Lăng mộ của Thế Tổ Cao hoàng đế - niên hiệu Gia Long (bên trái nhìn từ trong ra) và Thừa Thiên Cao hoàng hậu - Ảnh tư liệu
Lăng duy nhất hợp táng vua và hậu
Chúng tôi trở lại Thiên Thọ lăng vào một buổi chiều cuối thu, tháng 10-2021. Quả đúng như lời khuyên từ 100 năm trước của vị linh mục kiêm nhà khảo cứu L.Cadiere: nên đến đây vào cuối buổi chiều, đó là thời điểm đẹp nhất để thăm viếng lăng tẩm. Mặt trời nghiêng dần về phía sau quần sơn Thiên Thọ. Ánh nắng vàng dịu của buổi chiều thu phủ khắp sơn lăng.
Nằm lặng lẽ dưới rừng thông và hồ nước bao quanh, Thiên Thọ lăng hiện ra trong tĩnh mịch hoàng hôn với một vẻ đẹp bí ẩn. Đứng trên ngọn núi ngay phía sau ngôi lăng mộ được nhà vua đặt tên là Chánh Trung Sơn, nhìn xuống thấy hai ngôi mộ bằng đá, kiểu cách đơn giản như ngôi nhà truyền thống người Việt.
Đó là tẩm mộ của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Nếu không theo phép tắc "nam tả nữ hữu" thì không thể biết đâu là phần mộ của vua, vì cả hai đều cùng hình dáng, cùng kích thước, nằm cách nhau chỉ một gang tay.
Tháng hai, ngày Ất Mùi (22-2-1814), hoàng hậu băng hà, thọ 54 tuổi. Vua bàn với các đại thần muốn táng hoàng hậu và vua cùng một lăng, bèn sai các quan đại thần cùng nhà phong thủy - địa lý Lê Duy Thanh đi xem các núi. Bảy lần bói, chỉ có núi Thọ Sơn là tốt. Vua đến xem, thấy vượng khí chung đúc, các núi quanh chầu về, quả là "vạn niên cát địa". Bèn lấy quân dân để làm lăng. Chỗ chính huyệt đặt hai cái quách đá.
Đến tháng 3 năm sau mới đưa hoàng hậu lên an táng. Vua đích thân đưa đi. Khi vua qua đời, bà được dâng thụy hiệu là Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Bà là Tống Thị Lan, mẹ của thái tử Cảnh, đã một lòng theo vua suốt gần 25 năm, cùng nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử (theo Đại Nam Thực Lục đệ nhất kỷ, quyển 48).
Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng cho biết đây là trường hợp duy nhất của quân chủ Á Đông: vua an táng cạnh hoàng hậu, với ý nghĩa "càn khôn hiệp đức" (trời đất hòa hợp). Đó là nét đặc biệt nhất của lăng vua Gia Long. Nhà khảo cứu Phan Văn Dật nhận xét: "Óc kiêu hãnh chưa bóp chết cái tình trong con người của một ông hoàng đế. Người bạn trăm năm đã được vinh thăng làm người bạn muôn thuở".
Hoàng cung thứ hai ở núi Thiên Thọ
Không chỉ độc đáo với mộ hợp táng, lăng vua Gia Long còn mang một đặc điểm riêng biệt nữa, đó là: quần táng. Không chỉ lăng mộ vua và hoàng hậu chánh cung, trong cuộc "vạn niên cát địa" này còn có sáu ngôi lăng mộ khác là người ruột thịt và tiền bối của vua. Đó là lăng Thoại Thánh của Hiếu Khang hoàng hậu - thân mẫu của vua.
Lăng Thiên Thọ Hữu của Thuận Thiên Cao hoàng hậu - hoàng hậu thứ hai của vua, mẹ của hoàng tử Đảm tức vua Minh Mạng. Lăng Hoàng Cô của công chúa Ngọc Tú, chị đầu cùng mẹ với vua. Trước khi vua Gia Long đến, nơi đây đã có lăng Quang Hưng - bà vợ thứ của chúa Nguyễn Phúc Tần, lăng Vĩnh Mậu - bà vợ chính của chúa Nguyễn Phúc Thái, lăng Trường Phong của chúa Nguyễn Phúc Chú, cố nội của vua Gia Long.
Vì vậy, lăng Thiên Thọ là cả một quần thể lăng mộ hoàng gia Nguyễn; trong đó có lăng của một vị vua, một vị chúa, bốn hoàng hậu, một công chúa.
TS Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế, cho rằng: "Rất có thể vua Gia Long đã có ý đồ quy hoạch toàn bộ khu vực rộng lớn quanh Thiên Thọ Sơn làm nơi xây dựng lăng tẩm cho cả dòng họ Nguyễn, nhưng ý đồ này đã không được các vua Nguyễn về sau thực hiện".
Chỉ riêng câu chuyện vua Gia Long đi tìm "vạn niên cát địa" ở vùng rừng núi Thiên Thọ xa ngái đầu nguồn này cũng đủ cho hướng dẫn viên làm say lòng du khách. Năm Gia Long thứ 10 (1811), tháng 9, ngày Kỷ Sửu, hoàng thái hậu băng hà, thọ 74 tuổi. Vua sai các quan đại thần cùng nhà phong thủy - địa lý Lê Duy Thanh đi tìm đất đẹp cho sơn lăng. Sau khi Lê Duy Thanh chọn được đất ở làng Định Môn, vua đến xem và chọn ngày tốt của tháng giêng khởi công xây lăng. Vua thường xuyên lên kiểm tra. Tại công trường này đã xảy ra một vụ tai nạn khiến vua suýt mất mạng.
Vụ tai nạn này cũng được một người Pháp, ông Michel Đức Chaigneau, thuật lại trong sách Souvenir de Huế (Hồi ức về Huế). M.Đức Chaigneau kể rằng vua đã cho cất tạm một ngôi nhà tranh và lên đây vừa làm việc của triều đình vừa trông coi việc xây dựng. Một cơn dông chiều kèm theo mưa lớn, sấm sét vang trời, gió lốc thổi bay mọi vật và giựt đổ căn nhà, đè lên người vua. Vua bị thương ở trán và chân. Có ba hoàng tử bị thương nặng, quân nhân có người chết.
Đây là trường hợp duy nhất của vua chúa Việt Nam, mộ hoàng hậu nằm ngay bên cạnh mộ hoàng đế, không một sự phân biệt - Ảnh: NGUYÊN PHONG
Có phải mộ vua táng lộ thiên?
Đứng trước ngôi mộ song táng của vua và hoàng hậu, nhiều người đã hỏi: có phải trong ngôi nhà bằng đá này là quan tài của vua và hậu? Câu hỏi đã khiến không ít hướng dẫn viên lúng túng, vì đó là điều hệ trọng và là bí mật lăng mộ của các hoàng đế.
Sách Đại Nam Thực Lục chép lại lễ tang nhà vua, nhưng phần việc quan trọng nhất là công đoạn đưa tử cung (quan tài vua) vào huyền cung (huyệt mộ) thì chỉ chép ngắn gọn. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (ghi chép toàn bộ điển lệ của triều đình) thì chép đầy đủ về nghi thức tang lễ, quy thức lăng mộ của vua Gia Long, nhưng phần việc quan trọng nhất cũng không ghi rõ lắm.
Đúng giờ Dậu (17h chiều, ngày 16-4 Canh Thìn, nhằm 27-5-1820), viên quan coi việc lễ quỳ tâu: "Nay được giờ tốt, xin hạ huyệt". Quan tổng hộ sứ Lê Văn Duyệt lệnh cho quân đô tùy đỡ tử cung đặt xuống huyền cung, xong thì lui ra.Vua Minh Mạng bước đến gần huyền cung xem xét. Các quan chấp sự nắn chỉnh tử cung cho chính xác đúng theo phương hướng đã định.
Sau khi thực hiện xong lễ tiến tặng, các quan lui ra. Hoàng hậu (nhị phi), công chúa, phủ thiếp (con dâu vua) đến trước huyệt mộ làm lễ bái biệt tiên đế, xong thì lui ra. Phần việc còn lại là úp cái quách gỗ lên tử cung, rồi đổ một thứ nhựa gọi là lịch thanh (nhựa thông) và đậy nắp quách đá.
Nhà khảo cứu Phan Văn Dật trong một bài khảo về lăng Gia Long đăng trong đặc san Đại học Văn khoa, Huế 1972-1973, cho rằng "huyền cung của vua và hoàng hậu đều lộ thiên, không giấu giếm người ngoài như các lăng khác". Tuy nhiên, nhà nghiên cứu kiêm chuyên gia phong thủy Trần Viết Điền cho rằng quan tài của vua không thể táng lộ thiên được, vì theo quan niệm của người xưa thì đó là việc hệ trọng, quyết định vận mệnh của cả vương triều. Quan tài được đưa vào huyệt mộ bằng đường toại đạo, và phải chôn sâu dưới đất, để hấp thu long mạch.
Theo ông Điền, không có chuyện người ta chôn sống luôn cả những người lính khiêng quan tài vua, để giữ bí mật như dân gian suy đoán. Đó là việc có thể đã xảy ra vào thời cổ đại. Còn lúc này là thế kỷ 19, vua Gia Long cũng đã tiếp xúc nhiều với văn minh phương Tây. Mặc khác, vua Gia Long còn tôn trọng đạo Phật.
Ai thiết kế lăng Thiên Thọ?
Các sách sử triều Nguyễn hầu như không ghi rõ người nào hoặc là bộ phận nào của triều đình thực hiện việc thiết kế lăng vua Gia Long. Theo Phan Văn Dật, vua Gia Long đã tự tay vẽ họa đồ nơi yên nghỉ của mình. Đại Nam Thực Lục cũng cho biết vua đích thân chọn vị trí đặt huyệt mộ, cũng như tổ chức quy hoạch cho cả khu Thiên Thọ.
Theo L.Cadiere, đơn vị thi công lăng vua Gia Long là đội Sanh Thiết với 300 người, và 274 người của đội lính thủy quân cùng dân làng Phù Bài. Họ được nhận 60 đồng tiền kẽm mỗi ngày. Lăng khởi công xây dựng vào ngày 11-5-1814 và hoàn tất cơ bản vào năm 1820 dưới thời Minh Mạng. Các đời vua về sau đều có sửa sang, tu bổ.
*********
>> Số phận lao đao của nhà địa lý tìm huyệt mộ
Người xưa nói thầy địa lý tìm huyệt mộ cho các bậc đế vương là nắm được bí mật của vua chúa, nên số phận không tránh khỏi gian truân. Điều đó có xảy ra với người đã tìm ra cuộc đất "vạn niên cát địa" để xây dựng sơn lăng của vua Gia Long?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận