Các bệnh viện chuyên khoa sản, chuyên khoa nhi tại TP.HCM phải điều trị những ca khó, nặng, phức tạp từ nhiều tỉnh thành - Ảnh: X.Mai
PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho hay các bệnh viện chuyên khoa sản, chuyên khoa nhi trên địa bàn TP.HCM đều rơi vào tình trạng quá tải trẻ sơ sinh. Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện này phải đưa ra các giải pháp giảm tải trong thời gian tới.
Cứ sinh đẻ là lên tuyến trên cho an toàn!
Đây là tâm sự của nhiều gia đình. Bà Nguyễn Thị Nguyệt (62 tuổi, ngụ ở Tiền Giang) khi ngồi chờ cháu ngoại 5 ngày tuổi chích ngừa tại tầng 6, khoa sản N1 Bệnh viện Từ Dũ đã giải thích: "Sinh đẻ thì lên tuyến trên cho an toàn" - là lý do bà đưa con lên TP sinh.
Bà Nguyệt cho biết ngày 13-11, con gái bà là chị N.T.K.N. (32 tuổi) sinh mổ đứa con thứ 2 tại khu cấp cứu phẫu thuật - gây mê hồi sức (khu H) Bệnh viện Từ Dũ. Đến 22h cùng ngày, chị N. chuyển đến tầng 2 khu N1 và nằm tại đây trong tình trạng ngột ngạt, chen chúc. "Trên đường đi, gia đình có gọi đến tổng đài đặt phòng dịch vụ nhưng bệnh viện thông báo đã hết phòng" - bà Nguyệt kể về trường hợp con gái mình.
Đầu giờ chiều ngày 15-11, tại Trung tâm chuyên sâu sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 không ngớt tiếng khóc của trẻ sơ sinh, kèm theo đó là tiếng tít tít từ các thiết bị y tế phát ra liên hồi. Tại đây, số lượng bệnh nhi nhập viện lúc nào cũng đông và hầu hết ở tỉnh, mắc bệnh nặng.
Công suất giường bệnh vượt quy định
Theo số liệu khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, trong 9 tháng đầu năm 2018, khoa tiếp nhận và điều trị cho 7.443 trẻ sơ sinh. Với số giường chỉ tiêu là 192 giường nhưng số bệnh nhi thực tế luôn ở mức trên 250 trẻ, cao điểm lên đến trên 300 trẻ. Vì vậy, công suất sử dụng giường lên đến 130 - 156%.
Tình trạng này cũng xảy ra tại Trung tâm chuyên sâu sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1. Theo số liệu thống kê Bệnh viện Nhi đồng 1, số giường kế hoạch tại Trung tâm chuyên sâu sơ sinh là 165 giường, nhưng thực kê lên đến 210 giường. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhi sơ sinh nhập viện lúc nào cũng khoảng 250 trẻ, có khi lên đến 300 trẻ. Đặc biệt, vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, số lượng bệnh nhi đến 310 trẻ/ngày. Với thực trạng này, bệnh viện phải tận dụng tất cả những vị trí có thể kê thêm giường. Vì thế, công suất sử dụng giường là 120-130%.
Riêng Bệnh viện Hùng Vương, sau khi thực hiện các phương pháp giảm tải trẻ sơ sinh, trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉ lệ trẻ nằm điều trị tại khoa sơ sinh có giảm. Cụ thể, số giường chỉ tiêu tại khoa là 100 giường, trong khi tổng số trẻ điều trị tại khoa trong 6 tháng đầu năm 2018 là 1.438 trẻ (chiếm 7,8% tổng số trẻ sinh tại bệnh viện). Công suất sử dụng giường đạt 95%.
Đâu là giải pháp?
Để giải quyết tình trạng quá tải, theo đại diện Bệnh viện Từ Dũ, cần thực hiện chăm sóc thiết yếu trong và ngay sau sinh cho các trẻ sinh thường, sinh mổ. Đồng thời mở rộng chỉ định thực hiện chăm sóc này cho trẻ trên 34 tuần tuổi thai (trước kia là trên 37 tuần tuổi thai). Phương án này giúp giảm được hơn 20% trẻ bị suy hô hấp phải nhập vào khoa sơ sinh.
Song song đó, Bệnh viện Từ Dũ tích cực điều trị các trường hợp vàng da trung bình tại các khoa hậu sản, hậu phẫu, giúp không tách rời mẹ và con; xây dựng ngân hàng sữa mẹ để nuôi dưỡng trẻ sinh non tốt hơn, rút ngắn ngày nằm viện của trẻ sinh non. Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện về điều trị, chăm sóc sơ sinh để tăng năng lực chuyên môn, giảm chuyển tuyến.
Đối với Bệnh viện Hùng Vương, BS CKII Bùi Thị Thủy Tiên - trưởng khoa sơ sinh bệnh viện này - cho hay hiện khoa đã áp dụng 3 phương pháp giảm tải trẻ sơ sinh.
Thứ nhất, những trẻ sơ sinh có cân nặng từ 1,8 - 2,0kg sẽ đưa về khoa hậu sản và chăm sóc theo phương pháp kangaroo (người mẹ hoặc bố sẽ ấp con trước ngực, da kề da) thay vì trước đây vẫn chăm sóc, điều trị tại khoa sơ sinh.
Thứ hai, đối với trẻ sơ sinh vàng da có chỉ định chiếu đèn tại khoa sơ sinh cũng được đưa về phòng mẹ chiếu đèn. Mẹ và người nhà là người trực tiếp chăm sóc trẻ nhằm duy trì nguồn sữa mẹ.
Thứ ba, áp dụng phương pháp kangaroo ngay tại khoa sơ sinh (hiện có 14 giường).
Còn Bệnh viện Nhi đồng 1, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - phó giám đốc bệnh viện - cho biết bệnh viện không ngừng phát triển kỹ thuật chuyên sâu để đảm bảo chất lượng điều trị, giảm thời gian nằm viện, từ đó giúp giảm quá tải nội trú.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn (nếu bệnh nhân nhiễm khuẩn thì thời gian điều trị sẽ kéo dài, từ đó gây ra tình trạng quá tải). Hạn chế bệnh nhân nhập viện không cần thiết bằng cách tăng cường sàng lọc tại khu khám bệnh và tăng cường điều trị ngoại trú.
Theo TS.BS Minh, phương án quan trọng nhất là tăng cường chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực tuyến trước bằng cách áp dụng các kỹ thuật hội chẩn từ xa qua điện thoại, Internet. Qua màn hình, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ hội chẩn, tư vấn cho các bác sĩ tuyến dưới, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Nhiều trường hợp qua hội chẩn trực tuyến đã thuyết phục bệnh nhân tiếp tục điều trị ở tuyến trước và đã cứu sống bệnh nhân (vì không phải trải qua đoạn đường dài di chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 không an toàn).
Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng áp dụng thông tư 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế về chuyển tuyến. Đối với những bệnh nhân đang trong giai đoạn sức khỏe ổn định (chưa hết bệnh nhưng đã qua giai đoạn cấp cứu) thì sẽ chuyển về tuyến trước để tiếp tục điều trị.
Tuy nhiên, do các bệnh viện thuộc tuyến cuối nên thường xuyên tiếp nhận, điều trị những ca khó, nặng, phức tạp từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, nhiều trường hợp bệnh nhẹ đang điều trị tuyến dưới nhưng phụ huynh không an tâm nên yêu cầu chuyển lên tuyến cuối.
Quá tải trẻ sơ sinh bị bệnh lý võng mạc
Bác sĩ khám trẻ sinh non tuần thứ 29, nặng 1,3kg, mắc bệnh lý võng mạc (ROP) tại Trung tâm chuyên sâu sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 vào chiều 13-11 - Ảnh: X.MAI
TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho rằng nếu như nhiều năm trước đây, phần lớn ca sinh non đều khó cứu sống thì ngày nay, do khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nhiều trẻ sinh non, thậm chí cực non bệnh viện vẫn cứu sống được. Tuy nhiên, khi trẻ sống thường kèm theo nhiều hệ lụy từ việc sinh non như bệnh màng trong, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng sơ sinh, bệnh phổi mãn, bệnh lý võng mạc...
Đối với bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (ROP), mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ ROP từ các bệnh viện sản nhi trong TP.HCM và các tỉnh chuyển đến. Số ca này tăng theo từng năm do hiện nay hầu hết các bệnh viện sản nhi chưa có đủ nhân sự và trang thiết bị cần thiết để khám tầm soát, chẩn đoán, điều trị ROP.
Thông tin từ ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, để hỗ trợ giải quyết tình trạng quá tải tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Từ Dũ thực hiện các xét nghiệm và chuẩn bị tiền phẫu cho trẻ có chỉ định điều trị laser quang đông trước khi chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau khi điều trị, nếu Bệnh viện Nhi đồng 1 không có giường thì Bệnh viện Từ Dũ nhận lại các trẻ này để chăm sóc hậu phẫu, tiếp tục điều trị. Đồng thời, Bệnh viện Từ Dũ sẽ phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Mắt để phẫu thuật mắt cho trẻ ngay tại Bệnh viện Từ Dũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận