04/04/2019 14:24 GMT+7

Bầy la cửu vạn ở biên viễn

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - "Để thồ hàng kiếm sống chớ làm gì. Cậu cứ vào thung lũng. Hàng trăm người và bầy lò đang chuyển hàng trong đó" - cụ Đinh Văn Pao chăn la trên đồng cỏ Keo Giáo, xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, mách nước khi tôi hỏi chuyện.

Bầy la cửu vạn ở biên viễn - Ảnh 1.

Chăm sóc con la hữu ích - Ảnh: THÁI LỘC

Cuộc sống người dân bản làng biên viễn nhờ đó khấm khá lên, nhưng cũng kèm theo hệ lụy ngay sau những đàn la (mà người dân tộc gọi là con lò) làm cửu vạn thồ hàng qua biên giới và đem tiền bạc về cho chủ...

Trên đường sơn cước

Tôi phóng xe máy băng qua con đường đất gồ ghề vào sâu phía thung lũng Keo Giáo, đến một bãi đất rộng, hàng trăm con la với khung sắt trên lưng đứng dãy dài bên đường. Tại bãi hàng gần đó, hàng trăm người cả nam lẫn nữ vây quanh chiếc xe tải, số thì dỡ hàng xuống, số thì chất lên lưng la.

Theo chân một thanh niên đang dẫn bốn con la trên lưng đầy hàng đi thêm vài trăm mét về phía khe núi, tôi bất ngờ với cảnh vô cùng ấn tượng khi trông lên sườn núi cao trước mặt. Hàng trăm đốm xanh nhạt như đàn kiến cỏ nhích dần lên đường mòn hiểm trở cao giữa hai chóp núi. 

Băng qua cánh đồng, tôi cố sức leo nhanh lên dốc núi đá dựng đứng hòng đuổi kịp đàn la. Hàng chục người chuyển hàng nhưng chỉ số ít là nam giới, còn phần nhiều là phụ nữ cầm roi thúc vào mông la. Trên lưng chất bốn hoặc năm bao hàng, la nhấc từng bước rất nhanh và chắc lên từng khối đá. Đúng là "khỏe và bền sức như con lò" theo cách ví của người dân.

Bầy la cửu vạn ở biên viễn - Ảnh 2.

La trở về Ngọc Côn sau chuyến thồ hàng - Ảnh THÁI LỘC

Sau chừng 10 phút, tôi cũng chinh phục được đỉnh cao trong trạng thái mệt lả để đến cột mốc biên giới 796. Cách mốc chừng 5-7m về phía Trung Quốc có bức tường bêtông dày, cao tầm 1m, giữa có chừa lối nhỏ qua lại được. 

Cả trăm con người và la dừng lại khu vực quanh cột mốc. Họ lần lượt dẫn la len qua lối giữa bức tường rồi theo con đường mòn nhỏ quanh một triền núi đá bên kia biên giới. 

Một thanh niên thồ hàng chẳng hề giấu giếm: "Từ cột mốc này, người và lò phải đi sâu vài trăm mét nữa là đến điểm giao hàng cho người Trung Quốc, xong mới dẫn lò ngược lại đây".

Thời gian nán lại cột mốc, tôi cũng kịp trao đổi với bà Thắm, một phụ nữ Tày thồ hàng. Bà cho biết chuyến này mình dẫn ba con la chuyển được 14 kiện hàng, tiền công được trả gần 300.000 đồng. Và đây là chuyến thứ ba bà thồ trong ngày, kiếm được hơn 800.000 đồng. 

Bà nói: "Việc thồ lò này cả nam lẫn nữ đều làm tương đương nhau. Đàn ông có khỏe hơn, nhưng phụ nữ chúng tôi lại chăm hơn nên đi được nhiều chuyến". 

Vừa dứt lời, bà Thắm làm dấu báo hiệu người đàn ông cầm bộ đàm đã phát hiện ra tôi và khuyên tôi nên lánh xuống núi để tránh nguy hiểm khó lường với người lạ...

Khắp bản làng, nhà cửa cao tầng số xây xong, số đang xây đầy ra đó. Tất cả đều nhờ công con lò cửu vạn.

Chị ĐINH THỊ NIỀM

Nhờ con lò

Với đặc điểm ít bệnh, tạp ăn và dai sức, la được người dân Ngọc Côn mua giống từ Trung Quốc về nuôi từ khá lâu, nhưng ban đầu chỉ lác đác, chủ yếu dùng cho việc nông, vận chuyển phân bón, lúa ngô. 

Phong trào nuôi la rầm rộ từ năm 2016, khi rộ việc chuyển hàng đông lạnh qua biên viễn. Địa bàn xã này có 17 cột mốc biên giới. Ngoài một số cột được xây tường bêtông hoặc rào chắn thép, hiện có gần 10 điểm cột mốc giữa hai đỉnh núi người dân có thể thồ hàng qua lại.

Bầy la cửu vạn ở biên viễn - Ảnh 4.

Số đông thồ hàng là phụ nữ người Tày - Ảnh: THÁI LỘC

Chị Đinh Thị Niềm, một chủ thầu người Tày ở thôn Pắc Ngà, xã Ngọc Côn, cho biết hàng hóa toàn đồ đông lạnh chủ yếu nhập khẩu hợp pháp từ Hong Kong theo đường biển về cảng Hải Phòng. 

Mỗi lần hàng cập cảng là chủ phía Trung Quốc liên hệ với những người thầu như chị. Nhận hàng, chị thuê xe tải chở lên Trùng Khánh và thuê người dùng la chuyển hàng theo các đường tiểu ngạch sang tập kết ở các bản bên kia biên giới.

Những ngày có hàng về, tùy vào số la và sự chịu khó mà mỗi người có thể kiếm được từ 1 triệu đồng trở lên. Do đó, có gia đình sắm đến 8-10 con la làm cửu vạn. 

Chị Niềm nhận xét cuộc sống người dân Ngọc Côn chuyển từ nghèo sang khá giả, thậm chí có nhà giàu lên đều nhờ con la. Vừa tâm sự, chị Niềm vừa chỉ tay về phía hàng dãy nhà cao tầng của thôn Pắc Ngà đang dần thay thế xóm nhà sàn mái ngói nhỏ bé, cũ kỹ và xơ xác trước đây.

Chiều muộn, chúng tôi tìm gặp ông Đinh Văn Hải, trưởng thôn Pắc Ngà, khi ông đang trông nhóm thợ làm cửa căn nhà ba tầng xây sắp xong của mình. Ngày trước, ông Hải làm ruộng rẫy và chăn nuôi, chủ yếu đủ ăn nên căn nhà sàn bố mẹ để lại mãi lụp xụp. 

Đến năm 2016, ông vay tiền sắm ba con la thồ hàng, sau gần 3 năm dành dụm được hơn 800 triệu đồng để xây căn nhà mới này. Ông khoe: "Không có con lò thì mãi ở nhà sàn cũ kỹ như xưa thôi, không xây nhà và sắm sửa đồ đạc, xe cộ như thế này đâu".

Bầy la cửu vạn ở biên viễn - Ảnh 5.

La phù hợp đường núi hiểm trở - Ảnh: THÁI LỘC

Ông Phan Văn Tuân, phó chủ tịch UBND xã Ngọc Côn, cho hay xã có khoảng 2.000 dân canh tác hơn 400ha đất nông nghiệp, từ lâu nay vẫn là xã nghèo của tỉnh Cao Bằng. Ông nhận xét gần 3 năm nay kể từ ngày nuôi la thồ hàng, đời sống kinh tế người dân trong xã cải thiện, phát triển hơn nhiều so với trước. 

Ông Tuân tin rằng hơn 1.000 con la dân nuôi thồ hàng góp phần quan trọng để xã này dễ dàng đạt mục tiêu thoát nghèo vào năm 2020.

Những chuyện buồn...

Theo một vị trưởng thôn thuộc xã Ngọc Côn, từ ngày nuôi la thồ hàng cho thu nhập cao, nhiều thanh niên tiền bạc "rủng rẻng" dẫn đến tình trạng nghiện hút ma túy. Vị này cho biết có thôn 5-7 người nghiện, có thôn hơn 10 người nghiện: "Thồ lò nhiều tiền nên tình trạng thanh niên nghiện hút dù chưa quá nhiều nhưng đang dần tăng, nếu chính quyền không có biện pháp ngăn chặn, hạn chế thì nguy hiểm lắm!" - vị này lo lắng.

Bầy la cửu vạn ở biên viễn - Ảnh 6.

Dòng la thồ hàng vượt núi lên cột mốc biên giới 796 - Ảnh: THÁI LỘC

Chưa hết, tình hình mất an ninh trật tự cũng đã xảy ra do mâu thuẫn quyền lợi. Số là mỗi một container hàng qua biên giới từ thôn nào thì chủ hàng sẽ chi cho cộng đồng thôn đó vài triệu đồng. 

Tại thôn Phia Muông có ba cột mốc rất thuận tiện chuyển hàng, song do mâu thuẫn từ việc chia chác trong cộng đồng dẫn đến gây gổ, kiện cáo rất mất trật tự. 

Vài lần tổ chức hòa giải mà chưa thành, đầu năm nay chính quyền xã đã cho cắm trụ chặn đường xe tải chở hàng vào thôn khiến người dân trong thôn và các thôn lân cận mất thu nhập, la "thất nghiệp", đến nay chưa có hướng giải quyết.

Trong sương khói chiều hôm, nhìn bầy la cửu vạn vẫn lặc lè chở hàng qua biên giới, ai cũng mong đến lượt mình…

"Bà con trong xã mua lò thồ hàng qua biên giới nhân dịp Chính phủ cho nhập hàng tái xuất nên tạo được thu nhập, phát triển kinh tế tốt.

Ngoài ra, con lò cũng rất hữu ích trong vận chuyển đối với công việc nông nghiệp của người dân miền núi hiểm trở" - ông Phan Văn Tuân, phó chủ tịch UBND xã Ngọc Côn, cho biết.

Ngược Cao Bằng tìm ăn hạt dẻ Trùng Khánh Ngược Cao Bằng tìm ăn hạt dẻ Trùng Khánh

TTO - Nhắc đến xứ núi Cao Bằng, không ai không nhắc đến một đặc sản làm nức danh vùng đất hùng vĩ này. Đó là hạt dẻ Trùng Khánh. Đặc biệt, du khách có thể tự tay mình rang hạt dẻ tại chợ phiên.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên