20/06/2017 16:50 GMT+7

​​Bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em là một bệnh mãn tính, chiếm tỷ lệ khoảng từ 0,1 đến 0,2% dân số.

Khác với việc điều trị bệnh ở người lớn, điều trị bệnh đái tháo đường ở trẻ em gặp nhiều khó khăn hơn vì khi trẻ còn nhỏ, ý thức về mối nguy hiểm của bệnh chưa có nên dễ gặp phải các biến chứng. Điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ vì nếu không kiểm soát tốt đường huyết, bệnh sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần và khả năng học tập của trẻ.

Đái tháo đường tuýp 1 là tình trạng tuyến tụy không sản xuất ra insulin, loại hóc môn giúp glucose đi vào các tế bào để sản sinh ra năng lượng đáp ứng nhu cầu vận động của con người. Insulin có vai trò cân bằng lượng đường trong máu, nếu không có hoặc thiếu hụt nó, glucose sẽ tích tụ trong máu, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh đái tháo đường có hai tuýp là tuýp 1 và tuýp 2. Ở trẻ em bị bệnh đái tháo đường, hầu hết là tuýp 1. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em được cho là do di truyền.

Để hỗ trợ cho sự khiếm khuyết của tuyến tụy, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 cần được bổ sung insulin bằng cách tiêm insulin. Khi đã mắc bệnh, trẻ phải dùng thuốc đến hết cuộc đời.

Hầu hết các bệnh nhi đều được phát hiện bệnh khi đi khám và điều trị các bệnh lý khác, hoặc khi đã xuất hiện các biến chứng. Rất ít các bậc phụ huynh phát hiện căn bệnh này sớm ở con mình, nhất là trẻ dưới 1 tuổi.

Triệu chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em là trẻ thường ăn nhiều, uống nước nhiều, đi tiểu nhiều, sụt cân nhanh, hay mệt mỏi… Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời, đường huyết tăng cao thì có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như hôn mê, nhiễm toan ceton … đe dọa tính mạng. Ngoài ra bệnh đái tháo đường tuýp 1 còn gây biến chứng ở các bộ phận khác trên cơ thể như tăng khả năng mắc các bệnh về tim mạch, suy thận, mờ mắt, loét bàn chân, tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội…

Để bảo vệ sức khỏe của bệnh nhi, cha mẹ và người chăm sóc trẻ bị bệnh có vai trò rất quan trọng. Nhiều trường hợp các bậc cha mẹ quên tiêm thuốc hay không kiểm soát tốt chế độ ăn uống đã khiến trẻ phải nhập viện vì đường huyết tăng cao.

Vì nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ nhỏ là do di truyền nên việc phòng bệnh lâu nay chưa được chú trọng. Khi thấy trẻ có các biểu hiện bệnh như nêu trên thì cần đi khám để phát hiện bệnh sớm. Nếu gia đình nào không may có trẻ mắc căn bệnh này thì để bảo vệ sức khỏe trẻ, hạn chế biến chứng của bệnh, cần lưu ý thực hiện theo chỉ định của bác sĩ điều trị:

- Kiểm soát chế độ ăn của trẻ. Nên chia nhỏ các bữa ăn và không nên ăn no. Hạn chế ăn, uống những thực phẩm có đường. Ăn nhiều rau xanh, trái cây;

- Khuyến khích trẻ vận động thể lực, luyện tập thể dục thể thao;

- Sử dụng thuốc đúng hướng dẫn, đúng liều lượng và thời gian;

- Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường về sức khỏe cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra;

- Khám sức khỏe định kỳ. Duy trì đường huyết ổn định.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên