16/01/2014 04:10 GMT+7

Sài Gòn xứng được yêu thương

LAM ĐIỀN thực hiện
LAM ĐIỀN thực hiện

TT - Ra mắt độc giả dịp tết này, Sài Gòn - chuyện đời của phố như một món quà rất duyên dành cho những ai yêu Sài Gòn.

ad12fci7.jpgPhóng to
Sách do Phương Nam Books và NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: L.Điền

Tác giả cuốn sách là nhà báo Phạm Công Luận, gương mặt quen với nhiều thế hệ bạn đọc báo Hoa Học Trò, rồi Sinh Viên Việt Nam hiện nay, người tự nhận đã yêu Sài Gòn “như con cái yêu cha mẹ đã nuôi nấng mình...”.

* Khởi đi từ những duyên do gì, cũng như điều cốt yếu nào đã khiến ông có được tình yêu và động lực để “dốc tình” cho mảnh đất này bằng những trang viết?

- Mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên thì có khô cằn mấy cũng là nơi để yêu thương, huống chi lại được sinh ra nơi mà nhiều người Việt muốn chọn làm nơi sinh sống. Tôi biết một nhà thơ nổi tiếng gốc Huế khi nhắc đến Sài Gòn vẫn thường cho đây là đất Phật. Tình yêu vùng đất này của tôi trước hết như một thứ bản năng, như con cái thương yêu cha mẹ nuôi nấng mình vậy.

Đọc cuốn Ai cũng là nghệ sĩ của Austin Kleon, tôi tâm đắc với lời khuyên “đừng viết ra thứ bạn biết, hãy viết thứ bạn thích. Viết ra câu chuyện bạn thích nhất, viết ra câu chuyện bạn muốn đọc”. Những ký ức về cuộc sống xung quanh từ thuở nhỏ, các câu chuyện qua lời kể của cha mẹ, anh chị đọng rất lâu trong tôi cho đến khi thấy có nhu cầu tìm hiểu sâu. Trên mạng và sách báo không thấy có mấy thông tin về những điều muốn biết thì tự đi tìm hiểu vậy. Như vậy là “viết điều mình muốn đọc”. Ví dụ về bài Họa sĩ của đại chúng viết về họa sĩ Duy Liêm. Vốn mê tranh của ông từ nhỏ và rất lâu sau này, nét vẽ đặc biệt theo trường phái lập thể của ông khiến tôi nhớ hoài. Tìm trên mạng chỉ có những mảnh thông tin vụn và không có tấm ảnh nào về ông. Tôi không có cách nào khác là tự đi tìm tung tích của ông...

Qua quá trình thực hiện cuốn sách, tôi cảm thấy việc được tiếp xúc với những cụ già từng trải là điều vui sướng nhất. Quá khứ tái hiện qua trí nhớ các cụ thật sinh động, dí dỏm, đầy màu sắc lạ vì đó là những gì có ấn tượng nhất đọng lại sau khi các cụ đã quên nhiều điều. Viết cuốn này, tôi nhớ ơn nhà nghiên cứu Lý Lược Tam rất nhiều vì những câu chuyện về Sài Gòn cũ xưa mà chú đã kể. Cũng vậy, các nhân chứng về Sài Gòn cũ đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong hai năm trời: gửi gắm những hình ảnh cũ kỹ lâu nay cất sâu trong ngăn kéo gia đình, cho mượn gia phả dòng họ để nghiên cứu, scan hình, tiếp chuyện bỏ cả công việc... Hẳn họ cũng ý thức rằng ký ức không ghi lại kịp rồi sẽ mai một, nên tôi được hân hạnh giao trọn với sự tin tưởng. Đó là duyên may để cuốn sách nên hình...

Có điều rất rõ là sau khi viết xong, tôi thấy yêu mảnh đất này hơn. Yêu có ý thức hơn, đậm đà hơn, biết rõ hơn đối tượng mình yêu có những đức tính gì chứ không còn là tình yêu bản năng nữa. Rõ ràng là mảnh đất Sài Gòn chịu thương chịu khó, bao dung và cởi mở xứng đáng được yêu thương nhiều như vậy, ít ra là đối với tôi.

Và nhờ cuốn sách, tôi chia sẻ được với vợ và các con tôi những cảm nhận về vùng đất này. Rồi đến độc giả của quyển sách.

0X7uiPGT.jpg
Nhà báo Phạm Công Luận - Ảnh: Đ.V
* Nếu phải kể ra vài nét chính của người Sài Gòn, hiểu theo nghĩa là những đặc điểm làm cho cốt cách thị dân Sài Gòn khác với dân cư ở những đô thị khác, theo ông, đó là những nét nào?

- Vì không phải là nhà nghiên cứu nên đối với tôi câu hỏi này khó. Tôi tạm nghĩ dân Sài Gòn trước hết có tính khoan dung và dễ chấp nhận sự khác biệt của người khác, miễn điều đó không có hại đến ai. Hai là coi trọng dân chủ, bộc trực và thể hiện quan điểm rõ ràng trong cuộc sống hằng ngày. Ba là dễ dàng đón nhận cái mới. Cứ đón nhận đã rồi chọn lọc sau. Có lẽ vùng miền khác cũng có những tính cách này nhưng ở người Sài Gòn thể hiện rõ hơn.

* Ông thấy tình yêu Sài Gòn trong những người trẻ tuổi từ thời những anh chị mình đến những em học sinh bây giờ khác nhau thế nào? Và ông có nghĩ giới trẻ bây giờ sẽ yêu những gì của Sài Gòn hôm nay?

- Cảm xúc về một chốn ở có lẽ bắt đầu từ những kỷ niệm nho nhỏ, rồi dần dần mới biến thành tình yêu rộng lớn và sâu sắc. Anh chị tôi trong thời học sinh sinh viên, bên cạnh những lo toan như sợ bị bắt lính, sợ thi rớt tú tài... thì không thiếu kỷ niệm đẹp nhưng rất giản dị như đi dạo đường Lê Lợi để mua sách nhà Khai Trí và văn phòng phẩm, uống nước mía Viễn Đông, mua thiệp Noel góc đường gần nhà thờ Đức Bà, hoặc có khi chỉ là chuyện đi xe đạp thả dốc đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) mà nhắc hoài. Giới trẻ hiện nay có quá nhiều thú vui khi sống ở Sài Gòn mà ai cũng thấy.

Nhưng tôi cho rằng họ còn có thêm lý do yêu Sài Gòn - TP.HCM vì thành phố này hiện nay dành cho họ nhiều cơ hội từ học hành, thử sức, khởi nghiệp và tạo dựng tương lai... Còn những cảm xúc muôn thuở về hai mùa mưa nắng, góc phố, chợ hoa tết, ăn uống quán xá hay lề đường có lẽ không khác nhiều những cảm xúc mà cha mẹ họ khi xưa đã trải qua.

Một trời cảm xúc

Tác giả đã dành hơn hai năm để viết quyển sách mà mỗi bài trong ấy như một chuyên luận đáng yêu về Sài Gòn. Nhưng ông còn dành nhiều hơn thế cho tình yêu, niềm đam mê tìm hiểu lịch sử địa chí, những tháng ngày la cà bắt chuyện với các cụ già, các gia đình Sài Gòn...

Đọc Sài Gòn - chuyện đời của phố thấy cả một trời cảm xúc của người viết và ngồn ngộn tư liệu, chất liệu của Sài Gòn từ thời Pháp thuộc đến hôm nay, từ lịch sử đến nhân vật, từ những sự kiện nổi bật đến chiều sâu văn hóa ẩn tàng trong cốt cách người dân và trong những góc khuất của đời sống... Mỗi bài viết như một chuyên luận được mềm hóa bằng những câu chuyện đầy ý vị. l.điền

LAM ĐIỀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên