26/02/2012 20:28 GMT+7

"Bắt nạt" công nghệ cao

THS TRẦN THỊ NGỌC DUNG(nghiên cứu sinh Đại học Northumbria)
THS TRẦN THỊ NGỌC DUNG(nghiên cứu sinh Đại học Northumbria)

TTCT - * Một góc nhìn nhân câu chuyện thí sinh một chương trình truyền hình thực tế bị cộng đồng mạng công kích gay gắt thời gian qua.

JIy0CMA6.jpgPhóng to
Natasha McBryde (15 tuổi) tự vẫn vì không thể đương đầu với những giễu cợt và tin đồn ác ý trên mạng - Ảnh: dailymail.co.uk

Facebook, YouTube hay các trang mạng xã hội được xem là nơi để chia sẻ thông tin và kết nối bạn bè. Thiết kế trên các trang mạng ngày nay cho phép người đọc và người sử dụng chúng thể hiện cảm xúc tức thời của mình sau khi xem hình ảnh hay thông tin bằng cách đưa ra nhận xét cá nhân hoặc chỉ đơn giản là nhấn nút like hay dislike để thể hiện cảm xúc.

Tuy nhiên, trong một giới hạn nào đó, những nhận xét ấy trở nên quá khắc nghiệt, thậm chí cay độc, có thể làm suy sụp tinh thần của người tiếp nhận.

Hiện tượng Jessi Slaughter

Bi kịch của cô bé 11 tuổi Jessi Slaughter (nickname) bắt đầu khi em bày tỏ việc không thích một ngôi sao trên diễn đàn của ngôi sao này. Với phát biểu đó, em bắt đầu nhận được những phản đối trên một trang mạng tuổi teen. Đáp trả lại, vài ngày sau Jessi đưa đoạn clip với ý định khiêu khích: “Nếu mọi người ghét tôi, chứng tỏ mọi người ghen tị với tôi. Tôi đẹp, tôi có nhiều bạn...”.

Đoạn video clip thật sự gây nên làn sóng giận dữ. Thông tin cá nhân của Jessi (bao gồm số điện thoại, nhà riêng, email, tên trường, lớp) bị hack, được phát tán trên mạng. Những người không thích cô bé đã gửi thư đe dọa, thậm chí họ còn đặt giao pizza đến tận nhà mỗi ngày cùng với lời cảnh cáo sẽ làm hại cô bé bất cứ lúc nào.

Tinh thần Jessi bắt đầu suy sụp, vài ngày sau đoạn YouTube khác được đưa lên với hình ảnh một Jessi nước mắt đầm đìa, và cha cô bé lớn tiếng cảnh cáo những người đang đe dọa con mình. Điều đó dường như càng kích động những người ác ý khi tiếp tục tạo ra một clip khác với tin đồn cha cô bé đã chết vì đột quỵ.

Cả thế giới bắt đầu đặt câu hỏi vì sao trong thế giới thực, chẳng ai nỡ làm một đứa bé 11 tuổi phải khóc nhưng trên thế giới ảo, người lớn lại đưa ra những nhận xét có thể hủy hoại tương lai của đứa trẻ này.

Một trường hợp khác tương tự được nhắc đến là chuyện Natasha McBryde, 15 tuổi, tự vẫn vì không thể đương đầu được với những giễu cợt và tin đồn ác ý trên mạng về sự chia tay của cha mẹ mình trong một thời gian dài, hay bản án tù 18 tuần dành cho Sean Duffy khi không ngừng tạo ra những hình ảnh và nhận xét với từ ngữ dơ bẩn nhằm tiếp tục tạo ra tin đồn xấu về cái chết của Natasha gây sự phẫn nộ trong xã hội...

Lợi dụng công nghệ như Internet hay tin nhắn để đưa những tin đồn ác ý, lan truyền bí mật về đời tư khi chưa được phép, hay tạo dư luận phẫn nộ trong cộng đồng bằng những nhận xét xúc phạm, đe dọa, hoặc việc hack vào tài khoản online của cá nhân để đưa những thông tin làm hại đến uy tín và danh dự của người khác, cũng như quấy nhiễu bằng thư nặc danh liên tục và cô lập một người trên cộng đồng mạng được gọi là hình thức “bắt nạt” công nghệ cao.

(theo nhà nghiên cứu Li (2007), giảng viên Đại học Calgary, Canada, tác giả của các nghiên cứu về những trải nghiệm của giới trẻ khi tương tác trong thế giới ảo và hiện tượng sử dụng công nghệ tin học để trấn áp tinh thần đối phương)

Những dẫn chứng trên cho thấy ngày nay xu hướng sử dụng công nghệ cao để khiêu khích hay xúc phạm người khác đang trở thành trào lưu. Với tính năng của mạng xã hội, thông tin được chia sẻ một cách nhanh chóng, tin đồn dù không có thật cũng có thể được cho là sự thật.

Tại Mỹ, Anh, Úc và ngay cả Trung Quốc, các nghiên cứu cho thấy từ 10-55% bạn trẻ (13-20 tuổi) từng là nạn nhân thường xuyên của việc nói xấu, hay bị xúc phạm nghiêm trọng khi tham gia các trang mạng xã hội, một phần ba trong số này từng trải qua những cảm giác lo sợ, xấu hổ và phẫn nộ.

Giải pháp cho những “nạn nhân” của mạng xã hội

Các nước phương Tây bắt đầu tranh luận về hình phạt dành cho những người sử dụng mạng xã hội để đả kích hay xúc phạm người khác. Tuy nhiên, việc quản lý các trang mạng xã hội ngày nay không phải là điều đơn giản khi công ty điều hành trang mạng ở một nước, hệ thống server của nó lại nằm ở nước khác.

Điều đó có nghĩa là chính người tham gia các trang mạng xã hội cần phải tự bảo vệ mình bằng những kiến thức về tính riêng tư và bảo mật thông tin, chẳng hạn như không chấp nhận lời mời kết bạn và chia sẻ thông tin cá nhân của mình cho một người xa lạ. Song song đó, văn hóa đưa ra những nhận xét trên mạng cần được lên tiếng.

Không ai thích bị người khác bàn tán về những vấn đề riêng tư của mình, vì thế bạn trẻ cần ý thức hơn về việc bảo vệ thông tin cá nhân bằng việc đặt giới hạn cho trang mạng của mình. Hơn nữa, vì mục đích chính của các trang mạng xã hội là giúp người sử dụng kết nối với bạn bè và xây dựng các mối quan hệ, bạn trẻ cần cân nhắc hơn khi bộc lộ những quan điểm mà có thể ảnh hưởng xấu đến chính hình ảnh của mình và mối quan hệ trong tương lai.

Thực tế, khi trở thành đối tượng đả kích trên mạng, bạn trẻ hiếm khi nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ, một phần vì không muốn cha mẹ lo lắng, phần khác vì lo sợ sẽ không được sử dụng Internet nữa. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng bạn là cô bé Jessi Slaughter, những đả kích hay xúc phạm về đoạn clip của em kéo dài suốt hai năm, việc bỏ phí sự bình yên và thời gian để đáp trả lại những công kích là điều không đáng.

Các nghiên cứu còn chỉ ra khi gặp khó khăn tâm lý, bạn trẻ có thể tiêu phí thời gian cho các trang mạng xã hội nhiều hơn bốn lần bình thường. Bình phẩm thô tục về người gây nỗi bực bội cho mình, rồi mong chờ những ý kiến ủng hộ được xem là chiến thuật giải quyết căng thẳng thông qua điều chỉnh cảm xúc, dù thật sự không giải quyết ngọn rễ của vấn đề.

Vì thế, trước khi chờ đợi giải pháp cụ thể từ các nhà quản lý, có lẽ người trong cuộc - những nạn nhân của các tin đồn ác ý trên thế giới mạng - cần chuẩn bị cho mình một số giải pháp để tự vệ, bao gồm:

- Hãy can đảm nói chuyện với cha mẹ hay người bạn tin tưởng.

- Ngừng tham gia những trang mạng có những người công kích bạn. Điều này bao gồm cả việc đóng tài khoản của bạn trên trang mạng xã hội như Facebook hay forum của trường, cộng đồng.

__________

Tài liệu tham khảo:

http://www.channel4.com/news/dead-teenagers-memorial-website-bully-jailedhttp://www.dailymail.co.uk/news/article-1359688/Natasha-MacBryde-escape-Facebook-bullies-death.html

THS TRẦN THỊ NGỌC DUNG(nghiên cứu sinh Đại học Northumbria)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên