Ông Trần Quốc Tuấn - ứng viên duy nhất cho chức danh chủ tịch VFF khóa 9 (nhiệm kỳ 2022-2026) - Ảnh: VFF
Ngày 21-10, ông Cao Văn Chóng, phó chủ tịch truyền thông - đối ngoại VFF, cho biết hiện công tác chuẩn bị đại hội đang diễn ra tích cực và đúng kế hoạch. Đại hội sẽ diễn ra vào ngày 6-11 tại Hà Nội.
Đại hội sẽ bầu ra 17 thành viên ban chấp hành (trong đó có 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch) và 13 ủy viên. Đây sẽ là những người sẽ chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam, thực hiện các mục tiêu quan trọng trong 4 năm tới.
Trước đó, ngày 5-8, VFF đã gửi văn bản tới 74 tổ chức thành viên đề nghị đề cử nhân sự ứng cử các chức danh chủ chốt, ban chấp hành, ban kiểm tra VFF khóa 9 (nhiệm kỳ 2022-2026). Căn cứ đề cử nhân sự của các tổ chức thành viên, VFF và ban tổ chức đại hội đã liên hệ và nhận được xác nhận ứng cử, hoàn thiện hồ sơ ứng cử theo quy định của các ứng cử viên.
Mặc dù vậy, thời gian qua cũng có một số ứng viên đã xin rút không tham gia ứng cử vào ban chấp hành nữa. Ông Cao Văn Chóng cho biết điều này cũng rất bình thường như ở các kỳ đại hội trước đây, không ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị đại hội VFF khóa 9.
Theo quy định của VFF, các ứng viên tham gia ứng cử vào ban chấp hành, phó chủ tịch, chủ tịch VFF, mỗi ứng viên phải được ít nhất hai tổ chức thành viên đề cử bằng văn bản. Các cá nhân không thể tự ứng cử tại đại hội.
Về định hướng phát triển bóng đá Việt Nam trong khóa 9, ông Cao Văn Chóng cho biết cùng với sự đầu tư của Nhà nước cho các đội tuyển quốc gia, VFF sẽ huy động tối đa các nguồn tài trợ để đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm cho các đội tuyển, ưu tiên các đội tuyển trẻ tham gia các đấu trường quốc tế.
VFF tiếp tục đặt trọng tâm vào phát triển bóng đá trẻ, cải tiến phương thức thi đấu tại các giải trẻ, hoàn thiện cấu trúc hệ thống các giải bóng đá quốc gia và tạo sự ổn định đối với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp. Đây là những yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển mang tính bền vững của bóng đá Việt Nam.
Bên cạnh đó, VFF cũng sẽ tăng cường phát triển quan hệ quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của FIFA, AFC. Học hỏi mô hình, kinh nghiệm làm bóng đá của các nước có nền bóng đá phát triển để phát triển, nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam.
Ông Cao Văn Chóng - ứng viên chiếc ghế phó chủ tịch truyền thông - đối ngoại khóa 9 - Ảnh: VFF
Ganh đua quyết liệt ở vị trí phó chủ tịch truyền thông, tài chính
Tại đại hội VFF khóa 9 tới đây, ông Trần Quốc Tuấn (quyền chủ tịch VFF khóa 8, hàm vụ trưởng tại Tổng cục Thể dục Thể thao) là ứng viên duy nhất ứng cử chức danh chủ tịch VFF.
Ở vị trí phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, có hai ứng viên sẽ tham gia tranh cử là các ông: Trần Anh Tú (chủ tịch HĐQT Công ty VPF), Dương Nghiệp Khôi (nguyên phó tổng thư ký VFF).
Vị trí phó chủ tịch tài chính, có hai ứng viên tham gia tranh cử là các ông: Nguyễn Trung Kiên (tổng giám đốc Công ty cổ phần giải pháp truyền hình Thế hệ mới - Next Media), Lê Văn Thành (phó chủ tịch tài chính VFF khóa 8, chủ tịch HĐQT - tổng giám đốc Công ty cổ phần Động Lực).
Vị trí phó chủ tịch truyền thông có bốn ứng viên tham gia tranh cử là các ông, bà: Cao Văn Chóng (phó chủ tịch truyền thông VFF khóa 8, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Dương), Nguyễn Quốc Hội (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T), Nguyễn Thị Hoàng Phương (phó tổng giám đốc VTVcab), Nguyễn Xuân Vũ (chủ tịch CLB bóng đá Phù Đổng).
Ngoài ra, có 25 ứng viên tham gia ứng cử vào ban chấp hành VFF khóa 9, gồm có: Nguyễn Tấn Anh (giám đốc điều hành CLB Hoàng Anh Gia Lai), Trương Sỹ Bá (chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An), Văn Trần Hoàn (chủ tịch CLB Hải Phòng), Cao Tiến Đoan (chủ tịch CLB Thanh Hóa), Trần Huy Đức (trưởng phòng tổ chức thi đấu VFF), Dương Văn Hiền (trưởng ban trọng tài VFF khóa 8), Đỗ Mạnh Dũng (trưởng đoàn bóng đá Viettel)...
Ông Nguyễn Hiền Lương (trưởng ban kiểm tra VFF khóa 8), ông Lê Hoàng Tùng (phó giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Tây Ninh) ứng cử chức danh trưởng ban kiểm tra VFF khóa 9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận