Một siêu thị mini được bày ra trên vỉa hè đường Lê Quang Định (quận BìnhThạnh) vào sáng 13-7 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Sáng 13-7, người dân tại quận Bình Thạnh bất ngờ khi thấy một siêu thị mini có khá đầy đủ các loại rau củ, thịt cá, trứng... được bày bán ngay bên vỉa hè của đường Lê Quang Định, gần chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh).
Đây là một trong bốn điểm bán hàng lưu động đầu tiên của siêu thị AEON đã được đồng loạt mở cửa vào sáng nay tại đường Lê Quang Định, đường Lý Thái Tổ, đường Cộng Hòa và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Bảng giá được niêm yết phía bờ tường, người dẫn dễ dàng xem giá, chọn hàng và thanh toán ở quầy thu ngân "dã chiến" đặt bên vỉa hè.
Ngay khi vừa mới xuống hàng, các sản phẩm được người dân mua sạch là hành lá và trứng. Nhiều người còn "đặt hàng" siêu thị ngày mai tăng cường thật nhiều cá và trứng.
Bảng giá niêm yết được dán trên bờ rào trường tiểu học - Ảnh: NGỌC HIỂN
Nhiều siêu thị tại TP.HCM cho biết đã tăng áp dụng mô hình bán hàng lưu động tại nhiều quận, huyện, đặc biệt ở khu vực phong tỏa. Tuy vậy, để mở rộng phạm vi áp dụng, nhiều đơn vị cho biết cần có sự hỗ trợ tích cực về điểm bán, nhân lực.
Ông Phan Đức Thông (khối vận hành siêu thị AEON) cho biết buổi sáng bán mở hàng này, siêu thị chở đến điểm bán lưu động hơn 40 mặt hàng, giá bán hàng lưu động tương đương với giá bán trong siêu thị và giá bán các sản phẩm online.
Mỗi ngày, điểm bán hàng lưu động sẽ mở cửa vào khoảng 8h30 đến 11h, trước mắt kéo dài cho đến hết thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Nhiều ngày qua, người dân tại 2 khu phong tỏa thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân đã không còn áp lực trong việc tìm mua thực phẩm thiết yếu khi có 2 điểm bán hàng lưu động của Bách Hóa Xanh xuất hiện tại đây.
Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết xuất phát từ sự kêu gọi của địa phương và hỗ trợ cho người dân gặp khó trong khu phong tỏa, đơn vị đã quyết định thực hiện mô hình này.
Theo đó, với khung giờ bán hàng khoảng từ 7h đến hơn 10h, hiện mỗi ngày đơn vị bán ra khoảng 700kg thực phẩm thiết yếu từ hàng tươi như thịt, cá, rau đến gạo, dầu ăn, đồ khô… cho khoảng hơn 300 cư dân tại hai điểm lưu động.
Mặt hàng cá biển được siêu thị đóng vỉ chở đến các điểm bán lưu động trong sáng 13-7 - Ảnh: N.BÌNH
Chọn mua thực phẩm tại đây, ông Hạnh - một người dân - cho biết do phong tỏa nhưng trong khu vực lại không có siêu thị nên người dân rất cần những điểm bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
"TP nên gia tăng điểm bán lưu động, đây là mô hình rất thiết thực vào thời điểm giãn cách, đi lại khó khăn", ông Hạnh nhấn mạnh.
Hàng khô, sản phẩm chế biến khá dồi dào tại các điểm bán lưu động - Ảnh: N.BÌNH
Ngoài 2 điểm bán hàng trên, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết đơn vị dự kiến mở thêm 2 điểm bán lưu động tại khu vực phong tỏa ở Q.7, và xem xét mở thêm nhiều điểm bán ở các quận huyện khác trong thời điểm TP áp dụng giãn cách.
Ngoài ra, đơn vị này cho biết sẽ kết hợp với Hội phụ nữ Q.Tân Bình áp dụng mô hình "đi chợ giùm" để hỗ trợ người dân. Theo đó, phiếu đăng ký mua hàng sẽ được siêu thị đưa cho chính quyền để phát cho người dân đăng ký, siêu thị sẽ gom đơn và giao hàng tại điểm cố định vào ngày hôm sau.
Theo đơn vị này, để đảm bảo an toàn, hiện những nhân viên bán hàng tại khu phong tỏa phải mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với khách hàng, thậm chí cư ngụ ngay tại điểm bán, xét nghiệm COVID-19 thường xuyên.
Điểm bán hàng lưu động trong khu phong tỏa tại phường An Lạc, quận Bình Tân của Bách Hóa Xanh đã hỗ trợ giải quyết kịp thời nhu cầu thiết yếu cho nhiều người dân - Ảnh: B.H.X
Tương tự, hệ thống Saigon Co.op cho biết vừa tổ chức 2 điểm bán lưu động tại Thủ Đức và Cần Giờ, và dự kiến sẽ tăng số lượng điểm bán.
Theo đơn vị này, điểm bán hàng lưu động được tổ chức với 5 ngành hàng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc và đồ dùng, trong đó chủ lực là thực phẩm tươi sống sẽ giúp người dân có nhiều lựa chọn.
Nhân viên bán hàng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ kín bưng khi bán hàng - ẢNH: B.H.X
Tuy vậy, theo nhiều doanh nghiệp, để mở rộng quy mô bán hàng lưu động cần sự hỗ trợ tích cực từ các địa phương trong việc tìm mặt bằng thông thoáng, hỗ trợ quản lý điểm bán, kêu gọi người dân giao nhận hàng, thậm chí chuyên chở giúp.
Trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động tại các khu đông dân cư như quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ… để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Thăm dò ý kiến
Nơi bạn đang sống, việc mua rau củ cùng hàng hóa thiết yếu có khó khăn không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận