28/12/2014 12:10 GMT+7

​Bệnh thờ ơ ...

HẢI THI
HẢI THI

TT - Gọi là “vặt” nhưng sự phủ rộng của thói quen này đang bào mòn những điều tốt đẹp ở người trẻ.

Buổi tọa đàm chủ đề “Vai trò của người trẻ trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta” giữa các khách mời và sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào sáng 26-12 không nhắc đến tham nhũng ở tầm vĩ mô, hành chính nhà nước mà chỉ xoay quanh những hành vi “tham nhũng vặt” phổ biến trong giới sinh viên: đút phong bì cho thầy cô để được điểm cao, đạo văn, quay cóp... 

Gọi là “vặt” nhưng sự phủ rộng của thói quen này đang bào mòn những điều tốt đẹp ở người trẻ.

Điều tốt đẹp ở đây, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh (phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, khách mời tọa đàm) là “biết rung động, phẫn nộ, phấn khởi, là không thờ ơ”. Bà sợ nhất những người trẻ thờ ơ.

Thờ ơ chấp nhận những điều trái khoáy đang diễn ra. Thờ ơ trước bất công, bất hợp lý. Thờ ơ với chính bản thân mình, với xã hội, không tác động thay đổi hoàn cảnh sống.

Chị Đỗ Vân Nguyệt (giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường cộng đồng, khách mời tọa đàm) góp một chuyện: một bạn trẻ chia sẻ suy nghĩ và tỏ thái độ bài trừ tham nhũng trên trang Facebook cá nhân, ngay sau đó nhận được tin nhắn của bạn thân hỏi: “Mày điên à?!”.

Nhiều người trẻ vẫn cho rằng việc bày tỏ quan điểm, cất lên tiếng nói về một vấn đề là “điên”. Và như Quang Bảo (sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền) chia sẻ, rất nhiều bạn trẻ Bảo từng nói chuyện thừa nhận họ không muốn thay đổi thực tế đang có, họ chỉ muốn mọi chuyện được “trơn tru”, êm xuôi.

Tại buổi tọa đàm, thực tế đó càng được chứng thực khi chỉ năm cánh tay giơ lên giữa hơn 100 sinh viên tham dự với câu hỏi: “Bạn nào từng dũng cảm đưa những trăn trở, bức xúc của mình về những bất cập trong xã hội lên trang cá nhân?”. Và nhiều hơn - khoảng 30 cánh tay giơ - với câu hỏi “Bạn nào có bức xúc nhưng không dám chia sẻ?”.

Các khách mời động viên các bạn “phải dũng cảm một tí”. Nghe có vẻ giáo điều, khó thực hiện, nhưng thực chất sự dũng cảm có thể có nếu chỉ cần biết luật. Chị Nguyệt dẫn chứng: cách đây ít lâu, một học trò chị chạy xe ban đêm quên bật đèn, bị cảnh sát giao thông thổi phạt. Anh cảnh sát yêu cầu bạn nộp phạt tại chỗ 100.000 đồng.

Về đến nhà, sực nhớ ra anh cảnh sát đã không đưa biên lai, lên mạng xem lại luật thì thấy với lỗi của mình chỉ phạt 80.000 đồng, bạn nữ ấy bèn quay lại chỗ anh cảnh sát giao thông, đề nghị trả lại... 20.000 đồng thừa và đưa bạn cái biên lai. Anh cảnh sát giao thông đã rất vui vẻ thực hiện.

Qua câu chuyện, chị Nguyệt chỉ ra: chúng ta sẽ không tiếp tay cho tham nhũng nếu chúng ta biết luật.

Bạn Minh Trí (ĐH Văn hóa TP.HCM) kể một câu chuyện khác: thời THPT, Trí là bí thư. Vì không biết sự chênh lệch mức thu đoàn phí giữa đoàn viên và thanh niên nên Trí thu cả lớp một khoản bằng nhau. Khi nộp lại Đoàn trường, số tiền dư ra vài trăm ngàn Trí đã giữ làm của riêng. “Hành động ấy khiến mình hối hận và xấu hổ đến bây giờ”, anh bạn thú nhận.

Tuy nhiên, Trí cũng đặt vấn đề: nếu có bạn thắc mắc mức thu bất thường đó, hỏi văn phòng Đoàn trường hoặc hỏi những lớp khác, Trí đã không có cơ hội biển thủ. “Sự thờ ơ, im lặng, dễ dãi của mọi người đã tạo điều kiện cho mình làm việc xấu”. Điều Trí nói khiến cả khán phòng lặng đi suy nghĩ.

Có bạn bày tỏ: các bạn ngại thay đổi khi môi trường không tạo điều kiện cho sự thay đổi. Đó cũng là lo ngại của nhiều thanh niên Việt kiều như lời kể của bà Tôn Nữ Thị Ninh: “Nhiều bạn nói với tôi bạn đợi môi trường Việt Nam trong sạch như bên Tây mới về nước cống hiến. Tôi thừa nhận môi trường của chúng ta chưa tốt, nhưng nếu bạn không về làm cỗ thì khi xong cỗ, bạn có xứng đáng được ngồi vào thưởng cỗ không, nhất là trong vai thanh niên?”.

Theo bà, vấn đề thanh niên nên đặt ra không phải môi trường có tạo điều kiện cho mình chưa, mà là mình đã làm chủ chính mình chưa.

“Bạn thờ ơ trước những việc tưởng nhỏ, và giờ đây bạn cứ phải đi trên những con đường chờ lún, bạn phải trả thêm tiền để được chăm sóc tốt... Bạn đang tự đánh mất rất nhiều cơ hội mà bạn và mọi người đáng được hưởng” - chị Nguyệt nhấn mạnh hậu quả của việc nhún vai cho qua trước tiêu cực.

Rõ ràng im lặng, bất động cũng là một sự tiếp tay. Và trong cuộc đấu tranh này, không tiến nghĩa là lùi. 

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên