Các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế phải vào ngồi sẵn sàng trong phi thuyền trở về do các mảnh vỡ từ vụ thử vũ khí chống vệ tinh - Ảnh: BBC
Theo Hãng tin AFP, 7 phi hành gia gồm 4 người Mỹ, 1 người Đức và 2 người Nga đã phải vào ngồi sẵn sàng trong tàu trở về của họ, "nơi trú ẩn an toàn" tiêu chuẩn trong trường hợp khẩn cấp có thể buộc phải sơ tán theo đúng quy trình.
Chiều 15-11, Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức họp báo cho biết Nga đã cho thực hiện thử nghiệm phá hủy một trong các vệ tinh của mình bằng tên lửa chống vệ tinh (ASAT).
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng thử nghiệm của Nga là "vô trách nhiệm". Vệ tinh bị bắn nát đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ không gian lớn, có thể quan sát và hàng trăm nghìn mảnh nhỏ có nguy cơ "làm tăng đáng kể rủi ro cho các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ trên Trạm vũ trụ quốc tế". Sự nguy hiểm còn lâu mới kết thúc.
Ông Price cho biết: "Hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm của Nga gây nguy hiểm cho sự bền vững lâu dài của không gian bên ngoài của chúng ta và minh chứng rõ ràng rằng những tuyên bố phản đối vũ khí hóa không gian của Nga là vô nghĩa và đạo đức giả.
Các quan chức ở Washington cho biết không được thông báo trước về vụ thử. Mỹ cho biết sẽ thảo luận với các đồng minh và đối tác để có phản ứng phù hợp.
Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos sau đó đăng tweet rằng Trạm vũ trụ quốc tế đã trở lại mức cảnh báo "xanh". Cơ quan này xác nhận một số rác vũ trụ có thể sẽ tồn tại trong nhiều năm trước khi rơi trở lại bầu khí quyển của Trái đất.
Vụ thử làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang ngày càng khốc liệt trong không gian, từ phát triển các vệ tinh có khả năng điều khiển những vệ tinh khác ra khỏi quỹ đạo đến vũ khí laser.
Tùy viên báo chí của Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo riêng, Bộ Quốc phòng quan ngại về vấn đề này nhưng "mối quan tâm trước mắt là các mảnh vỡ".
Công ty phân tích dữ liệu và theo dõi không gian tư nhân Seradata cho biết có thể Nga đã cho nổ vệ tinh Cosmos 1408, một vệ tinh tình báo tín hiệu của Liên Xô phóng năm 1982 và đã không còn tồn tại trong vài thập kỷ qua. Đây là vụ phá vệ tinh từ mặt đất thứ 4 trên toàn cầu.
Năm 2019, Ấn Độ thử bắn ASAT vào một mục tiêu tạo ra hàng trăm mảnh vỡ là "rác không gian". Hành động này đã bị Mỹ và các cường quốc khác chỉ trích mạnh mẽ.
Năm 2008, Mỹ đã bắn một vệ tinh để đáp trả việc Trung Quốc trình diễn một vụ hạ gục tương tự vào năm 2007. Báo New York Times cho biết Trạm vũ trụ quốc tế đã phải di chuyển để tránh mảnh rác không gian tạo ra từ vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh năm 2007 của Trung Quốc.
Vũ khí chống vệ tinh (ASAT) là tên lửa công nghệ cao chỉ một số quốc gia sở hữu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận