17/10/2016 15:25 GMT+7

Ben Affleck: 7 phim chứng minh "kẻ bảnh trai tài năng"

ĐỨC TRẦN (tổng hợp)
ĐỨC TRẦN (tổng hợp)

TTO - The Accountant (Mật danh: Kế toán) ra mắt khán giả một lần nữa khẳng định rằng dù có những lúc lên xuống thất thường với sự nghiệp điện ảnh song Ben Affleck là một trong những sao Hollywood đáng nể nhất.

the-accountant
The Accountant - Ảnh: Warner Bros.

Dưới đây là 7 bộ phim chứng minh tài năng cũng như sức hút phòng vé của Ben Affleck gần đây:

 

The Accountant (2016)

Là phim thứ hai trình làng trong 2016 và cũng do Warner Bros. Pictures phát hành, Ben sắm nhân vật Christian Wolff –  chàng thiên tài toán học mắc chứng tự kỷ bước vào thế giới của những tổ chức tội phạm khét tiếng thông qua công việc sổ sách cực kỳ căng thẳng, nguy hiểm luôn rình rập.

Không bàn về kịch tính “ba chìm bẩy nổi” trong The Accountant, chỉ riêng diễn xuất cực kỳ ngầu xen lẫn những khoảnh khắc hài hước rất “ngọt” của Ben cũng giúp tác phẩm dài hai giờ này bớt nhàm chán, bên cạnh một vài pha hành động theo võ cổ truyền Indonesia nhét vào để đẩy nhịp phim lên cao.

Việc giành quán quân phòng vé cuối tuần qua của The Accountant không quá khó lý giải. Phim có nhiều ưu điểm và là một minh chứng nữa cho việc chọn vai linh động không gò theo bất kỳ khuôn khổ nào của “ngựa ô” Ben Affleck.

Batman v Superman: Dawn of Justice (2016)

Batman v Superman
Batman v Superman

Đối với người hâm mộ, Batman không phải hình tượng người hùng đầu tiên của Ben Affleck. Năm 2003, anh từng vào vai Daredevil trong phim cùng tên nhưng xét về doanh thu, Batman "phiên bản Ben" vẫn là bom tấn có doanh thu khủng nhất sự nghiệp với 873 triệu USD.

Thành công thương mại (mặc khen chê) củng cố không nhỏ cho chỗ đứng của diễn viên 44 tuổi này, đồng thời giúp anh trở lại tâm điểm truyền thông trong năm 2016, vượt qua một số ứng viên rất mạnh khác như Josh Brolin, Christian Bale…

Gone Girl (2014)

Gone Girl
Gone Girl

Có lẽ Ben phải cảm ơn đạo diễn David Fincher, người trao cho anh cơ hội trở về đúng vai trò ban đầu của mình tại Hollywood: một diễn viên thực tài. Vai anh chồng thiện tâm nhưng đểu cáng trong tác phẩm ly kỳ này khiến người xem bỗng chốc quên đi một giai đoạn Ben Affleck toàn đóng phim dở (đơn cử là Runner Runner năm 2013).

Mặc dù Gone Girl là sân chơi dành cho Rosamund Pike (cô vợ gian xảo của Ben trong phim) nhưng không vì thế mà Ben trở nên lép vế.

Đôi mắt ẩn chứa nhiều xúc cảm, nụ cười ngờ nghệch được anh đẩy lên thành nét tương phản so với vai nữ chính.

Argo (2012)

Argo
Argo

Những phản hồi tích cực của The Town khiến Ben Affleck dễ dàng kêu gọi đồng nghiệp George Clooney đồng sản xuất bộ phim Argo dưới sự hỗ trợ của hãng phát hành phim lớn Warner Bros. Pictures (một trong những nhân tố giúp phim có được ba chiến thắng ở lễ Oscar: Phim hay nhất, Biên tập và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất).

Vừa đạo diễn (đây là bộ phim thứ 3 do Ben Affleck làm đạo diễn), vừa thủ luôn vai chính, với cả những khán giả không ưa Ben Affleck cũng khó mà bác bỏ sự thật rằng anh là một nghệ sĩ có tài. Chỉ tính riêng thị trường Mỹ, Argo đạt 136 triệu USD kể cả nó không phải kiểu phim thương mại (kinh phí chỉ khoảng 44 triệu).

Dựng lại sự kiện giải cứu con tin ở Iran kỳ lạ trong lịch sử quan hệ ngoại giao Mỹ những năm 1970, Ben diễn tròn vai Tony - một cựu điệp viên CIA, người tạo ra một đoàn phim giả mạo để xâm nhập vào nơi giam giữ các tù nhân. 

The Town (2010)

The Town
The Town

trước năm 2010, Ben Affleck có bốn phim từ trung bình đến rất dở nên điều này khiến anh nung nấu ý định trở lại vai trò đạo diễn và biên kịch để duy trì sự nghiệp.

Việc chọn đúng kịch bản hay, hấp dẫn mang đến thuận lợi cho Ben trong vai trò dàn dựng bộ phim hành động lấy đề tài cướp nhà băng.

Kết hợp khéo léo giữa tính lãng mạn (giữa một kẻ cầm đầu với một cô nhân viên ngân hàng) và tính giật gân (băng đảng hoành hành và hành tung bí ẩn) giúp The Town trở thành luồng gió mới trong năm đó, cuốn hút nhiều nhà phê bình lớn nhỏ khen ngợi.

Gone Baby Gone (2007)

Gone Baby Gone
Gone Baby Gone

Kịch bản được Ben Affleck và Aaron Stockard chuyển thể từ tiểu thuyết của Dennis Lehane (tác giả Mystic River, Shutter Island…) nên chất lượng đảm bảo đủ tiêu chí hấp dẫn, giật gân, đầy bất ngờ với các cú twist (đảo tình huống, kết quả…).

Do lần đầu làm đạo diễn nên Ben nhường vai chính cho em trai của mình vốn được khen là diễn giỏi hơn - Casey Affleck đảm nhận.

Tuy chỉ gỡ hòa lợi nhuận vì ít chi tiền quảng cáo nhưng Gone Baby Gone lại lọt vào danh sách bình chọn cuối năm của các nhà báo lớn, đồng thời đạt được một vài giải thưởng uy tín trong khu vực. Trên cương vị cầm trịch tác phẩm, Ben Affleck được khen là biết cách “xoay chuyển tình thế”.

Hollywoodland (2006)

Hollywoodland
Hollywoodland

Không phải Trân Châu CảngHollywoodland mới chính là đỉnh cao diễn xuất của Ben Affleck -chàng diễn viên vốn được báo chí lúc bấy giờ chú ý vì khuôn mặt điển trai và nụ cười chết người hơn là một diễn viên nghiêm túc.

Trong vai nam tài tử nổi tiếng nhất nhì Hollywood George Reeves bị sát hại, Ben thay đổi hoàn toàn cách nhìn của giới làm nghề tại Kinh đô điện ảnh khi được Ban giám khảo LHP Venice trao giải Ảnh đế - giải thưởng diễn xuất giá trị nhất của Ben tính đến thời điểm này.

ĐỨC TRẦN (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên