện Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai thừa nhận thầy cô giáo được UBND huyện gửi quyết định về, buộc ký hợp đồng nhưng lại không bố trí kinh phí, trường phải lấy quỹ chi thường xuyên để trả.
Đến thời điểm giữa năm 2016, do quỹ cạn kiệt nên đầu năm 2017, trường dôi dư đến 22 người nên phải họp thầy cô giáo lại để ký hợp đồng theo tiết.
Huyện chỉ bồi thường một phần vì "lãnh đạo huyện đã bị kỷ luật rồi"?
Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Huệ - quyền hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai - lặp đi lặp lại điệp khúc "không biết, không nắm" vì mới về công tác tại trường.
Bà Huệ còn hỏi lại: "Nếu các giáo viên thắng kiện, lấy tiền nào để trả?". Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chất vấn: "Người ta khởi kiện vì trường vi phạm hợp đồng, đòi quyền lợi mà trường lại hỏi lấy tiền đâu để trả. Đó là việc của nhà trường chứ (!)".
Nói về vấn đề này, bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cho biết hàng trăm quyết định tuyển dụng giáo viên do lãnh đạo UBND huyện ký, trong đó có 5 giáo viên đang khởi kiện đều trái quy định pháp luật, gây ra vụ dôi dư 500 giáo viên.
Theo bà Trinh, vì "các quyết định ký sai, lãnh đạo huyện đã bị kỷ luật rồi" nên UBND huyện chỉ chịu trách nhiệm bồi thường đến thời điểm tháng 10-2018.
Tuy nhiên, lập luận này cũng bị HĐXX bác bỏ. Theo HĐXX, 5 thầy cô giáo này không chấp nhận các phương án thanh lý hợp đồng của huyện nên khởi kiện và phải giải quyết theo quy định tại Bộ luật lao động.
Đại diện Viện KSND huyện Krông Pắk giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các thầy cô giáo, yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho các thầy cô giáo tổng cộng 1,245 tỉ đồng.
Mức bồi thường này thấp hơn yêu cầu khởi kiện hơn 250 triệu đồng do các thầy cô giáo rút yêu cầu bồi thường trả lương thiếu lúc đang làm việc, buộc trường chi trả bảo hiểm y tế…
HĐXX cho rằng do có nhiều nội dung nên sẽ nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều 14-1.
Trước đó, TAND huyện Krông Pắk đã tuyên buộc Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk có trách nhiệm liên đới bồi thường cho cô Nguyễn Thị Bình (33 tuổi) tổng cộng hơn 175 triệu đồng, đóng bổ sung 3 năm bảo hiểm xã hội cho cô do đơn phương cắt hợp đồng trái luật. Hiện Trường THCS Ea Kly đã kháng cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận