25/12/2024 16:35 GMT+7

Bệnh viện TP.HCM: Y, bác sĩ rời đi nhiều hơn thời dịch COVID-19 vì thu nhập thấp

Số bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc tại Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM sang các bệnh viện tư còn nhiều hơn so với trước đại dịch COVID-19.

Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM: Y, bác sĩ rời đi nhiều hơn thời dịch COVID-19 vì thu nhập thấp - Ảnh 1.

Em bé ra đời tại một bệnh viện sản TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày 25-12, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM đã có buổi khảo sát tại Bệnh viện Hùng Vương với chủ đề "Phát triển hệ thống y tế - Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân TP".

Báo cáo với Ban Văn hóa - Xã hội TP.HCM, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho hay dù Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện hạng 1, nhưng thu nhập của bác sĩ, nhân viên y tế vẫn chưa xứng so với công sức của bác sĩ, nhân viên y tế, vì thế đang có sự dịch chuyển bác sĩ, nhân viên y tế từ hệ thống công lập sang hệ thống tư nhân.

"Khi chúng tôi đào tạo được các bạn có đủ năng lực, trông chờ các bạn cống hiến nhiều hơn thì các bạn lại chuyển sang bệnh viện tư. Bệnh viện sẽ phải đào tạo lại một lớp mới. Chính bệnh nhân sẽ là người thiệt thòi nhất. Vì một bác sĩ mới ra trường, ít có kinh nghiệm hơn phục vụ bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng", TS Diễm Tuyết nêu thực trạng.

Hiện lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương rất trăn trở để làm sao có thể tăng thu nhập cho bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện. 

Thu nhập của bác sĩ, nhân viên y tế trong bệnh viện không quá chênh lệch so với hệ thống tư nhân, để giữ chân được nhân viên y tế. Đây là một trong những khó khăn của Bệnh viện Hùng Vương và cũng là khó khăn chung của hệ thống bệnh viện công lập hiện nay, TS Diễm Tuyết thông tin.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ Online, TS Diễm Tuyết cho biết thêm số bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện xin nghỉ việc nhiều hơn so với trước đại dịch COVID-19.

Khi xin nghỉ việc, những nhân viên này cũng nói rõ là do nhu cầu về thu nhập. Thu nhập của Bệnh viện Hùng Vương cao so với các bệnh viện công lập trong TP nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với bệnh viện tư. Một bác sĩ hoạt động chuyên môn trong bệnh viện sản phải cống hiến nhiều, dành nhiều thời gian.

Theo thông tin từ bệnh viện, thời gian học bác sĩ trong trường đại học y kéo dài 6 năm. Sau đó, muốn trở thành bác sĩ sản khoa phải học chuyên khoa 1 trong 2 năm, chuyên khoa 2 trong 2 năm. 

Như vậy, để làm bác sĩ sản khoa "cứng tay nghề" phải mất 10 năm. Trong ca trực vào buổi tối, bác sĩ sản khoa phải làm suốt đêm. Thế nhưng hiện một ca trực của bác sĩ chỉ được trả 60.000 đồng.

"Bản thân tôi cảm thấy mức lương hiện nay chưa phù hợp với công sức mà các bác sĩ bỏ ra", TS Diễm Tuyết bày tỏ ý kiến.

Bệnh viện tư cũng phục vụ cho bệnh nhân nhưng bệnh viện công là phục vụ cho những người yếu thế. Nếu cứ tiếp tục tình hình này, bệnh viện công chỉ còn lại những bác sĩ trẻ, thiếu kinh nghiệm thì bệnh nhân yếu thế sẽ bị thua thiệt, TS Diễm Tuyết lo lắng.

Lo bệnh viện công chỉ còn bác sĩ trẻ, thiếu kinh nghiệm bệnh nhân yếu thế sẽ thiệt thòi - Ảnh 2.Bệnh viện nợ lương, bác sĩ, y tá đồng loạt nghỉ việc

TTO - Hơn 100 bác sĩ, y tá và nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn đóng tại TP Vinh, Nghệ An đồng loạt nghỉ việc bốn ngày qua vì bệnh viện nợ lương nhiều tháng liên tục.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên