16/06/2013 07:24 GMT+7

Bầu cử tổng thống Iran, sự bất ngờ thú vị!

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TTO - Giáo sĩ theo đường lối trung dung và ủng hộ cải cách Hassan Rowhani, 65 tuổi, đã được tuyên bố là người chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống thứ 11 của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Tổng thống đắc cử Iran Rowhani kêu gọi quốc tế tôn trọngỨng viên “ôn hòa” thắng cử tổng thống IranBình mới, rượu có mới?

PdlYZbVj.jpgPhóng to
Những người ủng hộ giáo sĩ Hassan Rowhani - Ảnh: BBC

Do hai ứng cử viên Mohammad Reza Aref và Gholamani Haddal Adel đã tuyên bố rút lui vào phút chót nên chỉ còn 6 người tham gia cuộc đua. Riêng ứng cử viên ủng hộ chủ trương cải cách Mohammad Reza Aref đã kêu gọi những người ủng hộ ông dồn phiếu cho Rowhani.

Giáo sĩ Hassan Rouhani đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng từ nhiều năm qua. Ông là thành viên Hội đồng các chuyên gia (là tổ chức có quyền bầu và bãi miễn vị lãnh đạo tối cao của nước Công hòa Hồi giáo Iran) từ 1999, thành viên Hội đồng Kế hoạch (có nhiệm vụ chính là tư vấn cho vị lãnh đạo tối cao) từ 1991 và thành viên của Hội đồng An ninh tối cao Iran từ 1989. Dù là một giáo sĩ cấp cao trong hàng giáo phẩm nhưng ông thường tỏ ra là một người cởi mở, theo đường lối ôn hòa và chủ trương cải thiện quan hệ với phương Tây.

Rouhani từng giữ chức trưởng đoàn đàm phán về Chương trình hạt nhân của Iran dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami. Khi đó Iran đã đồng ý tạm ngưng chương trình làm giàu uranium và có thái độ hợp tác tích cực hơn với Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế IAE so với khi Saeed Jalili làm trưởng đoàn.

Ông Rouhani (hay Rowhani), giáo sĩ duy nhất ra tranh cử lần này, cũng là người duy nhất theo đường lối ôn hòa trong 6 ứng cử viên còn lại, đã giành được 18.613.329 phiếu, tức là 50,7% trong tổng số 36.740.156 phiếu hợp lệ. Người về nhì Mohammad Baqer Qalibaf được 15,8% số phiếu, còn Saeed Jalili, người nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đại giáo chủ Ali Khamenei, chỉ được 11,5% số phiếu.

Như vậy cử tri Iran sẽ không phải đi bầu vòng 2 như các kỳ bầu cử 2005 và 2009 và trong một mức độ nhất định, chiến thắng của ông Rouhani có thể được xem như thắng lợi của phe ủng hộ đường lối cải cách của các giáo chủ Hashemi Rafsanjnai (hiện đang giữ chức chủ tịch Hội đồng các chuyên gia) và Mohammad Khatami trước phe bảo thủ của Đại giáo chủ Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran.

Các cuộc bầu cử tổng thống tại Iran có truyền thống là đầy yếu tố bất ngờ, thí dụ như chiến thắng áp đảo của Mohammad Khatami năm 1997 trước Rafsanjani - được gọi là “con cáo già trên chính trường Iran”, hay việc ứng cử viên hầu như vô danh trên chính trường nước này Mahmoud Ahmadinejad đắc cử năm 2005. Hoặc chuyện người dân thủ đô Tehran rầm rộ xuống đường để phản đối kết quả bầu cử năm 2009 mà họ cho là Mir Hossein Mousavi bị gian lận, khiến 15 người chết, hàng trăm người bị thương và nhiều người vào tù (trong số này có đạo diễn nổi tiếng Jafar Panahi).

Chiến thắng của ông Rouhani khiến nhiều nhà quan sát phương Tây khá bất ngờ nhưng không khó lý giải vì nhiều cử tri, nhất là những cử tri ủng hộ khuynh hướng cải cách tại thủ đô Tehran đã chịu khó đi bầu, thay vì tẩy chay như 2 kỳ trước đây. Theo nhật báo Tehran Times, 80% trong số 50.483.192 người có quyền bầu cử đã đi bầu phiếu. Đây là một con số cao ngoài dự kiến nên rất nhiều điểm bỏ phiếu trong số 60.000 điểm trên cả nước đã phải mở thêm 5 tiếng đồng hồ, tới tận 6 giờ chiều mới đóng cửa để kiểm phiếu.

Mỹ và các nước phương Tây tất nhiên rất hân hoan với kết quả bầu cử tổng thống Iran. Ít ra họ cũng hi vọng là Tehran sẽ có thái độ hòa hoãn hơn so với Ahmadinejad trước đây, đặc biệt là trong các vấn đề chương trình hạt nhân và nội chiến Syria. Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, đồng rial của Iran đã tăng 6% giá trị so với đồng USD.

Trong một cuộc tranh luận trước bầu cử trên đài truyền hình trung ương của Iran, ông Rouhani tuyên bố sẽ tìm một giải pháp cho chương trình hạt nhân, hầu tránh những sự cấm vận mạnh mẽ của phương Tây: “Có những tổ máy ly tâm thì tốt, nếu như cuộc sống của người dân cũng chạy tốt”.

Khó khăn chờ đón

Những người Iran theo đường lối ôn hòa hoặc ủng hộ cải cách, tất nhiên hi vọng tân tổng thống sẽ đem lại một số thay đổi so với 8 năm theo đường lối cứng rắn của Tổng thống Ahmadinejad. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng với ông Rouhani vì theo thể chế của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, quyền lực của tổng thống dân cử khá hạn chế vì lãnh đạo tối cao là vị có thẩm quyền cao nhất về chính trị, quân sự lẫn tôn giáo. Những quyết định của tổng thống, nếu không được sự chấp thuận của Lãnh đạo tối cao Khamenei thì cũng không thể thực hiện được.

Ngay trong ngày diễn ra bầu cử, Giáo chủ Ebrahim Amini, khi chủ tọa buổi cầu kinh sáng thứ sáu tại Qom, trung tâm tôn giáo của Iran, đã kêu gọi các ứng cử viên hãy hợp tác với tổng thống đắc cử và nhắn nhủ bất cứ ứng cử viên nào khi đắc cử cũng cần phải được sự tư vấn của các chuyên gia đối với những vấn đề liên quan đến việc quản lý đất nước.

Dù sao đi nữa thì việc ông Rouhani bỏ xa hai đối thủ nặng ký là Qualibaf và Jalili cũng cho thấy tín hiệu người Iran mong muốn những thay đổi trong những chính sách về kinh tế và đối ngoại của chính phủ, cũng như thấy sự cải thiện trong cách điều hành đất nước. Lệnh cấm vận của phương Tây tuy ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Iran nhưng trong sự trì trệ hiện nay cũng có phần trách nhiệm lớn của cung cách quản lý yếu kém của bộ sậu Tổng thống Ahmadinejad trong suốt 8 năm qua, cũng như tổ chuyên gia của Đại giáo chủ Khamenei. Nếu được hỏi, bất cứ người dân Iran nào cũng nói là họ ủng hộ chương trình hạt nhân nhưng họ cũng cần việc làm và giảm lạm phát!

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên