Cánh đồng hoang - kiệt tác chiến tranh ở Nam bộ, sau được dựng thành phim nổi tiếng khắp thế giới, ông đưa vợ đi đẻ ở Bệnh viện Từ Dũ về, viết liền một tuần là xong. Chiếc lược ngà ra đời chỉ trong một buổi sáng, kê tấm ván trên ghe ngồi viết giữa đồng nước mênh mông. Với ông, “viết là chép ra cái đã nghĩ. Uống rượu cũng nghĩ, đi xe cũng nghĩ”.
Phóng to |
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ký tặng sách cho độc giả trong một dịp ra mắt sách mới - Ảnh: Lam Điền |
Có lẽ đời văn thành công của Nguyễn Quang Sáng phải kể hai việc: ông đi và sống với các vùng đất như bị thúc “nhớ quá đi hoài”, và ông lao động trên trang viết hết mình. Nguyễn Quang Sáng đi nhiều, đặc biệt là Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Tân Châu, Cao Lãnh, Mỹ Tho...
Ông cũng thật công phu trong sáng tác. Ông có ý tưởng về Cánh đồng hoang từ năm 1966 nhưng phải hơn 10 năm sau, chờ đất nước thống nhất mới hoàn thành tác phẩm vì “chỉ ở miền Nam mới có cánh đồng nước phù hợp. Thời kháng chiến lúc tôi là cán bộ ở Đồng Tháp Mười về chiến trường ở đó nguyên mùa nước nổi mà. Không có thực sao bịa được trời. Trực thăng nó hay bắn. Con nít sao lặn? Mỗi nhà có bao nilông thảy xuống, đương nhiên khóc. Tôi mê chi tiết”.
Thời gian sau này, khi viết kịch bản 30 tập phim truyện về Võ Văn Kiệt, ông lại càng đi nhiều, ham mê tìm chi tiết đặc sắc không ai biết. Ông rất thích chuyện một lần ông Võ Văn Kiệt đi xuồng trên sông, gặp chiếc xuồng đi ngược chiều trên có chị bí thư vùng Vũng Liêm - nơi ông hoạt động khi mới 16 tuổi. Chị bí thư gọi: “Sáu Lục lạc!” (thì ra chàng thanh niên được đồng đội đặt tên vậy là vì hoạt động ở đâu tưng bừng dậy lên ở đó). Việc chọn ai đóng vai Võ Văn Kiệt ông cũng rất quan tâm... Viết nhiều kịch bản, ông chỉ chăm chú việc của mình nhưng rất chú ý đạo diễn. Thường ông góp ý chọn cảnh Nam bộ đúng ý và sát hợp, đạo diễn nào không chịu là... thôi luôn. Ông rất vui tính, dễ dàng nhiều chuyện nhưng trong lao động nghệ thuật thì không nhân nhượng như vậy.
Đi và viết nhiều vậy, Nguyễn Quang Sáng nói ông còn món nợ lớn - muốn viết lại cuộc đi bộ hai lần từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Đó là năm 1966 còn khỏe đi vô chiến đấu và năm 1971 bệnh quá đi ra. Ông muốn viết cách khác mọi người đã viết.
“Tôi viết sơ sơ không được. Dám hi sinh cho văn chương, kết quả nó trả cho mình. Bây giờ vẫn viết thế, nhưng thảnh thơi. Chắc là không phải nuôi con như ngày xưa. Ngày xưa, buổi sáng con xin cơm nguội là ứa nước mắt”.
Bây giờ mơ ước của nhà văn dừng lại rồi. Mà ý tưởng văn chương vẫn chưa kịp làm hết. Một người “chơi không” mà có nhiều sách làm rung động bao con tim.
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Văn ông là dòng sông Hậu
Nhà văn Nguyễn Tuân thì bảo tác giả cần nên tả rõ dòng sông quê hương hơn nữa. Có lẽ linh cảm của hai nhà văn đàn anh xứ Bắc đã thấy trong câu chữ giọng điệu của một người lính trẻ mới cầm bút (khi đó Nguyễn Quang Sáng đang ở độ tuổi ba mươi) một khí chất, tính cách Nam bộ mà tác giả biết khai thác và phát huy sẽ làm nên cái cá tính văn chương, cái dấu ấn nhà văn của mình trong văn học nước nhà.
"Nguyễn Quang Sáng có một phong cách viết truyện ngắn độc đáo. Truyện thường lắm tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên nhưng tự nhiên; giàu chi tiết sống động và kỳ diệu nhưng hợp lý; tính kịch rất nổi nhưng cũng đậm chất trữ tình đôi khi pha chất hài hước rất có duyên" PGS.TS TRẦN HỮU TÁ (Từ điển Văn học, NXB Thế Giới, 2004) |
Quả thật, Nguyễn Quang Sáng đã không phụ lòng mong đợi của các bậc đàn anh văn chương, đã nhất quán với mình trong cả cuộc đời viết văn. Văn ông là văn của một người viết văn Việt Nam vùng Nam bộ trong giọng điệu, ngôn ngữ, trong cách dựng người dựng cảnh, trong cách nghĩ cách cảm. Ông là nhà văn cách mạng, chủ đề văn của ông là chung của cả một thời, nhưng cách viết của ông là của một người biết đi vào những cái bình thường, chân thực của đời sống, không lên gân giả tạo, nên cái rung động cảm xúc từ văn ông đọng lại lâu ở người đọc.
Tôi đọc ông từ các tập truyện ngắn Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch hồi trước năm 1975, cho đến Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu, Bàn thờ tổ của một cô đào, Con mèo Fujjita về sau này. Chất Nam bộ hào sảng, tự nhiên, phóng khoáng rất đậm trong văn Nguyễn Quang Sáng. Và từ cái chất đó, có một chất nhân văn của con người miền châu thổ Cửu Long trọng nghĩa tình, biết xả thân cho đại nghiệp, nhưng cũng biết đau xót cho những mất mát, nghịch cảnh nhỏ nhoi cá nhân, ngày càng dày lên trong những trang viết của ông.
Có một cảm nhận hình thành ngay khi đọc văn ông và càng ngày càng được khẳng định: văn đó là của người đó, văn gây được lòng tin nơi người đọc, và khi tiếp xúc với tác giả thì lòng tin càng được tăng thêm. Điều này không dễ có đối với nhiều người viết. Nếu cho tôi chọn một tác phẩm ra chất Nguyễn Quang Sáng nhất thì tôi chọn cuốn Dòng sông thơ ấu. Quãng đời trẻ tuổi sinh ra và lớn lên bên con sông nặng phù sa của đất và đời đã được nhà văn kể lại một cách hồn nhiên, sinh động, và đủ cắt nghĩa cho sự tạo nên một nhà văn nổi tiếng từ một đứa trẻ làng quê. Mới hay nhà văn Nguyễn Tuân đã tinh tường “ngửi” được mùi văn của Nguyễn Quang Sáng, cũng tức là mùi văn Nam bộ của văn chương nước Việt, từ buổi ban sơ của một người cầm bút chưa nghĩ là mình viết văn.
Từ nay vắng bóng Nguyễn Quang Sáng trong đời. Nhưng trong văn học cách mạng Việt Nam và văn học Việt Nam hiện đại, có hiện diện rõ ràng một nhà văn Nguyễn Quang Sáng ở những trang viết rất “anh Hai Nam bộ” với tất cả những nghĩa trong sáng và tốt đẹp của từ này. Chỉ vậy thôi, ông đã sống đủ cuộc đời mình.
-----------------------------------
* Tin bài liên quan:
Rất chịu làm và rất đỗi chịu chơiXem phim Cánh đồng hoang, kịch bản Nguyễn Quang SángNhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đờiVĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng!Nhà biên kịch Nguyễn Quang Sáng: Đừng biết 1 viết 10“Anh Năm Sáng” - một “nhà văn Nam Bộ hiện đại tiêu biểu”Ấm cúng trong đám tang nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận