Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, nhiều quan chức công nhận việc nước thấm qua các khe nhiệt ra hạ lưu là không được phép, bêtông có khuyết tật...
Khẩn trương khắc phục thấm nước ở thủy điện Sông Tranh 2Phải đặt an toàn của dân trên hết
Phóng to |
Nước đang tuôn như suối tại đập chắn thủy điện Sông Tranh 2 phía hạ lưu - Ảnh: Tấn Vũ |
Khẳng định không cần di dời dân!
Theo Bộ Công thương, hồ chứa Sông Tranh có dung tích 729,2 triệu m3, chiều cao đập 96m, chiều rộng đỉnh đập 8m và chân đập rộng 75m.
Qua đánh giá của các chuyên gia và kết quả kiểm tra khảo sát ban đầu, Bộ Công Thương chính thức nhận định nguyên nhân thấm qua đập và rò rỉ nước ra phía hạ lưu do các nguyên nhân:
- Thấm qua kết cấu chống thấm tại khe nhiệt phía thượng lưu đập (khóa Omega) và một số vị trí khác.
- Biện pháp khoan phụt chống thấm cục bộ trong hành lang chưa phù hợp đã làm tắc dòng nước chảy vào hành lang thu nước dẫn đến làm tăng lượng thấm về hạ lưu…
Trả lời trực tiếp phóng viên, ông Lê Quang Hùng, cục trưởng Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, công nhận “tất nhiên bêtông phải có khuyết tật nước mới rò”. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng có nhiều kiểu khuyết tật và nên bình tĩnh xem xét, nếu chỉ thấm qua khe nhiệt thì không đặt ra phải khoan lại bêtông lấy mẫu. Tùy tình hình, nếu cần thiết mới làm điều này. Còn đập có nguy hiểm, phải di dời dân không, ông Hùng khẳng định là “không”!
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết đến nay, lượng nước chảy về hạ lưu chỉ còn 7-8lit/giây, giảm rất đáng kể so với người dân thấy trên truyền hình mấy ngày trước. Ông Vượng tái khẳng định chưa phát hiện vết nứt trên thân đập. “Với lưu lượng nước đo được và quan trắc cho phép khẳng định đập tới thời điểm này vẫn an toàn, ổn định. Chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố nào có thể làm nguy hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân ở hạ du” - ông Vượng cam kết.
Nhưng đúng là...không được phép thấm
Việc để nước thấm qua các khe nhiệt ra hạ lưu, theo báo cáo của Bộ Công thương, đúng là không được phép. Xử lý triệt để vấn đề này cần có thời gian và tiến hành từng bước, đảm bảo việc xử lý thấm có hiệu quả, đúng nguyên nhân gây thấm. Tuy nhiên, Bộ Công thương công nhận không vì thế mà được phép kéo dài, phải tập trung xử lý trong thời hạn ngắn nhất để đảm bảo an toàn đập ngay trước mùa mưa lũ năm 2012.
Về trách nhiệm, theo ông Vượng, chất lượng nhà máy thủy điện không tốt, nếu truy trách nhiệm thì đầu tiên là chủ đầu tư EVN. “Nhưng hiện nay khi có bất thường xảy ra, phải xem nguyên nhân, từ đó có giải pháp. Tùy mức độ bất thường sẽ làm rõ trách nhiệm các bên, cá nhân liên quan” - ông Vượng nói.
Ông Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết thêm trước đây thủy điện PleiKrong ở Kon Tum cũng đã xảy ra hiện tượng như Thủy điện Sông Tranh 2 nhưng đã khắc phục xong.
Tỉnh đề nghị có văn bản giải thích cho dân
Sau phần trả lời của các bộ ngành, Phó chủ tịch UBND Quảng Nam Đinh Văn Thu nói có tin tưởng nhưng cho rằng người dân, chính quyền Quảng Nam vẫn… lo lắng. Ông Thu đề nghị phải có văn bản chính thức để giải thích cho dân. Tuy nhiên, ông Vượng lại cho rằng đã đủ văn bản chính thức rồi, UBND Quảng Nam đã hoàn toàn có thể giải thích cho dân…
Vấn đề ảnh hưởng của động đất kích thích tới đập, Bộ Công thương cũng khẳng định hiện tượng xảy ra động đất kích thích trong quá trình hồ chứa tích nước là bình thường và sẽ giảm dần trong vòng 5 năm. Mặt khác, công trình thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế với động đất cấp VII (MSK-64) tương đương 5,5 độ richte nên các đợt động đất kích thích cuối năm 2011 không ảnh hưởng đến độ an toàn đập. Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn yêu cầu EVN phối hợp chặt chẽ với Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan chức năng liên quan giám sát, theo dõi các diễn biến về động đất kích thích khu vực lòng hồ Sông Tranh 2 để cập nhật số liệu đánh giá sự làm việc ổn định của đập.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới Bộ Công thương cho biết sẽ cùng Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng cử đoàn giám sát việc xử lý thấm của EVN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận