02/04/2025 14:21 GMT+7

Bé gái mắc bệnh hiếm gặp, tự làm tổn thương mình, không nhận được người nhà...

Bé gái này có những biểu hiện kỳ lạ. Bé thường xuyên đau đầu, khó ngủ, khóc cười vô cớ, không còn nhớ, không nhận ra người nhà, không thể nói chuyện được...

Bé gái mắc bệnh hiếm gặp, tự làm tổn thương mình, không nhận được người nhà... - Ảnh 1.

Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân - Ảnh minh họa

Ngày 2-4, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ bệnh viện này vừa điều trị cho một bé gái mắc bệnh hiếm gặp. Đó là bé K.N., 14 tuổi, ngụ ở Lâm Đồng.

Cách đây hơn một tháng, bé N. bắt đầu có những biểu hiện kỳ lạ. Bé thường xuyên đau đầu nhiều cơn, khó ngủ, ít tiếp xúc với mọi người, sau đó la hét, kích động, khóc cười vô cớ, không còn nhớ, không nhận ra người nhà, không thể nói chuyện được.

Khi gia đình đưa bé đến bệnh viện địa phương điều trị, tình trạng không cải thiện mà ngày càng tăng dần. Lo lắng và hoang mang, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 với hy vọng có thể tìm ra bệnh, được điều trị.

Khi nhập viện khoa thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2, bé liên tục la hét, gồng tay chân, không nhận ra người nhà, tự hủy hoại bản thân như tự bóp cổ mình, cắn môi, cắn lưỡi làm chảy máu, tổn thương mô mềm, gãy răng...

Gia đình phải huy động 3-4 người giữ tay chân bé, chắn hàm để bé không tự làm tổn thương mình thêm. Mỗi lần lên cơn cắn răng, máu chảy thấm ướt cả chiếc khăn mặt. Các bác sĩ phải chích thuốc an thần, truyền thuốc chống co giật để giảm bớt tình trạng này.

Bệnh nhi được theo dõi sát tại phòng cấp cứu nhưng vẫn gặp nhiều chấn thương như rách lưỡi nghiêm trọng, mất một răng cửa, tay chân trầy trụa nhiều. Việc lấy ven truyền thuốc cũng gặp khó khăn do bệnh nhi không thể nằm yên.

Bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm dịch não tủy, chụp MRI sọ não và gửi mẫu xét nghiệm viêm não tự miễn. Kết quả cho thấy bệnh nhi mắc chứng bệnh viêm não tự miễn có tự kháng thể kháng thụ thể NMDA, một căn bệnh hiếm nhưng có thể điều trị nếu được phát hiện kịp thời.

BS CKI Lê Ngọc Hồng Hạnh, một trong những bác sĩ đã tham gia điều trị cho bệnh nhi cho biết ban đầu bệnh nhi được điều trị theo phác đồ viêm não tự miễn với corticoid liều cao 30mg/kg trong 5 ngày, nhưng bệnh nhi không đáp ứng.

Bệnh nhi vẫn còn gồng cứng, la hét, không nhận ra người thân. Sau hội chẩn khoa, các bác sĩ quyết định điều trị liệu pháp thay huyết tương, thực hiện 5 chu kỳ trong 10 ngày. 

Đến chu kỳ thứ 3, bệnh nhi bắt đầu giảm la hét, ngủ được; qua chu kỳ thứ 4, bệnh nhi hiểu được yêu cầu, làm theo yêu cầu của bác sĩ nhưng chưa nói chuyện được. Khi hoàn tất xong chu kỳ thay huyết tương thứ 5, bệnh nhi đã có thể nói được từng từ ngắn, đi lại chậm rãi, ăn qua đường miệng.

Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Bệnh nhi dần hồi phục, nhận thức tốt hơn, và đặc biệt không còn những ảo giác đáng sợ. Những ngày gần đây, bệnh nhi được mẹ dắt đi dạo ngoài hành lang bệnh viện. Bệnh nhi chỉ vào miệng mình, chậm rãi nói với bác sĩ: "Bác sĩ ơi, răng của con sẽ được mọc lại không?". Câu nói ấy khiến cả ê kíp bác sĩ xúc động, bởi đó là báo hiệu bệnh nhi đã trở lại với cuộc sống.

Dù đã qua giai đoạn nguy hiểm, quá trình điều trị vẫn chưa kết thúc. Bệnh nhi vẫn cần được điều trị và theo dõi định kỳ trong thời gian tới để đảm bảo phục hồi hoàn toàn và ngăn ngừa kịp thời nguy cơ tái phát.

Bé gái K.N. được phát hiện, điều trị kịp thời

Theo BS CKII Phạm Hải Uyên, phó khoa thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết viêm não tự miễn là một căn bệnh khó chẩn đoán, diễn tiến từ từ, dễ nhầm lẫn với các bệnh rối loạn tâm thần, khiến nhiều gia đình đi sai hướng trong quá trình tìm bệnh, dẫn đến việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.

Trường hợp của bé K.N. là minh chứng rõ ràng nhất cho tầm quan trọng của việc phát hiện và can thiệp kịp thời. Nếu chỉ chậm trễ thêm một chút, tình trạng của bệnh nhi có thể diễn biến nguy hiểm hơn.

BS CKII Phạm Hải Uyên nhấn mạnh, khi trẻ có những biểu hiện bất thường về hành vi, nhận thức hoặc giấc ngủ, phụ huynh không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám sớm nhất. Đừng để sự hiểu lầm và chậm trễ cướp đi cơ hội hồi phục của con em mình.

Bé gái 14 tuổi mắc bệnh hiếm gặp, không nhận được người nhà, khóc cười vô cớ... - Ảnh 2.Điều trị cho bé gái 14 tuổi mắc bệnh hiếm gặp, người nhà tưởng bị 'ma nhập'

Thấy bé gái có các cử chỉ, hành động bất thường như một mình khóc, cười về đêm, nói năng không kiểm soát, người nhà tưởng bé bị 'ma nhập'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên