Ngay cả 24 bệnh viện quận huyện cũng tiếp nhận khám, chữa bệnh cho rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường thuộc diện bảo hiểm y tế. Năm 2012, chỉ riêng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám ngoại trú 120-150 bệnh nhân đái tháo đường, kể cả bảo hiểm y tế lẫn khám theo yêu cầu.
Người bệnh ngày càng trẻ hóa
Theo TS Quang Khánh, bệnh đái tháo đường (type 2) được ví như “cơn sóng thần” hay một “đại dịch” của thế kỷ 21 với tỉ lệ ngày càng tăng nhanh và tuổi chẩn đoán bệnh ngày càng trẻ hóa. Nếu như vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, bệnh nhân đái tháo đường thường được chẩn đoán ở độ tuổi 60-70 thì hiện nay là 40-50 tuổi, thậm chí có trường hợp 20-30 tuổi đã bị đái tháo đường.
Năm 1991, một điều tra dịch tễ học về đái tháo đường lần đầu tiên được thực hiện trên phạm vi toàn quốc ở ba thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Huế cho thấy tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường ở TP.HCM cao nhất với 2,52% dân số nội thành, Hà Nội 1,1% và Huế thấp nhất chỉ có 0,96%.
Mười năm sau (2001), một điều tra về đái tháo đường khác được tiến hành ở bốn thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM cho thấy tỉ lệ mắc đái tháo đường đã tăng lên 4,9%. Như vậy chỉ sau 10 năm tỉ lệ bệnh nhân mắc đái tháo đường chung đã tăng gấp ba lần.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho biết trung tâm đã tiến hành hai cuộc nghiên cứu dịch tễ về tình trạng dinh dưỡng và rối loạn chuyển hóa đường vào năm 2001 và 2008 trên đối tượng 30-69 tuổi.
Kết quả cho thấy tình trạng thừa cân béo phì, đái tháo đường gia tăng nhanh chóng từ hai đến ba lần trong vòng tám năm. Cụ thể, tỉ lệ đái tháo đường tăng từ 3,7% lên 7,04%; tỉ lệ rối loạn chuyển hóa tăng từ 12% lên 17,7%.
Đặc biệt có xu hướng trẻ hóa ở đối tượng mắc bệnh đái tháo đường, thừa cân béo phì và rối loạn chuyển hóa. Năm 2011, qua đợt khám sàng lọc của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM ở 16 phường thuộc các quận: 6, 11, Tân Bình và Phú Nhuận cho thấy tỉ lệ dân số bị đái tháo đường ở đợt khám này lên tới 9,3%.
Theo bác sĩ Ngọc Diệp, xét về độ tuổi, tuy tỉ lệ đái tháo đường ở nhóm tuổi dưới 40 khá thấp nhưng tỉ lệ rối loạn đường huyết lúc đói khá cao, với 11,4%, cảnh báo nguy cơ các đối tượng này chuyển sang đái tháo đường trong tương lai.
TS Quang Khánh cho biết thêm một nghiên cứu về đái tháo đường được tiến hành tại TP.HCM năm 2009-2010 bằng phương pháp cho bệnh nhân uống 75gam đường glucose và hai tiếng sau mới lấy máu thử đường huyết (được coi là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán đái tháo đường) thì tỉ lệ đái tháo đường ở nam giới là 10% và nữ giới là 11%.
Chủ động tầm soát
Nguyên nhân bệnh nhân đái tháo đường ngày càng tăng và trẻ hóa, theo TS Quang Khánh, là do tỉ lệ béo phì ở trẻ em và người lớn có xu hướng tăng, nhất là ở các nước đang phát triển. Giảm vận động thể lực và tiêu thụ nhiều loại thực phẩm có năng lượng cao là hai yếu tố chính gây ra hội chứng chuyển hóa, mảnh đất màu mỡ cho bệnh đái tháo đường phát sinh.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2012, nên tầm soát đái tháo đường ở mọi người dân trên 45 tuổi. Nên thực hiện tầm soát đối với những đối tượng dưới 45 tuổi có kèm theo một trong những yếu tố nguy cơ sau: có lối sống ít vận động, có tiền căn gia đình đái tháo đường (cha mẹ, anh chị em ruột), có tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, thuộc chủng tộc có nguy cơ cao (trong đó có châu Á), đã được chẩn đoán tiền đái tháo đường trước đó, phụ nữ sinh con to (có cân nặng lúc sinh trên 4kg), hay được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, có hội chứng buồng trứng đa nang. Chỉ nên tầm soát đái tháo đường ở trẻ em trên 10 tuổi và ở thanh thiếu niên có ít nhất hai yếu tố nguy cơ: béo phì, có tiền căn gia đình đái tháo đường, thuộc chủng tộc có nguy cơ cao, có triệu chứng của tình trạng đề kháng insulin.
Ở người trưởng thành, việc tầm soát bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng. Những đối tượng tiền đái tháo đường sẽ được tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp nhằm làm giảm tiến triển đến đái tháo đường thật sự. Đây là chiến lược đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả nhất được Liên đoàn Đái tháo đường thế giới và Tổ chức Sức khỏe thế giới khuyến cáo. Bệnh nhân đái tháo đường không có triệu chứng sẽ được điều trị một cách phù hợp ngay từ đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận