25/03/2017 13:32 GMT+7

Bê bối thịt bẩn ở Brazil: Con sâu làm vỡ nồi canh

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nhiều quốc gia bắt đầu yêu cầu Brazil phải tự ngưng xuất khẩu thịt để giải quyết trọn vẹn vấn đề của mình.

Một xưởng xử lý thịt xuất khẩu của Brazil. Mối lo nhất với chính quyền Brazil là nếu không xử lý tốt khủng hoảng thì ảnh hưởng mất việc sẽ gây khó khăn cho xã hội - Ảnh: AFP
Một xưởng xử lý thịt xuất khẩu của Brazil. Mối lo nhất với chính quyền Brazil là nếu không xử lý tốt khủng hoảng thì ảnh hưởng mất việc sẽ gây khó khăn cho xã hội - Ảnh: AFP

“Chắc chắn sẽ có những thiệt hại. Chúng tôi có thể hồi phục nhưng tình hình hiện nay rất khó khăn

Pedro de Camargo Neto (phó chủ tịch Công ty nông thôn Brazil SRB)

Vụ bê bối thịt bò bẩn tại Brazil tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành chế biến và xuất khẩu thịt của quốc gia Nam Mỹ này.

Hong Kong thu hồi toàn diện

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 24-3 thông báo sẽ tiến hành thu hồi trên khắp vùng lãnh thổ này thịt nhập khẩu có nguồn gốc từ 21 nhà máy chế biến thịt hiện nằm trong diện điều tra liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil.

Người phụ trách y tế của Hong Kong Ko Wing-man tuyên bố sẽ “thu lại toàn bộ” thịt gia cầm đông lạnh được nhập từ các nhà máy chế biến của Brazil vốn đang là tâm điểm điều tra trong vụ bê bối thịt bẩn.

Phát biểu với báo giới, ông Ko cho biết 6 nhà máy chế biến thịt ở Brazil liên quan tới vụ bê bối thịt bẩn đã xuất khẩu thịt sang Hong Kong.

Vào đầu tuần này, Hong Kong đã ban hành lệnh cấm nhập toàn bộ các loại thịt của Brazil sau khi cảnh sát Brazil phát giác một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng tuồn ra thị trường tiêu thụ, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất có thể gây ung thư để làm các sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm.

Kể từ khi thông tin liên quan tới vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil được công khai, 15 thị trường đã cấm nhập khẩu hoàn toàn hay từng phần thịt và các sản phẩm thịt của nước này, đồng thời tăng cường giám sát chất lượng mặt hàng này đến từ quốc gia Nam Mỹ.

Theo số liệu của chính quyền Brazil, trong năm 2016, Hong Kong đã nhập khẩu thịt bò của Brazil trị giá 718 triệu USD. Vùng lãnh thổ này là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai đối với toàn bộ thịt của Brazil, sau Trung Quốc đại lục.

Trong một động thái mới nhất, ngày 23-3, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Brazil chủ động tạm ngừng các hoạt động xuất khẩu thịt tới các nước thành viên liên minh để tránh việc Brussels phải áp đặt một lệnh cấm.

Hiện EU là một thị trường khá lớn của Brazil với tổng nhập khẩu gần 110.000 tấn trong năm 2016.

Theo thông tin từ các nhà ngoại giao EU “gợi ý” với Brazil, nếu để xảy ra lệnh cấm nhập thịt từ Brazil thì quyết định dỡ bỏ sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ Brazil đã từ chối thực hiện yêu cầu trên.

Nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết đại sứ các nước EU đang thu thập thêm thông tin về những bất thường trong ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil, đồng thời chỉ trích chính phủ nước này đã không giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Hiện EU đã ngừng nhập khẩu sản phẩm của 4 cơ sở chế biến thịt Brazil. Trong khi đó, các tổ chức đại diện cho quyền lợi của chủ các trang trại tại châu Âu cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) có những hành động mạnh mẽ hơn đối với việc nhập khẩu thịt của Brazil sau vụ bê bối thực phẩm tại quốc gia Nam Mỹ này.

Cũng trong ngày 23-3, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới của Brazil - yêu cầu chính quyền Brasilia áp dụng các biện pháp điều tra kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm thịt xuất khẩu sang Trung Quốc.

Vào ngày 21-3, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định tạm ngừng các đơn đặt hàng nhập khẩu thịt từ Brazil và coi đây là giải pháp an toàn cho người tiêu dùng.

Ngoài Trung Quốc, Nam Phi cũng ra thông báo quyết định cấm nhập khẩu một số loại thịt từ Brazil.

Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nam Phi đã đề nghị cơ quan chức năng của Brazil ngừng hoàn toàn việc xuất khẩu thịt từ các cơ sở chế biến không đảm bảo chất lượng cho đến khi vấn đề được giải quyết và đáp ứng tiêu chuẩn của Cơ quan Kiểm dịch Nam Phi.

Bộ trưởng nông nghiệp Blairo Maggi thị sát xưởng đóng gói thịt của Công ty JBS ngày 21-3 nhưng dường như đã muộn - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng nông nghiệp Blairo Maggi thị sát xưởng đóng gói thịt của Công ty JBS ngày 21-3 nhưng dường như đã muộn - Ảnh: Reuters

Mất việc hàng loạt

Vấn đề của Brazil là quốc gia này đang trải qua nhiều khó khăn chính trị xã hội xuất phát từ khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Vụ bê bối tham nhũng hối lộ liên quan Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras đã kéo theo nhiều hệ lụy chính trị với sự ra đi của nhiều lãnh đạo chính trị, trong bối cảnh kinh tế suy giảm khiến người dân phẫn nộ.

Vụ bê bối thịt bẩn do sự móc ngoặc của một số công ty sản xuất và xuất khẩu thịt bò, thịt gia cầm với những cán bộ có trách nhiệm kiểm soát chất lượng giống như giọt nước làm tràn ly.

Một số chính trị gia Brazil cho rằng vụ việc đã bị đẩy quá tầm mức bởi chỉ liên quan một số công ty nhưng trong bối cảnh cả thế giới đều lo lắng về sức khỏe, về thực phẩm thì sự phản ứng nhanh chóng (cấm nhập thịt) như trong thời gian qua là điều dễ hiểu.

Trong làm ăn với các quốc gia phát triển, không có chỗ cho sai phạm. Chưa kể sự cạnh tranh luôn đòi hỏi phải có được sản phẩm chất lượng tốt nhất với giá cả hợp lý nhất.

Nhật báo Folha de São Paulo lên án: “Một lần nữa đất nước chúng ta cho thấy tình trạng kém phát triển của các cơ quan chức năng, kể cả trong ngành lương thực thực phẩm vốn từng rất tự hào về tính hiện đại và khả năng cạnh tranh”.

Tờ báo này cho rằng Brazil đã mất nhiều năm để lấy được sự tin cậy của thế giới trong lĩnh vực thịt gia súc và gia cầm, nhưng vụ bê bối liên quan một số cán bộ biến chất đã làm tan biến tất cả.

Brazil đã có những phản ứng tức thời mang tính chữa cháy nhưng dường như chưa xoa dịu được mối lo của các khách hàng lớn.

Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng nông nghiệp Brazil Blairo Maggi cho biết vụ bê bối này đã được “khoanh vùng” kiểm soát và các sản phẩm thịt của Brazil không hề gây nguy hiểm. Ông nhấn mạnh “giai đoạn tồi tệ nhất” của vụ bê bối đã qua.

Bộ trưởng Maggi cũng ước tính nền kinh lớn nhất khu vực Mỹ Latin thiệt hại khoảng 1,5 tỉ USD do vụ bê bối này, tương đương 10% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt mỗi năm.

Brazil là nước xuất khẩu thịt bò số 1 thế giới và đứng thứ 4 về xuất khẩu thịt heo. Vụ việc xảy ra đúng lúc các nhà chức trách nước này đang nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết một hiệp định tự do thương mại giữa Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và EU.

Ngành chăn nuôi và xuất khẩu thịt gia súc và gia cầm của Brazil hiện sử dụng đến 6 triệu lao động. Theo tính toán của các nhà kinh tế thuộc Văn phòng tư vấn GO Associados, khi lượng xuất khẩu thịt giảm sút 10% thì sẽ có hơn 400.000 lao động mất việc.

Vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil bị phát giác sau khi ngày 18-3, cảnh sát nước này thông báo phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng tuồn ra thị trường tiêu thụ, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất gây ung thư để làm các sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên