Anh Nguyễn Ngọc Nhược sau khi bị cưa chân, nằm điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: TRUNG TRUNG |
Đại tá Nguyễn Hữu Bình - Giám đốc Bệnh viện Quân Y 17 cho biết khi bệnh nhân Nhược được chuyển từ bệnh viện trong Quảng Ngãi ra mất nhiều giờ nhưng chân chưa được nắn chỉnh gây tổn thương mạch máu.
Sau khi vào Bệnh viện Quân Y 17, các bác sĩ tiến hành chụp phim và nắn chỉnh khớp gối. Sau đó kiểm tra thì khớp đã vào vị trí, tuần hoàn cẳng bàn chân bình thường.
Ngày 29 và 30-5, bác sĩ kiểm tra tuần hoàn lưu thông bàn chân tốt, siêu âm mạch máu để kiểm tra lại động mạch khoeo, chày. Theo dõi tuần hoàn bàn chân vẫn tốt, mạch mu chân yếu nhưng bàn chân vẫn hồng ấm.
Đến ngày 31-5, các bác sĩ có nói khi bệnh nhân đi vệ sinh đã tháo nẹp chân và sau đó bắt đầu đau. Bác sĩ siêu âm lại thì nghi mạch chày sau bị tắc nghi chèn ép, bắt mạch mu chân không còn, tuần hoàn bàn chân vẫn hồng ấm…
“Khi thấy mạch không còn chúng tôi nghỉ phải chuyển qua Bệnh viện Đà Nẵng vì bên đó có hệ thống DSA - chụp mạch tốt hơn để đánh giá lại mạch máu” - ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, các bác sĩ cố giữ chân cho bệnh nhân và tiến hành nắn khớp gối liền để giải phóng chèn ép ngay. Nếu không có tổn thương khác thì việc điều trị rất đơn giản.
Ông Bình cũng nói, chấn thương khớp gối thường gây tổn thương nặng ngoài xương thì có tổn thương bó mạch thần kinh, gân cơ, phần mềm…
Riêng trong trật khớp gối có một trong các biến chứng là tắc mạch khoeo thường có tỷ lệ hoại tử cao gần 80%.
Liên quan đến cáo buộc của gia đình cho rằng bác sĩ thiếu trách nhiệm, ông Bình cho biết đã yêu cầu kíp bác sĩ điều trị cho anh Nhược phải viết tường trình, sau đó bệnh viện sẽ xem xét nếu có sai sót sẽ xử lý.
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, chị Lê Thị Thắm (vợ anh Nhược) đã gởi đơn phản ánh đến nhiều cơ quan vì cho rằng Bệnh viện Quân Y 17 thiếu trách nhiệm khiến chồng chị bị cưa chân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận