07/12/2012 07:15 GMT+7

Bất ngờ với Lê Văn Nghĩa

LÊ MINH QUỐC
LÊ MINH QUỐC

TT - Cho đến nay tôi có thể quả quyết: nhà văn Lê Văn Nghĩa là người “cứng đầu”! Ai đời, từ thuở mới cầm bút đến nay đã ngoài ngũ thập nhưng anh chỉ “chơi” một thể loại: trào phúng!

Ai khen, ai chê anh cũng nhún mình “cảm ơn”, rồi lại tiếp tục “lên đường” ngao du cùng điệp viên Không Không Thấy, đại gia Ðại Văn Mỗ, Hoa hậu phường Cây Mít, thậm chí có lúc anh còn khoác vai tung tăng với Thằng láu cá, Vua lừa, Trùm cá độ...

L0nb9YdG.jpgPhóng to

Truyện dài của Lê Văn Nghĩa (NXB Trẻ)

Từ đó, hình ảnh về nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa đã định hình trong tâm trí bạn đọc.

Năm kia, Người bán nụ cười nhập viện, phải lên bàn mổ. Ghé thăm anh, trong câu chuyện, tôi kín đáo nhận thấy anh vẫn tủm tỉm cười và “bật mí” đang nung nấu cho một tác phẩm mới. Có lẽ trong giây phút sức khỏe bết bát nhất, anh cảm thấy lâu nay cười cợt, hí lộng giang hồ như vậy đã đủ. Cần làm một cái gì đó cho thời tuổi trẻ hoa mộng của mình.

Ðùng một cái, Mùa hè năm Petrus ra mắt. Bạn đọc bất ngờ với một phong cách viết khác hẳn.

Trước hết, phải thừa nhận rằng Mùa hè năm Petrus là một đề tài hấp dẫn, một cách khai thác mới. Lâu nay khi viết về Sài Gòn trước năm 1975 người ta thường lấy chất liệu từ cuộc chiến tranh, từ những ngày ngột ngạt đã thôi thúc một thế hệ Sài Gòn xuống đường (trong đó có nhà văn Lê Văn Nghĩa), nhưng ở đây lại là một khoảng trời hoa niên của bọn học trò hỉ mũi chưa sạch, còn nhiều hoài vọng, nhiều ước mơ...

Ðể làm được điều này, ngoài vốn sống từ trí nhớ, ký ức nhà văn còn phải thu thập lại lời ăn tiếng nói của cả một thế hệ. Trong truyện dài này không thiếu, nhiều nữa là khác. Nói như ngôn ngữ thời ấy là “tàn chi quái đao”!

Tôi còn sung sướng bắt gặp những thú sưu tầm sách, chơi tem, program phim, sưu tập ảnh nghệ sĩ... rất phổ biến của giới học trò thuở ấy. Thậm chí, tâm sinh lý của chúng thay đổi anh cũng viết lại khá hài hước và vui nhộn như vốn có. Không cần tìm lâu, cứ lật trang 67 chẳng hạn, đọc để cười hề hề rồi gật gù: “Chả viết có duyên quá!”.

Khó có thể xác định thể loại của Mùa hè năm Petrus. Nhà văn Lê Văn Nghĩa cũng đã có lời thưa cùng bạn đọc: “Ðây không phải là một cuốn hồi ký, cũng không phải là một cuốn tiểu thuyết như tên gọi của nó, chỉ là một cuốn truyện kể về những người bạn nhỏ ở Trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký từ giữa thập kỷ 60 của thế kỷ 20” (tr.5). Thế thì trong “chuyện kể” này, ta lại gặp những nhân vật nổi tiếng của Sài Gòn như ông Nguyễn Hùng Trương - chủ nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam... hoặc những tờ báo học trò như Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thằng Bờm...

Thú thật, tôi không rõ anh Nghĩa có “bịa” thêm không, nhưng có chi tiết trong truyện này, theo tôi, phù hợp với tính cách của nhân vật mà anh đề cập. Chẳng hạn, cậu học trò Dũng khi thuyết trình về “ông già Nam bộ” bị cô giáo phê vì “đã vô tình xúc phạm đến nhà văn” với chi tiết đại loại như... “nhà văn là người xấu trai, ăn mặc lượm thượm ẩu thả”...(tr.157), thì sau đó Sơn Nam có đến trường bênh vực cho cậu học trò, không phải nhờ cô giáo nâng điểm. “Ðiều quan trọng là đừng để thằng Dũng nói riêng và học sinh nói chung mất niềm tin...” (tr.165). Những trang đối thoại này đọc hấp dẫn và đúng y chang cách nói của Sơn Nam mà sau này tôi biết.

5UQ0dsNi.jpgPhóng to
Viết tập sách về trường mà mình đã học bao giờ người ta cũng có nhiều cảm xúc nhất bởi đó là sự thôi thúc nội tại, không thể không viết. Nghĩ cho cùng, “nguyên lý văn học” cũng nằm ở mấu chốt đó. Nhà văn Lê Văn Nghĩa không đao to búa lớn, chỉ thành thật và khiêm tốn qua suy nghĩ của nhân vật Dũng: “Nhà văn của Trường Petrus Ký, dù là nhà văn hạng bét, phải thổi được cái hồn Petrus Ký đó để cho mọi người, để ai đi ngang ngôi trường này cũng phải ngước nhìn, để mọi học sinh khi đã già đều tự hào với con cháu rằng ta đã là học sinh của ngôi trường ấy dù ta là học sinh dở nhất lớp, dở nhất trường...” (tr.337).
LÊ MINH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên