07/06/2015 10:04 GMT+7

​Bệnh viện chậm xây vì thủ tục

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TT - Hai trong số các bệnh viện thuộc chương trình “giảm tải” của TP.HCM đều chậm, dù đã triển khai từ nhiều năm qua.

Dự án xây dựng BV Chấn thương chỉnh hình mới đến nay vẫn chưa bồi thường xong - Ảnh: D.N.Hà

Đó là dự án xây dựng Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình tại xã Bình Hưng (H.Bình Chánh) và dự án khu khám và điều trị kỹ thuật cao của BV Ung bướu (47 Nguyễn Huy Lượng, Q.Bình Thạnh).

Dân chờ tiền bồi thường

UBND H.Bình Chánh cho biết tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất của dự án xây dựng BV Chấn thương chỉnh hình đang bị ngưng lại do chủ đầu tư (Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa) không chuyển tiền để UBND huyện chi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho dân.

UBND H.Bình Chánh đã ban hành 62/62 quyết định thu hồi đất của các hộ dân, có 14 hộ đồng ý bàn giao mặt bằng nhưng chủ đầu tư mới chuyển tiền bồi thường cho 11 hộ. Còn ba hộ dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận được tiền bồi thường với tổng giá trị hơn 8,6 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Luận (xã Bình Hưng) đã ký biên bản đồng ý giao đất cho Nhà nước từ cuối tháng 7-2014 cùng lượt với nhiều người khác. Những người hàng xóm của bà Luận đã nhận được tiền bồi thường ngay sau đó, riêng bà Luận đến nay chưa được bồi thường.

Từ nhiều tháng nay, gia đình bà nhiều lần đến Ban bồi thường H.Bình Chánh, đến cả trụ sở của chủ đầu tư ở Q.5 hỏi thăm nhưng vẫn chưa nhận được tiền.

“Gia đình tôi đã tìm được miếng đất vừa ý ở xã Phong Phú nhưng chưa dám đặt cọc vì chưa biết khi nào Nhà nước chi tiền” - chồng bà Luận cho biết. Tổng số tiền bồi thường của gia đình bà Luận gần 6,7 tỉ đồng.

Nhiều người dân có đất trong dự án BV Chấn thương chỉnh hình cho biết đã nghe thông tin nhà đất nằm trong ranh dự án từ năm 2010 nhưng chờ đến năm 2014 chính quyền mới công bố phương án bồi thường.

Theo UBND H.Bình Chánh, việc chưa có tiền bồi thường cho những hộ dân đã đồng ý di dời làm ảnh hưởng đến tâm lý của những hộ dân khác trong dự án. Nhiều hộ thấy hàng xóm chưa nhận được tiền bồi thường nên chưa muốn giao mặt bằng.

“UBND huyện đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án chuyển tiền bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa nhận được số tiền còn thiếu” - ông Nguyễn Văn Trường, phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, nói.

Ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa, cho biết công ty có những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện, do chưa được ngân hàng đồng ý cho vay vốn để thực hiện dự án.

“Vốn tự có của doanh nghiệp đủ để bồi thường cho người dân. Nhưng sau khi doanh nghiệp bồi thường mà không được ngân hàng cho vay vốn để thực hiện dự án thì công ty sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, công ty quyết định ngừng việc chi trả tiền bồi thường cho dân, khi nào ngân hàng đồng ý cho vay vốn, công ty sẽ tiếp tục chi tiền bồi thường cộng với lãi suất, không để người dân chịu thiệt” - ông Lâm khẳng định.

Chủ đầu tư kêu với thủ tục

Giải thích nguyên nhân ngân hàng chưa đồng ý cho vay tiền để thực hiện dự án, ông Phạm Ngọc Lâm cho biết phía ngân hàng yêu cầu dự án phải có giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch chi tiết 1/500 (của BV mới và BV cũ), hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án, phê duyệt tổng vốn đầu tư...

Để có những hồ sơ này, chủ đầu tư phải thực hiện các bước như khảo sát địa chất, thiết kế công trình... nhưng chưa có đất “sạch” (đất đã bồi thường giải tỏa) nên chưa thể thực hiện các bước trên.

Về tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn, UBND TP hứa sẽ bán cho công ty trụ sở BV Chấn thương chỉnh hình cũ (929 Trần Hưng Đạo, Q.5) để trừ vào tiền đầu tư dự án BV mới. Tuy nhiên, đến nay chưa biết UBND TP sẽ bán trụ sở BV cũ giá bao nhiêu nên ngân hàng chưa đồng ý nhận thế chấp.

Theo định giá sơ bộ ban đầu, khu đất BV cũ có giá trị quyền sử dụng đất khoảng 500 tỉ đồng, trong khi trị giá dự án BV khoảng 1.000 tỉ đồng. Hiện UBND TP cũng chưa có phương án trả phần tiền chênh lệch này.

Trong khi đó, dự án khu khám và điều trị kỹ thuật cao của BV Ung bướu cũng tiếp tục dời ngày khởi công để hoàn thiện các thủ tục. Được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 và giao cho BV Ung bướu làm chủ đầu tư nhưng qua nhiều lần điều chỉnh, vốn đầu tư của công trình từ 46 tỉ đồng đã tăng lên hơn 76 tỉ vào năm 2008.

Đến năm 2012, dự án vẫn còn trên giấy nên UBND TP quyết định hủy dự án cũ để lập dự án mới và giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư.

Tháng 5-2014, trong lần giám sát của HĐND TP về dự án này, Sở Y tế TP cho biết sẽ khởi công vào tháng 10-2014. Sau đó, cơ quan chức năng dời ngày khởi công vào dịp 30-4-2015. Đến nay, Sở Y tế cho biết phải đến tháng 10-2015 mới có thể khởi công khu khám bệnh và điều trị kỹ thuật cao này vì chưa hoàn thành thủ tục.

Theo đại diện BV Ung bướu, tháng 4-2012 BV đã bàn giao toàn bộ hồ sơ của dự án về Sở Y tế. Nhưng theo Sở Y tế thì đến tháng 7-2013, sở mới chính thức được UBND TP giao làm chủ đầu tư dự án. Và đến cuối tháng 4-2015 sở chọn được tư vấn thiết kế cho công trình và bắt tay vào thiết kế bản vẽ thi công công trình.

Thời gian thiết kế trong vòng bốn tháng, đến khoảng tháng 10-2015 mới có thể thi công công trình. 

Sẵn sàng trả lại dự án

Dự án xây dựng BV Chấn thương chỉnh hình được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Theo quy định, Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa sẽ bỏ tiền ra xây dựng BV mới.

Sau khi bàn giao BV mới, UBND TP sẽ định giá quyền sử dụng khu đất BV cũ rồi giao cho chủ đầu tư để “trừ” số tiền mà chủ đầu tư đã bỏ ra. Phần còn thiếu ngân sách TP sẽ trả thêm.

Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án và ngân hàng đều kiến nghị TP cho phép định giá trị quyền sử dụng đất của khu đất BV cũ vào thời điểm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng BV mới.

Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, nếu muốn chuyển giao dự án khác cho chủ đầu tư trước khi hoàn thành dự án BT, UBND TP.HCM quyết định trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Theo ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa, công ty sẵn sàng trả dự án lại cho UBND TP để UBND TP giao cho doanh nghiệp có năng lực. Công ty sẽ chuyển giao hết những tài liệu, công đoạn của dự án đã thực hiện và chủ đầu tư mới phải trả lại chi phí ban đầu (tiền thiết kế, đền bù) khoảng 30 tỉ đồng.

* Ông NGUYỄN VĂN LÂM (phó Ban kinh tế và ngân sách, HĐND TP.HCM): 

Tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai dự án

Hiện nay, BV Chấn thương chỉnh hình và BV Ung bướu đều quá tải. Người dân TP và các tỉnh về đây khám, chữa bệnh trong điều kiện nóng bức vào mùa nắng, ướt át vào mùa mưa, cơ sở chật chội.

Việc xây dựng hai cơ sở mới để giảm tải, trong khi TP rất tâm huyết thì đầu tư lại quá chậm. Tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra năng lực của nhà đầu tư dự án BV Chấn thương chỉnh hình để tham mưu cho UBND TP có quyết định kịp thời.

Đồng thời phải đẩy nhanh các bước thủ tục để sớm triển khai dự án khu khám và điều trị kỹ thuật cao của BV Ung bướu.

 

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên