11/04/2020 11:36 GMT+7

Bất ngờ đằng sau 'kiềng bốn chân' và 'độ Richter'

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Không có ý định đề cập đến mô hình VACR, một phần bài viết này nhằm trả lời câu hỏi kiềng bốn chân có vững hơn kiềng ba chân.

Bất ngờ đằng sau kiềng bốn chân và độ Richter - Ảnh 1.

Giá ba chân bằng sắt rèn (thế kỷ 16) - Ảnh: Meubliz

Một tờ báo phát hành vào tháng 3-2020 có đăng bài Kiềng 4 chân và chuyện nông thôn mới nâng cao. Trong bài báo này, tác giả ví von mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) như kiềng bốn chân, giúp nhà nông đứng vững trước những bất thường của thị trường.

Không có ý định đề cập đến mô hình VACR, một phần bài viết này nhằm trả lời câu hỏi kiềng bốn chân có vững hơn kiềng ba chân.

Ai thêm chân?

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, danh từ "kiềng" có hai nghĩa. Với nghĩa thứ nhất, "kiềng" là "đồ dùng bằng sắt hình vòng cung có ba chân, dùng để đặt nồi lên khi nấu" mà hai ví dụ kèm theo là "bếp kiềng" và "vững như kiềng ba chân".

Với nghĩa thứ hai, "kiềng" là "vật trang sức hình vòng tròn, thường bằng vàng hay bạc, phụ nữ hoặc trẻ em dùng đeo ở cổ".

Nhưng vì sao kiềng ba chân lại vững và kiềng bốn chân có vững hơn kiềng ba chân không? Câu trả lời có liên quan đến toán học. Trang 46 sách Hình học 11 hiện hành có trình bày tính chất sau:

Có một và chỉ một mặt phẳng đi qua ba điểm không thẳng hàng. Đối với kiềng ba chân, ba đỉnh của chân kiềng đóng vai trò ba điểm không thẳng hàng. Khi đặt lên bất cứ địa hình nào, kiềng ba chân vẫn không bị gập ghềnh vì ba chân của nó luôn nằm trên một mặt phẳng.

Tương tự, ta có thể giải thích vì sao giá ba chân của nhiều thiết bị (máy chụp ảnh, máy quay phim, máy trắc địa...) luôn đứng vững trên mọi địa hình. Ngược lại, cái bàn bốn chân lại bị gập ghềnh khi đặt trên một sàn nhà không hoàn toàn phẳng.

Như vậy, "kiềng" (theo nghĩa thứ nhất của Từ điển tiếng Việt) luôn được mặc định là có ba chân. Cách viết "kiềng bốn chân" tự nó đã không ổn nếu xét theo nghĩa này. Hơn nữa, "kiềng bốn chân" (hiểu theo nghĩa bếp kiềng có bốn chân) lại không hề vững hơn kiềng ba chân.

Bài báo trên không phải là trường hợp duy nhất sử dụng cụm từ "kiềng bốn chân". Vẫn có người nghĩ rằng thêm chân vào sẽ làm kiềng vững hơn. Thật vậy, việc tìm kiếm bằng Google với từ khóa "kiềng bốn chân" cho ta 683 kết quả trong 0,28 giây.

Không có cái gọi là "độ Richter"

Ngày nay, động đất được đo bằng hai loại thang địa chấn: thang đo độ lớn (magnitude) năng lượng giải phóng bởi đứt vỡ, thang đo cường độ (intensity) rung động mặt đất tại một vị trí.

Trong các thang đo độ lớn từng được sử dụng có thang Richter và thang độ lớn mômen. Dù tính theo công thức nào, độ lớn năng lượng giải phóng trong trận động đất luôn là một giá trị duy nhất.

Thang Richter được Charles Francis Richter (1900-1985) đề xuất vào năm 1935, dùng cho các trận động đất ở California hoặc những trận động đất có độ lớn nhỏ hơn 6,8. Thang Richter gồm các giá trị từ 0 đến 9 (không có đơn vị như chúng ta hay gọi nhầm là "độ Richter").

Ngày nay, các nhà khoa học ít dùng thang Richter. Trong khi ấy, thang độ lớn mômen được xây dựng vào năm 1977, hoàn thiện vào năm 1979 và vẫn được sử dụng đến ngày nay.

Các thang đo cường độ được xây dựng dựa trên các tác động quan sát được, nhất là các thiệt hại về nhân mạng và công trình xây dựng. Nếu độ lớn năng lượng giải phóng trong trận động đất là một giá trị không đổi, thì cường độ rung động mặt đất lại thay đổi theo địa điểm.

Chấn tiêu (hypocenter) càng sâu và khoảng cách từ địa điểm đang xét đến chấn tâm (epicenter) càng lớn thì cường độ rung động càng nhỏ.

Chúng ta thường nhầm lẫn thang đo độ lớn với thang đo cường độ và nhầm thang độ lớn mômen với thang Richter. Chẳng hạn, trận động đất ngày

4-12-2019 tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có độ lớn 2,7 nhưng một số báo đưa tin là "có cường độ 2,7 độ Richter". Ở đây, 2,7 là giá trị của độ lớn chứ không phải của cường độ. Hơn nữa, độ lớn ở đây được đo theo thang độ lớn mômen, chứ không phải theo thang Richter. Cuối cùng, không có cái gọi là "độ Richter".

Một trận động đất có độ lớn mômen cao không nhất thiết phải có cường độ lớn (tức gây thiệt hại lớn).

Chẳng hạn, trận động đất ngày 12-8-2010 tại Ecuador có độ lớn mômen 7,1 nhưng hầu như không gây thiệt hại vì chấn tiêu ở độ sâu 211km.

Trong khi ấy, trận động đất ngày 4-9-2010 ở New Zealand có độ lớn mômen 7,0 nhưng gây tổn thất hơn 2 tỉ NZD vì chấn tiêu ở độ sâu 5km.

Từ Vịt Gò Vấp đến sâm nhung bổ thận trung ương 3 Từ Vịt Gò Vấp đến sâm nhung bổ thận trung ương 3

TTO - Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ tiến triển chóng mặt, thế giới thay đổi từng giờ và vấn đề viết tắt ở nước ta là câu chuyện dài, khó mà nói hết.

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên