22/09/2015 21:04 GMT+7

Bệnh nhân thập tử nhất sinh, xe cứu thương chết máy

ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - Đến cấp cứu nạn nhân nhưng xe cứu thương chết máy, sau khoảng 20 phút phải điều động thêm 1 xe để vận chuyển bệnh nhân. Và bệnh nhân đã tử vong trước khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Chiếc xe cấp cứu bị chết máy trên đường cấp cứu ông Chung phải đưa về nằm tại sân Trung tâm vận chuyển cấp cứu - Ảnh: Đức Hiếu
Chiếc xe cấp cứu bị chết máy trên đường cấp cứu ông Chung phải đưa về nằm tại sân Trung tâm vận chuyển cấp cứu - Ảnh: Đức Hiếu

Đi cứu người, xe cứu thương chết máy

Ngày 22-9, căn nhà của ông Lê Hồng Chung tại tổ 47b khu 5 (phường Cao Xanh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chìm trong không khí tang thương. Trước đó một ngày, ông Chung bị đột quỵ và tử vong trên đường đi cấp cứu tối 21-9.

Nhiều hàng xóm gần kề nhà ông Chung vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự ra đi đột ngột của ông.

Anh Nguyễn Đình Tuấn, một trong những người có mặt đầu tiên kể lại: “Gần 19g tối qua, khi tôi đang ăn cơm thì nghe bảo chú Chung bị đột quỵ. Khi chạy sang thì thấy chú nằm trên chiếu nghỉ cầu thang, chân tay cử động khó khăn, khó thở, miệng trào bọt mép. Vài người hàng xóm chạy sang và gọi xe cấp cứu. Sau khoảng 10 phút, xe cứu thương đến, nhân viên y tế có kiểm tra nhưng không bắt được mạch. Khi đó, mọi người đưa chú lên xe, cho thở oxy, định đi đến bệnh viện nhưng xe không nổ được máy”.

Những người chứng kiến cho biết, khi xe cứu thương biển số 14D – 0115 đến cổng nhà bệnh nhân thì xe chết máy. Lái xe đã kiểm tra và thông báo hết xăng. Tuy nhiên, sau khi lái xe mua 2 lít xăng và đổ vào, xe vẫn không chạy được.

Một người dân phải gọi cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh để nhờ đưa một xe cấp cứu khác đến chuyển tiếp người bệnh đến bệnh viện. Trong lúc chờ xe cấp cứu thứ 2 đến, chân tay ông Chung đã mất dần cảm giác nhưng vẫn còn tỉnh táo và nói chuyện với em trai.

Tổng thời gian từ khi xe cứu thương đầu tiên đến nơi tới lúc bệnh nhân được đưa đi cấp cứu khoảng gần 30 phút.

Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh, giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh xác nhận, bệnh nhân Chung đến bệnh viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng mạch. Tuy vậy, các y bác sĩ vẫn cố gắng thực hiện các biện pháp cấp cứu  tích cực trong gần 1 giờ đồng hồ nhưng không có kết quả, bệnh nhân được xác định đã tử vong ngoài viện.

Nói về nguyện vọng của gia đình, ông Lê Hồng Hải, em trai ông Chung nghẹn ngào: “Mong muốn của gia đình là cơ quan chức năng phải làm rõ và truy cứu  trách nhiệm của cấp cứu 115. Có như vậy, về sau mới không có người bị thiệt mạng oan nữa”.

“Chỉ là hi hữu!”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Ngọc Tiến, phó giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu (thuộc Sở y tế tỉnh Quảng Ninh) nói việc xe cứu thương bị hỏng trên đường đi cấp cứu chỉ là việc hi hữu.

“Sau đợt mưa lũ vừa rồi, các xe cấp cứu bị ngập nước, sửa rồi nhưng vẫn chập chờn. Cả ngày hôm đó xe 14D - 0115 vẫn chạy bình thường, nhưng đến buổi tối thì bị hỏng đột xuất. Xe bị hỏng phần điện, mất phần báo xăng chứ khi đó trong bình xăng còn khoảng 30 lít, lái xe tưởng hết xăng nên đổ thêm vào nhưng xe vẫn không nổ được máy. Sau đó, lái xe đã gọi điện về xin xe chi viện. Trung tâm thành lập được 7-8 năm nhưng chưa gặp trường hợp này bao giờ” - Ông Tiến nói.

Về biện pháp nghiệp vụ của y sĩ Dương Thị Mỹ khi tiến hành cấp cứu bệnh nhân, ông Tiến khẳng định nhân viên này làm đúng quy trình.

Do không xác định được nguyên nhân cụ thể nên tổ cấp cứu không tiêm hoặc sử dụng thuốc mà phải tiến hành đưa bệnh nhân vào bệnh viện nơi gần nhất. Tuy nhiên, một điều khiến những người dân băn khoăn là tổ cấp cứu này chỉ gồm 2 người: 1 y sĩ, 1 lái xe, không có bác sĩ đễ xử lý trong trường hợp khẩn cấp.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, phó giám đốc Sở y tế tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân chẩn đoán ban đầu bệnh nhân Chung bị xuất huyết não.

“Trong trường hợp cụ thể này, nếu đúng như kết quả giải phẫu pháp y, vị trí xuất huyết não nằm trong sâu và chảy máu nhiều như thế thì việc cấp cứu nhanh hay không cũng khó tránh khỏi bệnh nhân tử vong. Tuy vậy, về nguyên tắc, việc cấp cứu phải càng nhanh càng tốt. Ở đây, nếu cấp cứu nhanh thì cũng có thể tránh được trường hợp xấu nhất xảy ra.” - Ông Hưng đánh giá.

Nói về hướng giải quyết, ông Hưng cho biết, Sở Y tế đang chỉ đạo công tác bảo dưỡng, duy tu bảo dưỡng phương tiện cấp cứu, rút kinh nghiệm để hạn chế trường hợp xe đang thi hành nhiệm vụ bị hỏng, phải có quy trình kiểm soát tốt nhất để xe đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, đơn vị cũng phải đánh giá lại cả quy trình chuyên môn của nhân viên y tế. Hiện nay, Sở y tế đang cho các cá nhân liên quan viết giải trình, sau đó Sở sẽ tổ chức họp với các phòng, ban của Trung tâm để xử lý vụ việc.

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên