09/06/2008 19:30 GMT+7

Bay lên những đam mê

Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Sáng Chủ nhật, trời trong vắt, không gợn chút mây, cái nắng hừng hực được dịp rọi hết xuống mặt đường, vậy mà hàng chục cặp mắt vẫn cứ nheo nheo ngước nhìn lên không trung. Một chiếc máy bay mô hình đang chao liệng điệu nghệ cách mặt đất khoảng 20m trong tiếng tán thưởng của mọi người.

Đột nhiên từ đâu cơn gió mạnh thổi đến, cuốn chiếc máy bay chệch hướng, đâm sầm vào một mô hình trực thăng bay gần đấy. Sau cú va chạm, chiếc máy bay mô hình văng xa cả chục thước, vỡ tan tành; chiếc trực thăng cũng mau chóng được điều khiển hạ cánh trong tình trạng thương tích nặng nề. Những hình ảnh hệt như trong phim hành động Hollywood ấy rất dễ bắt gặp ở các sân chơi của những người đam mê điều khiển máy bay mô hình.

“Giữa muôn trùng vây” máy bay mô hình

bTI6iHHy.jpgPhóng to

Chiếc trực thăng mô hình đang biểu diễn bay lộn ngược

Hơn hai năm gần đây, người dân ở khu Cát Lái (đoạn gần cầu Giồng Ông Tố, quận 2) đã quá quen với hình ảnh những chiếc máy bay mô hình bay lượn huyên náo cả bầu trời mỗi sáng cuối tuần. Đến khu vực này, dễ dàng thấy những chiếc xe hơi đậu sát nhau kín mít và đông đảo người chơi mô hình đang cẩn thận dỡ máy bay khỏi cửa sau xe. Có lẽ không có nơi nào ở Sài Gòn mà người ta dễ bắt gặp đủ kiểu máy bay như nơi đây, từ cánh bằng đến trực thăng, từ những bản sao mô phỏng máy bay thời Đệ nhị thế chiến, máy bay hiện đại đến các mô hình tự vẽ tay, sáng tạo không giống ai như hình đầu rồng, chim, rắn…

Người chơi tùy theo sở thích và tính cách có thể chọn máy bay cánh bằng hoặc máy bay trực thăng, trọng lượng từ vài trăm gam đến dăm ba kilôgam, chiều dài trung bình từ một mét đến mét rưỡi, cá biệt có chiếc dài gần ba mét. Cánh bằng thiên về mẫu mã đẹp mắt với những kiểu tỷ lệ thu nhỏ mô phỏng hệt như máy bay thật. Còn máy bay trực thăng theo dạng aerobatic lại có thể biểu diễn những trò bay ngã ngửa, lộn nhào, xoắn ốc điêu luyện. Nhưng dù là kiểu dáng, kích cỡ nào thì máy bay mô hình đều có thể trình diễn hệt như diễn viên xiếc chuyên nghiệp: cúi chào khán giả bằng cách gật gù phần đầu giữa không trung hoặc lật úp lại rồi bay vòng cung hình số tám.

Dường như những gì máy bay thật không thể hoặc không dám làm thì máy bay mô hình lại có thể thoải mái phô diễn, tùy vào khả năng và trí sáng tạo của người điều khiển. Nhìn những mô hình bay lượn điệu nghệ cách đất hơn hai chục mét, chúng tôi bỗng có cảm giác như vùng trời này đã trở thành một sân khấu trình diễn trên không cho những ai đam mê và gắn bó với thú chơi máy bay mô hình.

Đam mê bất kể tốn công, tốn kém

VYwNnAPP.jpgPhóng to

Những phi công dưới mặt đất

Thật ra đây không phải một trào lưu mới xuất hiện tại Việt Nam mà đã có từ những năm 1960-1970 với một vài mô hình kiểu dáng thô sơ nhưng khá đắt tiền vào thời đó. Theo thời gian, vẫn có vài người “bay” đơn lẻ tại các khu đất trống vùng ngoại ô để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh, do tiếng động cơ khá đinh tai và cánh quạt khi bay ở vận tốc lớn rất dễ gây nguy hiểm. Nhưng gần đây, đất đai nhiều nơi đã được quy hoạch nên những người đam mê máy bay mô hình còn lại rất ít sân chơi, chỉ có ở Cát Lái (quận 2), Nam Sài Gòn (quận 7) hay xa hơn là Biên Hòa.

Một sáng thứ bảy đi bay cùng nhóm RC-Easy, chúng tôi đã chứng kiến họ phải tất bật tìm địa điểm tập luyện sau khi nhận được “hung tin” sân chơi cũ đang bị rào lại để dựng giàn khoan. Chỉ đến khi tìm được một khu đất trống an toàn để cất cánh, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm bởi “không uổng công hôm nay… trốn việc đi bay”. Đến nỗi có những thành viên phải tranh thủ lúc máy bay “nghỉ xả hơi” để gọi điện về công ty điều hành công việc, rồi sau đó, mới tiếp tục niềm đam mê cùng mô hình bay giữa trời nắng chang chang. “Đi bay trần ai là thế” nhưng được ngắm nhìn “chiến mã” của mình chao lượn hiên ngang và hạ cánh an toàn sau mỗi buổi bay thì “không gì sướng bằng” - các thành viên của nhóm RC- Easy khẳng định.

Sau một ngày dang nắng cùng nhóm RC-Easy, chúng tôi gần như choáng váng, phần vì say nắng, phần vì cảm thấy môn chơi này dường như quá tốn công tốn sức. Ấy vậy mà đã có những người dành gần như nửa đời mình cho niềm đam mê bay lượn ấy. Ở sân Cát Lái, ai cũng đều biết ông Phước Định - một trong những người chơi máy bay mô hình sớm nhất tại Việt Nam.

Ông năm nay 55 tuổi nhưng đã có trên 30 năm gắn bó với máy bay mô hình, hơn 20 năm bay biểu diễn thủy phi cơ ở Đầm Sen và từng được hãng phim Giải phóng nhờ điều khiển bay một mô hình chuyên cơ quân sự để họ thực hiện cuốn phim về chiến tranh Việt Nam. Có thể nói người đàn ông này đã chứng kiến biết bao thăng trầm, thay đổi của thú chơi máy bay mô hình từ buổi sơ khai cho đến khi phát triển rầm rộ trở lại trong những năm gần đây. Ông cho biết: “Bây giờ, máy bay có đủ kiểu dáng bắt mắt, động cơ cũng tốt hơn, nhưng nếu không có niềm đam mê, chịu khó tập luyện thì mô hình xịn cỡ nào cũng đâm đầu xuống đất”.

Quả thật hiện nay, nhiều cửa hàng chuyên bán máy bay mô hình nhập khẩu những kiểu dáng hiện đại (như cửa hàng Sao Đỏ trên đường Lê Hồng Phong, quận 5 hay tiệm Robo ở Cao Thắng, quận 3) đã tạo điều kiện cho trào lưu này sôi động trở lại. Đặc biệt từ năm 2006, sau khi Bộ Bưu chính viễn thông ban hành quyết định hợp thức hóa môn chơi máy bay mô hình, đặt dưới sự quản lý, hướng dẫn của Câu lạc bộ Hàng không phía Nam (trực thuộc Quân chủng Phòng quân Không quân) thì đã có thêm nhiều nhóm chơi ra đời, như RC-Easy, SSRC, NESRC… ngoài ra, những người chơi đơn lẻ thì nhiều không đếm xuể.

Anh Cao Trí - trưởng nhóm RC-Easy, cũng là một giảng viên khoa Công nghệ thông tin ở trường đại học Bách khoa cho biết: “Thành lập nhóm để Câu lạc bộ Hàng không phía Nam dễ quản lý, qua đó chúng tôi cũng có thể tuân theo các điều luật quy định”. Bên cạnh đó, cái lợi của việc lập nhóm là mỗi người có sở trường ở mỗi lĩnh vực khác nhau nên sẽ hỗ trợ nhau tốt hơn. Người giỏi về cơ khí sẽ nghiên cứu, chỉnh sửa động cơ, người giỏi về vi tính, mua bán sẽ lên Internet đặt mua thiết bị cho mô hình…

Do các cửa hàng ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu ngày càng cao về mẫu mã đẹp, động cơ mạnh nên dân sành chơi mô hình vẫn chuộng mua hàng trên mạng, vừa hợp sở thích, vừa hợp túi tiền. Hợp túi tiền ở đây cũng không phải là rẻ tiền, vì để sở hữu một mô hình hoàn chỉnh, chi phí bỏ ra cũng từ 500 USD trở lên, thậm chí ở TP.HCM, đã có những chiếc máy bay giá lên đến mười ngàn USD. Có lần, một tay chơi máy bay phải đứng yên chịu trận bị ong đốt đau điếng bởi đang điều khiển một chiếc trực thăng giá gần 5.000 USD, chỉ cần buông tay điều khiển hoặc mất tập trung là đi đời gần trăm triệu bạc. Thế mới biết “nghề chơi” này cũng lắm công phu, chiếc máy bay mô hình phải được đầu tư đến nơi đến chốn bởi cả tâm huyết lẫn túi tiền của người chơi - những nghệ sĩ đầy sáng tạo, đam mê trên vùng trời ấy!

“Khi bay như được sở hữu bầu trời”

Q4ecvTs5.jpgPhóng to

Sân Cát Lái (quận 2) lúc nào cũng đông đảo những người chơi mô hình

Đó là lời tâm sự của anh Quang Minh - Phó phòng Kinh doanh của Bến Thành Audio-Video - và của tất cả những ai đang theo đuổi môn chơi tốn tiền của và cũng rất cực khổ này. Khổ vì phải đứng nắng để dành nơi có bóng mát cho máy bay... nghỉ mệt sau những phút bay lượn trên trời. Khổ vì nhiều khi mê mải bên máy bay mà quên hết thời gian, công việc, bởi điều khiển mô hình đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhẫn nại và nhất là lòng đam mê. Phải say mê, gắn bó lắm với thú chơi mô hình mới giúp các anh không nản chí, chùn chân sau những lần đầu bay hỏng, tiêu phí hàng trăm USD chỉ trong tích tắc.

Mặc dù tốn kém và lại “hành xác” như thế nhưng niềm đam mê của anh dành cho máy bay mô hình vẫn không suy suyển suốt mười năm qua. Dường như cảm giác khi được cùng mô hình bay bổng trên không đã lấn át mọi “khổ cực” mà thú chơi này mang lại. Tập trung cao độ vào bộ điều khiển cũng là khi người chơi được thỏa sức thả trí tưởng tượng bay theo mô hình, lướt gió trên không trung. Thế nên anh Minh cho biết một khi đã trót yêu máy bay mô hình thì bất kể tuổi tác, địa vị xã hội, đều có chung sở thích “cứ giữa trưa, đứng ngửa mặt lên trời để điều khiển máy bay”.

Dường như với những “phi công dưới mặt đất” này thì máy bay mô hình không còn đơn thuần là món đồ chơi nữa mà chính là tình yêu đã ngấm vào máu thịt. Anh Đăng Phúc - giám đốc điều hành của một công ty vận chuyển ở quận 1 - vẫn nhớ như in ngày còn nhỏ, khi còn vụng về xếp máy bay giấy, cắt mút xốp, lon bia tạo hình máy bay, ước ao một lần được bay bổng lên bầu trời. Lớn lên, ước mơ làm phi công không còn nhưng tình yêu dành cho mô hình máy bay vẫn không hề thay đổi, thế là anh bắt đầu tìm hiểu và gắn bó với môn chơi RC này (RC là chữ viết tắt của “radio control”, tức là điều khiển vô tuyến - tên gọi chung cho môn chơi mô hình máy bay, xe hơi, tàu thuyền, thủy phi cơ…).

Nhắc đến những kỷ niệm vui buồn từ lúc bắt đầu thú chơi mô hình, vị giám đốc này vẫn không thể nào quên chiếc máy bay đầu tiên anh có được sáu năm trước. Cứ về đến nhà sau một ngày làm việc căng thẳng ở công ty là anh lại lao ngay vào mày mò lắp ráp, nghiên cứu kỹ thuật bay để sau hơn một tuần lễ gần như thức trắng, khi vừa cho máy bay cất cánh được vài giây, nó đã chao đảo rồi rớt xuống, vỡ nát. Không nản chí, anh tiếp tục mày mò, lại mất ăn mất ngủ chỉ để biến ước mơ thuở nhỏ thành sự thật.

Và rồi khi mô hình cất cánh bay được, cảm giác “sướng lắm” cứ cồn cào trong anh mãi đến tận bây giờ. Niềm hạnh phúc khi thấy đứa con tinh thần của mình bay lượn trên không trung chắc cũng hệt như nỗi vui mừng của anh em nhà Wright khi thực hiện chuyến bay đầu tiên của lịch sử nhân loại vào đầu thế kỷ XX. Dù không được là một phi công thực thụ, nhưng những ai đam mê mô hình máy bay cũng phần nào thỏa mãn niềm yêu thích phiêu du trên bầu trời và thả vào đó ước mơ muôn thuở của con người: được bay bổng tự do trên trời cao lộng gió.

Có lẽ hiểu được niềm đam mê của nhiều người dành cho máy bay mô hình, đạo diễn Trần Cảnh Đôn đã quyết định thực hiện bộ phim Sóng gió thương trường kể về một vị giám đốc yêu thích môn chơi này để xả stress sau những căng thẳng của công việc. Đạo diễn đã nhờ một số thành viên chơi máy bay lâu năm tư vấn giúp kịch bản cũng như bay biểu diễn để anh ghi lại những thước phim chân thật, sống động nhất về niềm đam mê sở hữu bầu trời này.

Jzle3E3o.jpgPhóng to

Ông Định bên chiếc máy bay tự chế tạo của mình

R9VL73Ns.jpgPhóng to

“Đội quân” mô hình trực thăng của nhóm RC-Easy

CXn5yF0c.jpgPhóng to

Một mô hình cánh bằng phỏng theo kiểu máy bay quân sự F4

Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên