Không có bằng cấp chuyên môn nhưng một số người ở TP.HCM tự xưng là bác sĩ, liều lĩnh nhận làm nhiều thủ thuật khó trong nha khoa. Điều tra của PV Tuổi Trẻ còn phát hiện đường dây làm bằng bác sĩ giả, thuê giấy phép hoạt động nha khoa và hàng loạt cơ sở y tư nhân hoạt động không có giấy phép.
Kỳ 1: Bác sĩ đứng tên chỉ là “cây cảnh”
Nha khoa An Bình được ngã giá sang nhượng 290 triệu đồng - Ảnh: M.Mẫn |
Hoạt động nha khoa tư nhân đang tồn tại nhiều nguy cơ khó lường, bất ổn...
Dù không đủ điều kiện xin cấp phép thành lập cơ sở nha khoa, nhiều người vẫn dễ dàng hợp pháp hóa bằng cách bắt tay với bác sĩ có chuyên môn, đủ thâm niên tay nghề theo quy định của ngành y để có giấy phép hoạt động.
Giới bác sĩ nha khoa cho biết nhiều bác sĩ đứng tên trong giấy phép phòng nha khoa (người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật) chỉ là “cây cảnh”. Hằng tháng, họ được chủ thật sự của các phòng nha khoa trả một số tiền, còn đóng góp chuyên môn cũng như quá trình giám sát hoạt động của cơ sở gần như không có.
Giáp mặt với “cò”
Phòng nha hoạt động không giấy phép Trong thời gian chờ ký hợp đồng sang nhượng phòng nha khoa An Bình, ông Phương tiếp tục giới thiệu khách với bà Vân, chủ nha khoa Nụ Cười Việt (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè), đang có ý định sang lại phòng nha với giá 300 triệu đồng. Tối 7-4, ông Phương dẫn khách đến nha khoa này để bàn cụ thể với bà Vân. Sau khi dẫn khách đi xem máy móc, bà Vân nói phòng nha này đang chờ thẩm định trước khi có giấy phép hoạt động. “Do có người bảo kê nên phòng nha của chị hoạt động từ đầu năm đến giờ không cần giấy phép. Chỉ ít ngày nữa sẽ có giấy phép hoạt động nên em cứ yên tâm. Chị thuê giấy của một bác sĩ, tháng chỉ 8 triệu đồng. Nếu em nhận lại phòng nha này thì giá cũng vậy thôi. Chỗ quen biết cả” - bà Vân nói. Theo ông Phương, hồ sơ xin cấp phép hoạt động của phòng nha Nụ Cười Việt được một bác sĩ quen biết với vợ chồng bà Vân đứng ra nhờ một bác sĩ khác có đủ thâm niên để đứng tên. “Bà bác sĩ này anh biết. Nếu em thấy phòng này được thì anh dẫn sang gặp bà ấy bàn cụ thể hơn” - ông Phương nói. |
Phải mất rất nhiều thời gian, PV Tuổi Trẻ mới lần ra một đường dây chuyên chạy giấy phép hoạt động nha khoa tại TP.HCM. Người có “số má” trong đường dây này là ông Tô Hoàng Phương (ngụ Q.4). Trước đây, ông Phương hoạt động trong lĩnh vực vật tư nha khoa. Sau một thời gian, nhờ có các mối quan hệ với giới bác sĩ, ông Phương chuyển sang làm “cò” chạy giấy phép.
Trưa 2-4, trao đổi với một người muốn mở phòng khám nha khoa, ông Phương cho biết đối với dân “tay ngang” (tức không phải bác sĩ nha khoa), việc xin giấy phép hoạt động rất khó khăn. “Muốn mở phòng nha, em phải kiếm được bác sĩ đủ điều kiện xin giấy phép cùng hợp tác. Còn nếu không, phải nhờ bác sĩ đứng tên. Hằng tháng phải trả tiền cho họ, gọi là tiền thuê giấy phép hoạt động. Em phải chứng minh được phòng nha có bác sĩ làm việc thì người cho thuê giấy phép mới chịu. Sau vụ thẩm mỹ Cát Tường, giới bác sĩ cho thuê giấy phép sợ liên lụy khi có sự cố lắm” - ông Phương giải thích.
Sau một hồi đưa ra hàng loạt khó khăn, ông Phương khuyên khách nên mua lại nha khoa An Bình làm ăn cho tiện. Theo tìm hiểu, người đứng tên trong giấy phép hoạt động phòng nha khoa An Bình (đường liên tỉnh 5, Q.8) là bác sĩ K.T.T. (đang làm việc tại Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương), chủ thật sự của phòng nha khoa này là bác sĩ M.X.N. (ngụ Q.6). Tháng 12-2013, bác sĩ K.T.T. nhận lời làm giấy phép phòng nha khoa cho bác sĩ N.. Đổi lại, hằng tháng bác sĩ N. trả cho bác sĩ K.T.T. tiền thuê giấy phép là 7 triệu đồng. Giấy phép hoạt động của phòng nha khoa An Bình được Sở Y tế TP.HCM cấp cho bác sĩ K.T.T. ngày 20-12-2013.
Chỉ sau một thời gian hoạt động, bác sĩ N. nhờ ông Phương tìm người để sang phòng nha với giá 320 triệu đồng. Ông Phương khẳng định mọi giấy tờ của phòng nha này đều đầy đủ, hợp lệ. “Anh sẽ giúp em mua lại phòng nha này. Giấy tờ không thay đổi. Với những vụ như thế này, anh thường lấy người khác 10 chai (10 triệu đồng). Anh cũng lấy em giá đó thôi. Anh em còn gặp nhau nhiều mà” - ông Phương ra giá với khách. Để không phải làm lại giấy phép, ông Phương bảo khách cần kiếm một bác sĩ nha khoa quen biết đến nói chuyện với bác sĩ N. nhằm tạo sự tin tưởng.
Để xúc tiến việc sang nhượng, trưa cùng ngày ông Phương đến một phòng nha khoa ở đường Bùi Thị Xuân (Q.1) để nhờ một bác sĩ đứng ra nói chuyện với bác sĩ N. và bác sĩ K.T.T.. Dù chưa có bác sĩ nào nhận giúp nhưng ông Phương vẫn thúc khách thống nhất giá sang nhượng nha khoa An Bình. “Em cứ đưa ra giá cụ thể. Còn việc kiếm bác sĩ đứng ra nói chuyện với bác sĩ N. và bác sĩ K.T.T. để anh lo” - ông Phương nói. Tối cùng ngày, ông Phương thông báo bác sĩ N. đồng ý giá sang nhượng 290 triệu đồng, hẹn ba bên gặp nhau vào sáng mai. “Trường hợp anh không tìm được bác sĩ đứng ra đảm bảo cho em, bác sĩ N. sẽ nói với bác sĩ K.T.T. là em và bác sĩ N. cùng hợp tác làm ăn tại phòng nha này. Hằng tháng, em cứ chuyển tiền thuê giấy phép cho bác sĩ N. để đưa cho bác sĩ K.T.T.” - ông Phương thuyết phục.
Thương lượng
Sáng 4-4, tại điểm hẹn quán cà phê trên đường Tạ Quang Bửu (Q.8), bác sĩ N. mang theo một tập giấy tờ gồm giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế và hợp đồng thuê nhà của phòng nha khoa An Bình. Tất cả giấy tờ này đều do bác sĩ K.T.T. đứng tên. Ông Phương thuyết phục bác sĩ N. đồng ý sang nhượng phòng nha cho khách, còn việc tìm bác sĩ đứng ghế sẽ tính sau. “Không được đâu. Bác sĩ K.T.T. là chỗ quen biết mới đứng ra làm giấy phép cho tôi. Ông phải kiếm được bác sĩ nào đó để tôi dẫn sang nói chuyện với bác sĩ K.T.T.. Như vậy, bác sĩ K.T.T. mới yên tâm để lại giấy cũ” - bác sĩ N. nói. Sau một hồi suy nghĩ, ông Phương hứa sẽ kiếm được bác sĩ sang nói chuyện với bác sĩ K.T.T. trước khi hợp đồng sang nhượng ký kết.
Ngày 8-4, ông Phương cho biết đã nhờ được bác sĩ K.H.T. đứng ra nói chuyện với bác sĩ K.T.T.. “Sáng 10-4, bác sĩ N. sẽ hẹn bác sĩ K.T.T., bác sĩ K.H.T. để nói chuyện. Anh sẽ dặn bác sĩ K.H.T. nói ông ấy là người bỏ tiền ra mua lại phòng nha này. Em chỉ là nhân viên thôi. Sau khi được việc, em gửi cho bác sĩ K.H.T. 3 hoặc 4 triệu tiền cà phê” - ông Phương dặn.
Khoảng 11g ngày 10-4, ông Phương, bác sĩ N., bác sĩ K.H.T. gặp nhau ở một quán cà phê trên đường Ngô Quyền (Q.5). Đến 11g30, bác sĩ K.T.T. xuất hiện. “Biết anh là bác sĩ em yên tâm để giấy lại rồi. Em cho N. thuê giấy tháng 7 triệu. Giờ giá cũng như vậy. Sau này có tăng cũng không nhiều nhặn gì. Em lấy ba tháng một lần. Nếu anh không thuê nữa, hoặc em lấy lại giấy thì báo trước một tháng hoặc hai tháng. Tiền có thể gửi vào tài khoản ngân hàng hoặc đến trực tiếp bệnh viện gửi cho em” - bác sĩ K.T.T. nói.
Sau đó, bác sĩ K.T.T. hỏi bác sĩ K.H.T. có đứng ghế làm ở phòng nha An Bình hay không. Bác sĩ K.H.T. cho biết sẽ thực hiện những thủ thuật chính. “Anh sẽ làm những cái khó, phức tạp. Còn lại sẽ có mấy đứa phụ tá làm thêm” - bác sĩ K.H.T. nói. Bác sĩ K.T.T. gật đầu và bắt tay với bác sĩ K.H.T. rồi ra về. Trong cuộc gặp trên, bác sĩ K.H.T. cũng tiết lộ có cho một người ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) thuê giấy phép hoạt động nha khoa với giá 12 triệu đồng/tháng. “Cho thuê mà lúc nào cũng lo ngay ngáy. Lỡ nó làm bậy bạ, có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra là mình lãnh đủ” - bác sĩ K.H.T. nói với bác sĩ N..
Hành vi cho thuê giấy phép là sai trái Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Minh Trạng - chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết đối với dạng phòng khám chuyên khoa cá thể (tức giấy phép và danh sách nhân sự chỉ cấp cho một người), bác sĩ đứng tên giấy phép phải trực tiếp khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Trường hợp các phòng chuyên khoa đăng ký nhiều bác sĩ làm việc, tất cả đều phải có chứng chỉ hành nghề. Người đứng tên trong giấy phép có thể không trực tiếp khám chữa bệnh nhưng phải quản lý hoạt động của cơ sở đúng phạm vi cho phép. Theo ông Trạng, luật pháp quy định cấm chuyện thuê bằng cấp, giấy phép hoạt động. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận