Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) sáng 26-6 cho biết công tác ghép gan tại bệnh viện chính thức được trở lại sau thời gian tạm ngưng vì nhiều lý do khách quan.
Theo đó, một trong những bệnh nhi dự kiến được ghép gan là bé trai 11 tuổi (ngụ tỉnh Bình Định) bị teo đường mật, đã phẫu thuật Kassai lúc 1 tháng tuổi. Người cho gan bệnh nhi này là mẹ của em.
Ê kíp ghép gan cho bệnh nhi này là các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đại học Y Dược trong khâu lấy gan từ người cho.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin, từ tháng 10-2022 đến gần cuối tháng 5-2023 (8 tháng), bệnh viện chưa ghép gan cho một bệnh nhân nào. Nguyên nhân chính của việc chậm ghép gan là chờ... đề án thẩm định ghép tạng, thiếu nguồn tạng để cấy ghép.
Bên cạnh đó, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 còn gặp khó khăn về các chứng chỉ hành nghề liên quan chuyên môn ghép tạng người lớn. Không những thế, bệnh viện có số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa.
Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa xây dựng hai phòng mổ ghép tạng hiện đại. Sở Y tế TP.HCM hỗ trợ thẩm định đề án ghép tạng trẻ em độc lập của Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau đó, đề án sẽ được trình Bộ Y tế thẩm định và thông qua để hai phòng mổ này sớm hoạt động.
Dự kiến, khi đề án được thông qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 có thể ghép gan cho ba bệnh nhi/tháng, trước đó chỉ ghép được một ca/tháng.
Trước đó, để tiến hành ghép gan cho bệnh nhi, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn phải phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy để cắt gan từ người lớn ghép cho bệnh nhi.
Nhu cầu ghép tạng và mô ở trẻ ngày càng tăng và cấp thiết
Tại hội nghị "Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM" vào ngày 17-6 vừa qua, ông Trịnh Hữu Tùng - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 - thông tin nhu cầu ghép tạng và mô cơ quan ở trẻ em ngày càng tăng và cấp thiết.
Bệnh viện phát triển các kỹ thuật này với vị thế bệnh viện nhi tuyến cuối và là cơ sở ghép tạng trẻ em công lập duy nhất tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Riêng ghép gan, tại bệnh viện đã có 25 trường hợp ghép gan từ người cho sống với thời gian theo dõi 0,5-17 năm. Tỉ lệ sống ở trẻ nhận gan là 20/25 trường hợp (chiếm 80%), không có biến chứng trên người cho gan.
Theo người đứng đầu Bệnh viện Nhi đồng 2, kết quả ghép tạng tại bệnh viện rất khả quan và phát triển tốt với sự hỗ trợ từ các trung tâm có kinh nghiệm trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bệnh viện cần hỗ trợ giải quyết vấn đề pháp lý, tài chính, nhân sự, trang thiết bị và thuốc cần thiết để thường quy hóa các hoạt động lấy và ghép tạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận