06/11/2021 08:57 GMT+7

Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ lăng - Kỳ cuối: Giải mật dòng nước dưới lăng tẩm

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Nước là yếu tố quan trọng của hệ thống phong thủy Thiên Thọ lăng. Nước là chất liệu kiến tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng tráng, tuyệt mỹ nơi vua Gia Long yên nghỉ.

Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ lăng - Kỳ cuối: Giải mật dòng nước dưới lăng tẩm - Ảnh 1.

Bản đồ tour du lịch nghiên cứu sinh thái lăng Thiên Thọ dựa trên bản đồ hình mắt cá do Bộ Công triều Nguyễn thực hiện. Nguồn: tài liệu tour du lịch nghiên cứu sinh thái lăng Thiên Thọ

Nước cũng là sức mạnh tàn phá các công trình tuyệt tác ở nơi này nếu không biết cách chế ngự. Các nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản đã hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra bí mật cách người Việt điều khiển dòng nước ở Thiên Thọ lăng.

Khu vực rất đặc biệt trên thế giới

Sau những buổi du ngoạn lăng Thiên Thọ vào tiết thanh minh nắng ấm hay buổi chiều thu tịch mịch, chúng tôi quay lại để quan sát lăng Gia Long sau những ngày mưa lũ.

Lần này chúng tôi đi theo một con đường khác: con đường của những dòng nước len lỏi và bao quanh lăng Thiên Thọ. Đó cũng là tour du lịch ra đời từ ý tưởng xây dựng quần thể lăng mộ - làng quê - sông núi nơi này thành bảo tàng sinh thái - lịch sử.

Nữ hướng dẫn viên Kim Anh, cũng là người điều hành tour du lịch nghiên cứu sinh thái ở khu lăng này, đưa cho chúng tôi chiếc quạt giấy có in bản đồ cổ hình mắt cá vẽ toàn cảnh lăng Thiên Thọ từ thời Nguyễn.

Nhìn vào bản đồ là thấy ngay "sơn triều thủy tụ" và nguyên lý phong thủy "lưng tựa núi, mặt hướng ra nước" của lăng vua Gia Long. Hệ thống khe - hào - ao - hồ như dải lụa kết nối các ngôi lăng mộ của hoàng gia thành một quần thể nối liền với ruộng đồng và sông Hương, đồng thời kết nối quần thể lăng mộ với làng mạc Định Môn.

Mùa hè năm 1997, GS.TS Satoh Shigeru, bấy giờ là giám đốc Viện Nghiên cứu đô thị và vùng - Đại học Waseda (Nhật Bản), lần đầu tiên đến Huế. Ông rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp mà người xưa đã thiết kế để hài hòa với sông núi, đặc biệt là các lăng tẩm hoàng gia ở thượng nguồn sông Hương.

Ông nhận thấy các con sông và hệ thống thủy đạo ở các lăng mộ hoàng gia đều hỗ trợ lớn cho nông nghiệp địa phương. Đồng thời, hệ thống nước này còn được tích hợp vào kiến trúc của lăng mộ hoàng gia.

"Việc bố trí các dòng chảy rất tinh vi và có hệ thống, để tích hợp được công nghệ kiểm soát môi trường truyền thống của địa phương bằng một công nghệ phức tạp" - GS.TS Satoh Shigeru cho biết.

Cuộc hợp tác giữa Đại học Waseda và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế được mở ra để nghiên cứu về hệ thống thủy đạo và kỹ thuật quản lý nước truyền thống, từ năm 2013 tập trung vào khu lăng tẩm hoàng gia ở Thiên Thọ.

"Hệ sinh thái bao quanh khu lăng mộ hoàng gia ở thượng nguồn sông Hương là một khu vực rất đặc biệt trên thế giới, và tôi tin rằng không thể gọi bằng bất cứ tên nào khác ngoài bảo tàng sinh thái" - GS.TS Satoh Shigeru nhấn mạnh.

Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ lăng - Kỳ cuối: Giải mật dòng nước dưới lăng tẩm - Ảnh 2.

Ruộng đồng của dân làng Định Môn đã thành một phần cảnh quan lăng Thiên Thọ - Ảnh: NGUYỄN PHONG

Công nghệ tụ thủy và tán thủy

Khí hậu cực đoan của vùng Huế - mùa mưa thì nước dồn dập, ngập tràn, phá hủy hồ đập, nhà cửa; mùa hè thì nắng nóng gay gắt khiến sông suối khô cạn, cây cỏ khô héo. Nguồn nước tụ về lăng theo khe suối từ các núi phía nam và phía đông, cùng với nước mưa từ bề mặt các đồi núi quanh lăng chảy xuống.

Nước tập trung vào một hồ lớn trước lăng, gọi là hồ Dài, rồi kết nối với một dòng chảy chính có tên địa phương là hào Mệ để thoát ra sông Hương. Vào mùa mưa lũ, nước từ các nguồn này chảy về rất nhiều, cùng với nước lũ từ sông Hương tràn vào.

Trong khi mùa khô nguồn nước cung cấp rất ít. Vậy thì khi xây dựng khu lăng vua, người ta đã làm thế nào để cho mùa mưa nước không gây ngập lụt lăng tẩm, mùa khô nước không thất thoát gây hạn?

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy những người thiết kế và xây dựng khu lăng tẩm này đã áp dụng rất tài tình kỹ thuật điều chỉnh mực nước đối với toàn bộ hệ thống thủy lợi.

Nước ở trong hồ Dài luôn thấp hơn ở hào Mệ để không tràn ra ngoài, tránh hồ bị cạn vào mùa khô hạn. Mùa mưa, khi nước trong hồ cao hơn mức quy định thì nước sẽ chảy ra hào Mệ qua một cái cống để thoát ra sông Hương.

Khi xuất hiện lũ lụt, nước sông Hương dâng cao và chảy ngược vào hồ Dài, khiến cho hồ phải chịu một áp lực rất lớn, nguy cơ gây vỡ bờ kè rất cao. Do vậy, người ta làm một cái hồ phụ nằm gần đoạn thoát nước từ hồ Dài ra hào Mệ, có chức năng như là hồ kiểm soát lũ lụt.

Theo đó, khi nước lụt từ sông Hương tràn vào hồ Dài, nó sẽ chảy vào hồ điều tiết lũ lụt qua hai cống ngầm, giảm thiểu tối đa áp lực lên phần còn lại của hồ và chống ngập cho toàn khu vực lăng.

Các đồng ruộng ở thượng nguồn hồ Dài có chức năng như các bể điều tiết nước khi lũ đến, vừa như là "bẫy trầm tích" để ngăn rác từ thượng nguồn trôi vào hồ.

Mùa khô, người ta lại gom nước một cách hiệu quả từ bất kỳ lượng mưa nhẹ nào từ các lưu vực cao để bổ sung nước cho hồ chứa qua các cống. Để giảm tối đa nước mưa thấm vào lòng đất trong mùa khô, người ta xếp đá trên bề mặt đường dẫn nước.

Lăng trong làng, làng trong lăng

Quần thể lăng Thiên Thọ tọa lạc trên đất làng Định Môn, nay thuộc xã Hương Thọ, ngoại ô TP Huế. Sách địa chí Ô châu cận lục hoàn tất năm 1555 đã thấy ghi chép về làng Bộc Môn (tên xưa của làng) thuộc huyện Kim Trà: "có thứ mít nài, bốn mùa đều kết trái, mọi người đều khen, há chẳng phải là thức trân quý của nước Nam hay sao!".

Khi vua Gia Long đến đây thì làng đã có từ mấy trăm năm trước. Vì vậy vua đã xin phép sơn thần, thổ địa và thần hoàng của làng để xây cất lăng mộ ở đây. Sắc phong nhơn thần cho các vị khai canh, khai khẩn, đồng thời đền bù 30 mẫu 8 sào đất tốt ở huyện Quảng Điền cho dân làng canh tác.

Lăng Thiên Thọ không có la thành để cách biệt lăng tẩm của vua với làng xóm của dân. Vì vậy, đây là khu lăng duy nhất mà ruộng đồng lại nằm xen lẫn trong vùng trọng địa của lăng tẩm. Hệ thống hồ trong lăng nguyên là ruộng của dân làng. Lính hộ lăng ngày xưa là người dân làng, nhân viên bảo vệ lăng ngày nay cũng là dân làng.

Chuyên gia Furukawa Naoaki (Đại học Tokyo Metropolitan, Nhật Bản) cho rằng lăng Thiên Thọ là một ngoại lệ.

Ông nhấn mạnh: "Trong không gian thiêng liêng của khu lăng mộ hoàng gia dựa trên triết lý phong thủy, nông nghiệp và người dân như là một thế giới quan thống nhất. Chúng tôi có thể nói rằng lăng mộ hoàng gia là không gian, nông nghiệp là hoạt động và chuyển động của con người... chính là những gì hình thành nên thế giới quan của lăng vua Gia Long".

Theo chuyên gia Nhật Bản, điều đáng chú ý là cách quản lý hệ thống nước ở lăng tẩm hoàng gia Nguyễn có những đặc điểm chưa từng thấy ở các lăng mộ hoàng gia của các triều đại Trung Quốc.

Những ngôi làng và cánh đồng lúa vốn đã tồn tại trong khu vực này được giữ lại và sử dụng cùng nhau, tạo nên một chức năng sinh thái, nơi con người gắn bó với thiên nhiên thông qua quá trình từ thu gom nước đến thoát nước.

Điều này cũng đã tạo ra những đặc điểm khác biệt so với các lăng mộ khác ở Đông Á. Riêng với lăng Gia Long, sự tồn tại song hành của lăng mộ hoàng gia, nông nghiệp và người dân cho thấy vị hoàng đế đã muốn thể hiện hình ảnh một quốc gia thịnh vượng dựa trên nền sản xuất nông nghiệp.

Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ lăng - Kỳ 5: Bí ẩn rừng thông sơn lăng Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ lăng - Kỳ 5: Bí ẩn rừng thông sơn lăng

TTO - Bước chân vào chốn lăng tẩm mà cứ ngỡ như đang lạc vào khu vườn cổ tích với những rừng thông đẹp mê hồn. Du khách nào đến đây cũng tưởng rừng thông này đã có sẵn từ trước như cái tên Thiên Thọ nghĩa là trời ban cho.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên