13/02/2019 13:47 GMT+7

Bệnh sởi - đáng lo nhất là biến chứng

ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG
ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG

TTO - Từ đầu năm 2019 đến nay, dịch sởi bùng phát và có diễn biến phức tạp trên thế giới và ở cả Việt Nam. Sởi có thể dẫn đến những biến chứng nặng như mù, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, dễ bị bệnh và nguy cơ tử vong cao.

Với tình trạng tăng nhanh các ca bị mắc sởi phải nhập viện, ba mẹ cần có những hiểu biết cần thiết để theo dõi, phát hiện sớm và chăm sóc trẻ đúng cách nếu trẻ bị sởi.

Bệnh sởi là gì?

Sởi là bệnh do virus gây ra, rất dễ lây lan trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (các giọt dịch tiết bắn ra khi ho và hắt hơi).

Các triệu chứng đầu tiên của nhiễm sởi thường là ho, sổ mũi, sốt cao và mắt đỏ. Trong niêm mạc miệng hai bên má có thể thấy các đốm trắng, đỏ thành từng cụm (đốm Koplik trong những ngày đầu của bệnh).

Phát ban bùng phát từ ngày 3 - 5 của bệnh, đôi khi cùng với sốt cao.

Phát ban đỏ thường bắt đầu ở trán, lan khắp mặt, sau đó xuống cổ và thân đến cánh tay, chân và bàn chân.

Sốt và phát ban từ từ biến mất sau vài ngày.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là các biến chứng của bệnh sởi.

Các biến chứng thường gặp

- Viêm phổi,

- Tiêu chảy,

- Viêm thanh khí phế quản,

- Suy dinh dưỡng,

- Viêm tai giữa,

- Loét miệng,

- Biến chứng mắt (do bị bội nhiễm, loét giác mạc gây mù loà).

Các biến chứng ít gặp hơn nhưng rất nguy hiểm: Viêm não - viêm màng não - viêm tuỷ cấp tính; viêm cơ tim….

Ai sẽ bị bệnh sởi?

Những người dễ bị mắc bệnh sởi là:

- Trẻ quá nhỏ chưa đến tuổi được tiêm phòng sởi,

- Những người chưa bao giờ tiêm phòng sởi,

- Những người không tiêm ngừa đủ 2 mũi sởi,

- Người được tiêm ngừa nhưng không tạo được miễn dịch hiệu quả.

Ai có nguy cơ bị biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi?

Đó là:

- Trẻ nhỏ,

- Suy dinh dưỡng,

- Khu vực đông dân cư,

- Suy giảm miễn dịch,

- Thiếu vitamin A.

Bốn nguyên tắc chung khi chăm sóc trẻ bị sởi

- Điều trị hỗ trợ các triệu chứng sốt, ho, nghẹt mũi, đỏ mắt và đau miệng;

- Cung cấp dinh dưỡng và tăng cường bú mẹ;

- Bổ sung vitamin A;

- Theo dõi các dấu hiệu nặng:

Sốt:

+ Cho trẻ uống paracetamol khi sốt,

+ Để thoáng, không mặc nhiều quần áo hay quấn chăn mền,

+ Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức, chia nhiều cữ nhỏ và đảm bảo trẻ uống nhiều nước.

Ho: Nếu trẻ bị ho nhưng không thở nhanh, có thể cho bé uống một loại thuốc ho được bác sĩ chỉ định hoặc một phương thuốc thảo dược như trà chanh, mật ong an toàn cho trẻ (nên hỏi ý kiến bác sĩ, không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi).

Nghẹt mũi: sẽ làm trẻ khó khăn khi ăn và bú, có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch mũi trước khi cho bú hoặc ăn.

Mắt đỏ (viêm kết mạc): không cần làm gì đặc biệt, lau mặt cho bé bằng khăn sạch mềm, thấm ướt. Nếu mắt bị dính ghèn, đưa bé đi khám bác sĩ.

Đau loét miệng: Súc miệng bằng nước sạch (tốt nhất là bằng nước muối) càng nhiều lần càng tốt, ít nhất bốn lần một ngày. Chú ý uống nước thường xuyên.

Dinh dưỡng: Tình trạng dinh dưỡng của trẻ bị sởi có thể bị ảnh hưởng của chính bệnh, bị tiêu chảy và nôn mửa, hoặc biếng ăn vì loét miệng. Tăng cường cho con bú, chia nhỏ các cữ ăn, tăng các cữ ăn và bú nhiều hơn bình thường, thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hoá (cháo, bột, sữa …) để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ dịch và năng lượng.

Điều trị bằng cách bổ sung vitamin A liều cao

Theo phác đồ điều trị sởi của Bộ Y tế, trẻ bị sởi sẽ được bổ sung viatmin A liều cao:

- Trẻ dưới 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.

- Trẻ 6 - 12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.

- Trẻ trên 12 tháng và người lớn: uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.

Trường hợp trẻ có biểu hiện thiếu vitamin A sẽ được bổ sung thêm 1 liều sau 4 - 6 tuần.

Phòng ngừa:

Sởi có thể được phòng ngừa bằng tiêm ngừa vắc-xin sởi. Khi được tiêm ngừa, hơn 85% trẻ sẽ được phòng ngừa bệnh sởi.

Theo Bộ Y tế, hơn 50% số trẻ bị sởi là do không được chích ngừa, 40% do không chích ngừa đủ 2 mũi sởi. 

Dấu hiệu và triệu chứng nặng, cần được đưa đi khám ngay:

- Thở nhanh:

+ Trẻ dưới 1 tuổi: thở nhanh > 50 nhịp thở trong 1 phút

+ Trẻ trên 1 tuổi: thở nhanh > 40 nhịp thở trong 1

- Có dấu hiệu mất nước: môi khô, khóc không nước mắt, khát nước, quấy …

- Nghe tiếng thở rít, giọng khàn khi khóc,

- Loét miệng,

- Biếng ăn,

- Tiêu chảy, nôn ói,

- Đau mắt, mắt đổ ghèn,

- Đau tai,

- Sốt kéo dài hơn 4 ngày.

Trẻ cần nhập viện khi:

- Trẻ không thể uống hay bú,

- Co giật,

- Sốt cao khó hạ,

- Li bì, khó đánh thức,

- Loét miệng nhiều,

- Thở nhanh, thở co lõm ngực, thở nghe tiếng rít,

- Loét giác mạc, giảm khả năng nhìn,

- Viêm tai xương chũm,

- Biểu hiện mất nước nặng: môi khô, da chùng, khóc không nước mắt, tiểu ít,

- Suy dinh dưỡng nặng.

Bộ Y tế khuyến cáo

1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin sởi -Rubella đầy đủ và đúng lịch.

2. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.
ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên