Nhân viên y tế ở Ai Cập xem xét hình ảnh chụp X-quang phổi của một bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TTXVN
Bệnh nhân đã ở trong tình trạng tương đối ổn trong 10 ngày đầu mắc COVID-19. Mới 38 tuổi, anh không thuộc nhóm đối tượng được mô tả là có rủi ro biến chứng cao với bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.
'Anh ấy có những triệu chứng hô hấp nhẹ, nên chỉ cần nghỉ ngơi ở nhà', bác sĩ Sean Wengerter, trưởng khoa phẫu thuật mạch máu tại bệnh viện Good Samaritan, thuộc Trung tâm Y tế Westchester ở Pomona, bang New York, Mỹ, cho biết. 'Bệnh nhân đã được chẩn đoán COVID-19 tại một phòng khám cấp cứu, sau đó khá ổn tại nhà. Anh ta chỉ bị ho một chút'.
Sức khỏe bệnh nhân ổn định cho đến khi một trong những triệu chứng gây ngạc nhiên của COVID-19 bắt đầu xuất hiện. 'Khi đó bệnh nhân thức dậy thấy hai chân tê, lạnh và yếu đến mức không thể đi được', bác sĩ Wengerter nói.
SARS-CoV-2 có thể gây ra cục máu đông
Thì ra người đàn ông trẻ này bị tắc động mạch chủ - một cục máu lớn xuất hiện trong động mạch chính của cơ thể, ngay phía trên nơi nó tách làm hai để chạy vào mỗi chân. Máu không chảy vào động mạch chậu và chân của anh ta bị 'bỏ đói'.
Đó là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm có thể giết chết từ 20-50% bệnh nhân, bác sĩ Wengerter nói với CNN. 'Và nó thường không xảy ra ở một người 38 tuổi'.
Việc chẩn đoán nhanh và một thủ tục phẫu thuật để cắt mở các động mạch, lấy ra cục máu đông bằng ống thông đã cứu sống bệnh nhân. 'Chúng tôi có hai bác sĩ cùng phẫu thuật một lúc với anh ấy', ông Wengerter kể lại.
Theo kênh CNN, các bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 đang nhận thấy một loạt các hội chứng kỳ lạ và đáng sợ, bao gồm các cục máu đông ở mọi kích cỡ trên cơ thể, chứng suy thận, viêm tim và biến chứng miễn dịch.
Gây suy nội tạng đa hệ thống
Tiến sĩ Scott Brakenridge, Phó giáo sư thuộc nhóm phẫu thuật các ca nguy kịch tại Đại học Y khoa Florida (Mỹ), cho biết: 'Một điều vừa gây khó hiểu, vừa gây nản lòng là căn bệnh này đang biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Trong một số trường hợp, virus ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp của bệnh nhân và trong những trường hợp khác, dường như nó liên quan đến biến chứng suy nội tạng đa hệ thống – khi tất cả các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân ngừng hoạt động. Và bây giờ nó còn liên quan đến những ảnh hưởng lên hệ miễn dịch ở trẻ em'.
Mặc dù SARS-CoV-2 mới được xác định là một loại virus đường hô hấp, nhưng rõ ràng nó đang ảnh hưởng khắp cơ thể của một số bệnh nhân. Các triệu chứng rõ ràng nhất của tình trạng nhiễm trùng là những triệu chứng hô hấp điển hình như sốt, viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính.
Tuy nhiên hiện nay, các bác sĩ đang cố gắng lý giải tại sao họ lại đang chứng kiến tình trạng máu đông cục chưa từng thấy ở các bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, SARS-CoV-2 dường như còn tấn công trực tiếp một số cơ quan trong cơ thể. Một trong những rắc rối nhất là nó tấn công vào niêm mạc mạch máu, từ đó gây ra sự đông máu bất thường. 'Có vẻ như COVID-19 đang tạo ra một phản ứng viêm cục bộ dẫn đến hiện tượng huyết khối. Điều này xảy ra do tác động trực tiếp của virus lên chính các động mạch', bác sĩ Wengerter phỏng đoán.
Trong khi đó, các nhóm bác sĩ khác còn báo cáo về tình trạng đột quỵ bất thường ở các bệnh nhân trẻ, cũng như hiện tượng tắc mạch phổi (hay máu đông cục trong phổi).
Các nhà nghiên cứu bệnh học đã phát hiện những cục máu nhỏ ở trong những mạch nhỏ nhất – Tiến sĩ Oren Friedman, làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ) cho biết. 'Không còn tranh cãi gì nữa, virus dường như gây ra huyết khối và ảnh hưởng trực tiếp đến các mạch máu của bạn. Và điều đó có nghĩa là nó ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể', bác sĩ Friedman nói với CNN.
'Rõ ràng mọi cơ quan trong cơ thể bạn đều được nuôi dưỡng bởi các mạch máu, vì vậy nếu virus ảnh hưởng đến các mạch máu, thì bạn có thể bị tổn thương nội tạng', ông Friedman khẳng định.
Tiến sĩ Brakenridge tại Đại học Y khoa Florida cho rằng 'đó là một bức tranh rất khó hiểu. Sẽ mất thời gian để tìm hiểu'.
Khiến hệ thống miễn dịch của trẻ em phản ứng thái quá
Một trong những hội chứng đáng sợ nhất có thể liên quan đến COVID-19 là 'hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em'. Ngày 12/5, thành phố New York, Mỹ đã báo cáo 52 trường hợp trẻ em mắc hội chứng lạ liên quan đến COVID-19, trong khi bang New York đang xem xét 100 ca.
Theo một hội đồng bác sĩ nhi khoa được gọi là Hợp tác PICU-COVID-19 Quốc tế, hội chứng lạ này đặc trưng với tình trạng sốt dai dẳng, viêm, chức năng kém ở một hoặc nhiều cơ quan và các triệu chứng khác giống như sốc.
'Trong một số trường hợp, trẻ bị sốc và một số có triệu chứng của bệnh Kawasaki, trong khi những trẻ khác có thể có dấu hiệu của 'cơn bão cytokine' – tức tình trạng phản ứng miễn dịch quá mức. Ở một số nơi đã gia tăng các ca bệnh Kawasaki ở những trẻ em không bị sốc', bác sĩ Bệnh viện Nhi Boston, Tiến sĩ Mary Beth Son cho biết.
Bệnh Kawasaki liên quan đến viêm ở thành của các động mạch cỡ trung bình và có thể làm hại tim. Nó có thể được gây ra bởi một phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch được gọi là 'cơn bão cytokine'.
'Hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng quá mức với virus và vì đây là những bệnh viêm nhiễm, phản ứng thái quá này có thể gây ra một căn bệnh giống như Kawasaki', Tiến sĩ Glenn Budnick, bác sĩ nhi khoa ở Pomona, New Jersey, cho biết trên kênh CNN Newsroom hôm 10/5.
'Thậm chí có khả năng chính các kháng thể mà bệnh nhân đang tạo ra để đối phó SARS-CoV-2 lại gây ra một phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Hiện không ai biết rõ', Tiến sĩ Jane Newburger, bác sĩ tim mạch và là một chuyên gia về bệnh Kawasaki tại Boston, nói. 'Cơn bão Cytokine' cũng có thể gây ra một số tổn thương phổi và đông máu bất thường, như đã thấy ở bệnh nhân trưởng thành.
Tuy nhiên cũng có bằng chứng khác cho thấy virus thực sự không tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh, và nó thực sự đang ức chế hệ miễn dịch. Điều đó cho phép virus tấn công trực tiếp hơn vào các cơ quan trong cơ thể - theo Tiến sĩ Brakenridge, tại Đại học Y khoa Florida.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine hôm 12/5 đã hỗ trợ cả hai giả thuyết trên.
Bác sĩ Zheng Zhang và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhân dân Số 3 Thâm Quyến, Trung Quốc đã phân tích các mẫu tế bào miễn dịch lấy từ phổi của 9 bệnh nhân COVID-19 và tìm thấy mức độ cao của các tế bào miễn dịch gọi là đại thực bào và bạch cầu trung tính, cũng như các chất hóa học báo hiệu miễn dịch gọi là cytokine và chemokine ở những bệnh nhân ốm yếu. Bệnh nhân yếu cũng có mức độ tăng sinh tế bào T (một loại tế bào miễn dịch khác) cao. Tuy nhiên, những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng nhất lại có số lượng thấp các tế bào T, CD8, vốn có nhiệm vụ trực tiếp tiêu diệt các tế bào đã bị nhiễm virus.
Các bác sĩ cho hay họ đang phát hiện ra rằng các phương pháp điều trị khác nhau có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Chẳng hạn chất làm loãng máu có thể giúp kiểm soát sự đông máu bất thường, trong khi các chất ức chế miễn dịch có thể giúp kiểm soát 'cơn bão cytokine'.
SARS-CoV-2 có thể gây chứng 'ngón chân COVID'
Một triệu chứng cuối cùng khá khó hiểu, mặc dù ít gây phiền toái hơn, được gọi là 'ngón chân COVID'. Bệnh nhân báo cáo tình trạng sưng đỏ hoặc tím các ngón chân. Có thể các cục máu đông nhỏ liên quan đến COVID-19 đang gây ra tình trạng đó - các bác sĩ cho biết.
'Một mô hình ngón chân COVID mà mọi người đang báo cáo là tổn thương màu đỏ điển hình ở lòng bàn chân. Có thể đây là phản ứng ở da hoặc gây ra do các cục máu đông rất nhỏ trong những mạch máu ở ngón chân. Tình trạng này thường không liên quan đến bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào', bác sĩ chuyên khoa hô hấp Humberto Choi tại Cleveland Clinic (Mỹ) cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận