13/08/2020 10:29 GMT+7

Bất ngờ với hợp đồng tặng cho tài sản từ... người chết

NHẤT NGUYÊN - TUYẾT MAI
NHẤT NGUYÊN - TUYẾT MAI

TTO - Đó là câu chuyện mà ông Dương Văn Chiến (42 tuổi, ngụ xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) gặp phải.

Bất ngờ với hợp đồng tặng cho tài sản từ... người chết - Ảnh 1.

Ông Dương Văn Chiến đã làm nhiều đơn thư tố cáo gửi cơ quan chức năng - Ảnh: N.N.

Phần tôi do quá tin tưởng em gái mình mà không đọc hợp đồng, nhưng mặt khác công chứng viên không hề trao đổi, giải thích gì nội dung hợp đồng giao dịch, hậu quả pháp lý của hợp đồng giao dịch, các quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu công chứng theo quy định của pháp luật.

ông DƯƠNG VĂN CHIẾN

Dù thửa đất được cấp cho hộ gia đình song sau khi bà Bùi Thị Tho (mẹ ông Chiến) chết, em gái ông đã đi sang tên thửa đất này cho chính mình. Điều bất ngờ là trong hợp đồng tặng cho có cả chữ ký và điểm chỉ của bà Tho dù bà đã chết từ lâu.

Người chết... ký tên, điểm chỉ

Theo ông Chiến, bà Bùi Thị Tho là mẹ ruột của ông. Năm 2013, UBND huyện Bù Gia Mập (nay là huyện Phú Riềng) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn với đất đối với thửa đất số 69 (diện tích 686.9m2) thuộc tờ bản đồ số 12, tọa lạc tại thôn Tân Lực, xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập cho hộ gia đình bà Bùi Thị Tho. 

Trong đó, thành viên hộ gồm: bà Bùi Thị Tho, ông Dương Văn Nuôi (cha mẹ ông Chiến), ông Chiến và bà Dương Thị Bích Vân (em gái ông Chiến).

Ngày 5-1-2018, bà Tho qua đời, không để lại di chúc. Gần một tháng sau, bà Vân gặp và nhờ ông Chiến ký vào hợp đồng để vay vốn ngân hàng, giải quyết khó khăn. 

Cuối tháng 1-2018, ông Chiến đến Văn phòng công chứng Thanh Long (nay là Văn phòng công chứng Võ An Sang) ký hợp đồng, điểm chỉ rồi ra về mà không đọc nội dung hợp đồng này.

Bỗng nhiên nửa năm sau đó, ông Chiến phát hiện thửa đất của gia đình nêu trên đã được sang tên cho bà Dương Thị Bích Vân. 

Ông Chiến tìm hiểu thì được biết hợp đồng mà ông tin tưởng ký là hợp đồng tặng cho toàn bộ quyền sử dụng đất cho em gái và đã được công chứng viên Võ An Sang chứng nhận ngày 30-1-2018. Bất ngờ hơn là trong hợp đồng này có cả chữ ký và điểm chỉ của bà Tho.

"Một người đã chết không thể ký và điểm chỉ vào văn bản công chứng được. Trong khi hợp đồng tặng cho, bên tặng cho là mẹ tôi vẫn ký và điểm chỉ sau khi đã chết gần một tháng. Đó là điều khó hiểu..." - ông Chiến nói.

Có dấu hiệu hình sự

Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), mảnh đất thuộc sở hữu chung của các thành viên trong hộ, cho nên sau khi bà Tho chết, gia đình bà cần phải làm thủ tục kê khai di sản thừa kế của bà Tho. 

Và khi kê khai, phải tiến hành niêm yết theo quy định trong 15 ngày tại nơi có bất động sản. Sau đó, các bên mới có thể tiến hành tặng cho phần di sản được chia của bà Tho. 

Trong vụ việc này, tại thời điểm tặng cho, người tặng cho (tức bà Tho) không còn sống nên việc xác lập văn bản này vô hiệu.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông Chiến cần đề nghị tòa án tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu theo quy định tại khoản 6, điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, đồng thời yêu cầu tòa tuyên hủy sổ đỏ đã cấp cho bà Vân. 

Thời hiệu trong trường hợp này được xác định là kể từ ngày ông Chiến biết hợp đồng công chứng đã ký sai (có tên mẹ mình ký khi bà đã chết) và biết từ hợp đồng công chứng này mà sổ đỏ được cấp cho bà Vân.

Đồng quan điểm, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng một trong những điều kiện quan trọng nhất để một giao dịch dân sự có hiệu lực là đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch. 

Theo đó, chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Thời điểm các bên xác lập hợp đồng, bà Tho đã chết nên giao dịch này không có giá trị, có thể bị tòa án tuyên vô hiệu.

Theo các chuyên gia pháp lý, hợp đồng tặng cho được lập ngày 30-1-2018, có cả chữ ký và điểm chỉ của bà Tho trong khi bà Tho đã mất ngày 5-1-2018, là một giao dịch dân sự rất phi lý và có dấu hiệu gian dối, giả tạo của các bên xác lập hợp đồng. 

Cụ thể, các hành vi gian dối, giả mạo chữ ký của người khác là trái quy định của pháp luật và tùy vào mục đích mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Hành vi giả mạo chữ ký của người khác để chiếm đoạt tài sản, tước quyền thừa kế của người khác hoặc giả mạo để thực hiện hợp đồng tặng cho, mua bán có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. 

Trường hợp này nếu có đủ cơ sở xác định bà Vân cố tình làm giả chữ ký hoặc giả bà Tho để ký hợp đồng tặng cho thì sẽ có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Văn phòng công chứng có vô can?

Vấn đề đặt ra là nếu các tài liệu trên là giả mạo thì trách nhiệm của văn phòng công chứng đến đâu. 

Theo luật sư Võ Đan Mạch, yếu tố tiên quyết để đặt ra vấn đề trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng khi công chứng hồ sơ, tài liệu giả mạo là phải chứng minh được lỗi do công chứng viên gây thiệt hại.

Trong vụ việc này, hành vi của công chứng viên không chứng kiến người yêu cầu công chứng ký tên, điểm chỉ vào văn bản công chứng của công chứng viên (đối với bà Tho), không giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng (ông Chiến) thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2, điều 14, nghị định 110/2013 sửa đổi bổ sung bởi nghị định 67/2015. 

Ngoài ra, trường hợp khi cơ quan có thẩm quyền chứng minh được công chứng viên biết giấy tờ giả, hành vi của người yêu cầu công chứng là trái pháp luật mà vẫn chứng thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 360 Bộ luật hình sự 2015.

Trường hợp nếu có căn cứ xác định công chứng viên có hành vi cấu kết, thông đồng với người yêu cầu công chứng và những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng, hồ sơ công chứng, đồng thời cơ quan chức năng xác định được mục đích, động cơ và tính vụ lợi, thì công chứng viên có thể sẽ bị xử lý ở vai trò đồng phạm giúp sức về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin từ Sở Tư pháp Bình Phước cho biết cơ quan này đã nhận được đơn tố cáo của ông Dương Văn Chiến về vụ việc vi phạm pháp luật nêu trên. Sở Tư pháp đang xem xét xử lý và chuyển đơn đến cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.

Được tặng tài sản, có phải thay cha thi hành án? Được tặng tài sản, có phải thay cha thi hành án?

TTO - Một bản án phải thi hành nhưng có ý kiến trái ngược nhau giữa các cấp tòa: Cha hay con (được cha tặng tài sản) phải thi hành án?

NHẤT NGUYÊN - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên