Bùi Quang Minh đang chia sẻ với Tuổi Trẻ - Ảnh: HẢI TRIỀU
Trước đó chuỗi này được định giá đến 27,5 triệu USD. Nói về việc thuyết phục các nhà đầu tư từ xứ sở hoa anh đào, Quang Minh trải lòng với Tuổi Trẻ: "Chúng tôi nghĩ mình đã thuyết phục họ ở các yếu tố: Đầu tiên là tiềm năng của thị trường đang nhắm tới, liệu thị trường đó có đủ hấp dẫn, quy mô và tốc độ phát triển có đủ lớn hay không? Kế đến là sức mạnh, kinh nghiệm và độ gắn kết lâu dài của đội ngũ lãnh đạo và nhân sự. Theo tôi, họ bị thuyết phục vì hầu hết cộng sự của tôi đều đi cùng từ những ngày đầu đến giờ. Cuối cùng là chúng tôi có kết quả kinh doanh trong quá khứ tốt, đã có lợi nhuận".
* "Bí kíp" để có thể giữ chân người tài lâu dài, điều rất thử thách trong khởi nghiệp?
- Có ba tiêu chí tôi luôn áp dụng: Cho họ sự chủ động trong việc tư duy, giải quyết vấn đề. Tạo cơ hội công việc mà họ từ đó có thể học và trưởng thành, tốt hơn mỗi ngày. Giúp họ thấy rõ mục đích của điều mình đang làm. Mục đích ở đây không phải là cho họ thấy đang làm gì cho công ty mà cho họ thấy doanh nghiệp (mà họ là một phần tử quan trọng) đang giải quyết bài toán gì cho xã hội. Khi họ nhận thức được bản thân đang phụng sự cho điều gì thì họ sẽ muốn làm lâu dài.
* Có hay không sự khác nhau trong việc thuyết phục các nhà đầu tư phương Tây và Nhật Bản, thưa anh?
- Cá nhân tôi cảm nhận có sự khác nhau nhất định. Hai vòng gọi vốn trước đây tôi làm việc với các quỹ từ Mỹ và châu Âu, còn vòng gọi vốn gần nhất tôi làm việc với quỹ của Nhật Bản.
Người Nhật cực kỳ cẩn trọng trong từng chi tiết, họ cũng nguyên tắc và trọng chữ tín. Chúng tôi học được rất nhiều từ họ. Ngoài ra, làm việc với người Nhật thì mọi thứ đều sẽ lâu hơn rất nhiều, thậm chí thời gian có thể gấp đôi so với các nơi khác. Quỹ đầu tư Mỹ thường làm mọi thứ rất nhanh chóng, có lẽ điều này đến từ mức độ chấp nhận rủi ro, và phần vì mỗi quỹ đầu tư có tôn chỉ riêng để phát triển.
Một điều nên lưu ý là việc gọi quỹ đầu tư không chỉ dừng lại ở chỗ gọi vốn thành công, ký hợp đồng nhận tiền là xong. Tôi hay ví von việc này hệt như bước vào một cuộc "hôn nhân", nghĩa là sẽ còn nhiều bước tiếp theo trong thời gian dài như báo cáo, đàm phán, thảo luận về chiến lược, các bước quản trị cũng như vận hành doanh nghiệp.
Nên việc các start-up trẻ vui mừng khi gọi thành công quỹ đầu tư là dễ hiểu và không có gì sai. Chỉ có điều các bạn cần cân nhắc kỹ và chọn nhà đầu tư phù hợp, có sự chuẩn bị lâu dài cho các giai đoạn về sau.
* Đang kinh doanh thành công với chuỗi Doco Donuts, anh lại quyết định trở lại trường học năm 2012, cụ thể là ĐH Harvard với học bổng toàn phần. Vì sao?
- Tôi không ngờ chuyến quay trở lại trường học đó cho tôi quá nhiều, vượt xa kỳ vọng.
Cá nhân tôi nhận thấy nhận thức, niềm tin vào bản thân, khả năng thay đổi rất nhiều. Việc được cọ xát trong một môi trường mà những người bước ra từ đó có thể làm được các điều lớn lao cho xã hội hun đúc bản thân rằng mình cũng có thể tạo những giá trị tương tự.
Nó còn thay đổi thái độ của tôi với bản thân. Thái độ ở đây nghĩa là mình vẫn phải nhìn vào số liệu, dữ liệu thật khi kinh doanh nhưng đồng thời sẽ đưa ra những lựa chọn linh động hơn, và nếu mình thất bại thì chấp nhận lùi lại một bước để xem bản thân sai những gì, học được gì. Sự thay đổi trong thái độ này giúp tôi ung dung, bớt sợ sự vấp ngã và từ đó vững tin đi tiếp.
Và tôi quay trở lại trường học phần vì thấy vẫn còn quá nhiều điều phải học hỏi thêm…
* Cần học thêm ngay cả khi anh đã bán thành công chuỗi Doco Donuts với giá 5 tỉ, và có quá nhiều kiến thức từ kinh nghiệm thực tế?
- Trước khi mở Doco Donuts, tôi học đại học ở Úc với học bổng toàn phần, làm việc ở Singapore một thời gian rồi mới về Việt Nam. Dẫu vậy khi khởi nghiệp, tôi vẫn gặp nhiều thăng trầm.
Chẳng hạn thời điểm làm Doco Donuts, địa điểm đầu tiên tôi kinh doanh năm 2009 là một mặt bằng rất bé ở Hàng Bông với giá thuê 18 triệu đồng/tháng, kết quả kinh doanh rất tốt.
Điều đó khiến tôi có chút ảo tưởng, nôn nóng dẫn đến việc mặt bằng thứ hai tôi "chơi lớn", thuê ở Giảng Võ rộng mênh mông, ký hợp đồng đến 3 năm. Cửa hàng kinh doanh không thuận lợi và tôi không chỉ có "gánh nặng" từ tiền thuê mặt bằng mà còn phải đổ nhiều tiền cho xây dựng, sửa chữa… để tạo không gian đủ hấp dẫn của mô hình khác biệt hoàn toàn với tiệm đầu tiên. Nó đòi hỏi tôi có những kỹ năng, kiến thức quản trị khác.
Tôi không bị lỗ nặng nhưng đó là một "thất bại" giúp bản thân nhận ra nhiều vấn đề cần hoàn thiện.
* Anh học được bài học nào sâu sắc nhất?
- Tôi đã trải qua cảm giác tệ nhất là không còn niềm tin vào bản thân. Tự hỏi là vì mình không đủ tài năng, không đủ thông minh hay không đủ lực… để lèo lái mọi thứ. Có lẽ do lúc đó còn quá non tuổi đời chứ bây giờ ngẫm lại tôi có sự "tĩnh" hơn trong cách nhìn nhận. Chẳng hạn lúc đó bên cạnh nhiều điều sai thì tôi cũng đã làm nhiều thứ đúng, việc học được nhiều điều từ sai lầm cũng là một điều quan trọng trong chặng đường mình đi.
Giờ tôi coi những thăng trầm đó là nỗi đau hiển nhiên, là những "vết thương" giúp mình trưởng thành. Kỳ lạ là tôi thấy trong nỗi đau, buồn chán nào cũng có sự đẹp đẽ, là cơ hội để nhìn lại, hoàn thiện bản thân trong hành trình khởi nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận