![]() |
Quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật thuế trong học đường năm 2013” - Ảnh: P.S.N. |
Sở GD-ĐT Khánh Hòa đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phải chủ trì công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin về cuộc thi này trong hệ thống trường học, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh; xét chọn và chỉ đạo chín trường THPT lập các đội học sinh dự thi; tổ chức ôn luyện nội dung thi, dàn dựng các màn để quay phim truyền hình... Các công việc chuẩn bị, thi thố được triển khai thực hiện kéo dài trong thời gian gần bằng một học kỳ, từ nay đến hết năm 2013.
Hơn cả giáo trình chuyên ngành ở bậc ĐH
Nội dung cuộc thi kể trên là tìm hiểu về các chính sách pháp luật thuế chủ yếu, hiện hành trong 13 luật thuế. Cụ thể là Luật quản lý thuế, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và các luật sửa đổi, bổ sung của bốn luật thuế vừa nêu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế tài nguyên, Luật thuế bảo vệ môi trường, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp... Theo một số nhà giáo và phụ huynh thì đó là một khối lượng tài liệu, thông tin và “rừng” kiến thức thuế quá “đồ sộ”, có khi còn hơn cả giáo trình chuyên ngành ở bậc ĐH. Học sinh muốn thi thì đương nhiên phải đọc, phải học, phải nắm và hiểu rõ ít nhất về các chính sách pháp luật nằm trong 13 luật thuế đã nêu mới có thể trả lời được bộ câu hỏi gần 500 câu mà Cục Thuế biên soạn đưa ra. Với trình độ, kiến thức được giảng dạy cho học sinh đang học các lớp cấp III, liệu học sinh có hiểu được hết các từ ngữ, thuật ngữ pháp lý, chuyên ngành về thuế... để đọc, để ôn và thi không?
Trong khi đó, theo một cán bộ giáo dục ở tỉnh, tất cả nội dung chương trình giảng dạy từng cấp, từng khối lớp; thời gian giảng dạy, khối lượng kiến thức mà thầy cô phải truyền đạt và học sinh phải học qua từng tiết, từng bài học của chương trình, theo sách giáo khoa... đều đã được Bộ GD-ĐT quy định, ban hành rất cụ thể, chặt chẽ và đó đều là quy định “pháp lệnh”. Ngay cả nội dung thi tốt nghiệp THPT của học sinh cũng được quy định chỉ nằm trong chương trình đã được giảng dạy theo quy định. Vậy thì việc “đẩy” thêm một cuộc thi nữa với nội dung như một “rừng” luật thuế ấy vào các trường THPT, cho học sinh cấp III ở Khánh Hòa như đã kể trên liệu có nhồi nhét quá sức học sinh và thêm gánh nặng trong việc giảng dạy của các thầy cô và nhà trường hay không?
Có cần học “Chiến lược cải cách hệ thống thuế”
Mặt khác, theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa, mục đích yêu cầu của cuộc thi kể trên là “tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật... trong lĩnh vực thuế, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật thuế của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, người nộp thuế và toàn thể nhân dân trong tỉnh”. Trong khi đó học sinh THPT đều là người chưa thành niên, các em còn đang được cha mẹ chu cấp, nuôi ăn để lo học nên chưa thể là người có quyết định liên quan đến thuế má, đến chuyện nộp thuế hay trốn thuế ngay trong từng nhà. Do đó có phụ huynh băn khoăn vậy thì liệu các em học sinh có phải là đối tượng chính, cần “ưu tiên” phải học để tham gia về “Chiến lược cải cách hệ thống thuế”? Còn nếu như coi việc giao cho ngành giáo dục chỉ đạo các trường phải tổ chức cho học sinh ôn luyện, tham gia một cuộc thi như thế là thực hiện “nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật trong lĩnh vực thuế” thì liệu có phải đã là “đẩy” cho nhà trường cùng các thầy cô và học sinh đi làm thay công việc của ngành thuế hay không? Bởi việc tuyên truyền đó là một trong những nhiệm vụ chính của cán bộ, nhân viên trong ngành thuế ở các cấp, các địa phương. Có người đặt vấn đề tại sao không dành cuộc thi với nội dung tìm hiểu về các luật thuế ấy cho chính cán bộ, nhân viên ngành thuế ở các đội thuế từ cấp xã, phường trở lên, để họ ôn luyện, thực hiện tuyên truyền và hành thu theo đúng pháp luật, tránh tình trạng có thể để thất thu hoặc lạm thu của dân?
Theo một cán bộ giáo dục ở Khánh Hòa, cuộc thi về Luật thuế như trên chỉ là một trong rất nhiều hoạt động theo kiểu “phong trào, tạo thành tích” nằm ngoài chương trình giảng dạy của bộ đã ban hành nhưng vẫn cứ “đẩy” cho ngành giáo dục, “nhét” vào các trường để huy động thầy cô, học sinh thực hiện, tham gia. Trong khi đó, nội dung chương trình giảng dạy, học tập ở các cấp phổ thông đã được nhìn nhận là nặng nề, đang bị cả thầy cô, phụ huynh, học sinh và xã hội phàn nàn, kêu ca...
* Ông NGUYỄN XUÂN DŨNG (cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa): Giúp học sinh hiểu biết thêm về thuế Trưa 22-9, Tuổi Trẻ đã liên lạc với ông Nguyễn Xuân Dũng - cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa, để nêu những băn khoăn liên quan đến cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật thuế trong học đường năm 2013” của tỉnh. Qua điện thoại, ông Dũng cho biết “Đây là lần đầu tiên cuộc thi tìm hiểu về Luật thuế được tổ chức trong các trường học ở Khánh Hòa. Khi làm chúng tôi đã có kinh nghiệm rồi, các tỉnh ở miền Bắc đã làm từ nhiều năm qua. Năm ngoái chúng tôi đã tổ chức thi trong các doanh nghiệp, các năm tới sẽ tiếp tục tổ chức thi tìm hiểu về thuế dành cho nhiều đối tượng khác như phụ nữ, cựu chiến binh... Còn các cán bộ thuế thì đương nhiên phải nắm rõ các luật lệ thuế chứ để phải tổ chức thi thì nói gì nữa. Mục đích thi là nhằm giúp nhiều đối tượng, nhiều thành phần nắm được rồi tuyên truyền cho cả xã hội cùng hiểu biết về chính sách, pháp luật về thuế. Trong đó học sinh cũng là một đối tượng tham gia để cho thêm phong phú và giúp các cháu hiểu biết thêm những nội dung cơ bản nhất về quy định, chính sách thuế. Khi thi nhiều học sinh khác sẽ tham gia cổ vũ và cuộc thi tìm hiểu về thuế sẽ là một sân chơi bổ ích, rất thích thú đối với nhiều học sinh, sinh viên. Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ các câu hỏi và đáp án, sắp tới sẽ xuống chín trường có đội dự thi để thông tin, hướng dẫn kỹ cho các cháu. Nội dung câu hỏi cũng chỉ chọn lọc những nội dung cơ bản, quan trọng nhất trong những luật thuế đã đưa ra trong cuộc thi cho học sinh thôi, chứ còn các quy định chi tiết, lắt léo trong các nghị định, văn bản hướng dẫn dưới luật thì không đưa vào cho học sinh. Một luật thuế có đến mấy chục chương, hàng trăm điều, quả thật nếu mà học và nắm cho được hết các luật thuế ấy thì có khi mất cả tháng trời cũng chưa dễ nắm hết... Ở nước Nhật người ta đưa nội dung về thuế vào dạy cho học sinh từ cấp tiểu học, qua đó để học sinh hiểu biết về thuế; hiểu vì sao cha mẹ các cháu phải nộp thuế và trường học cũng như nhiều khoản đầu tư khác cho giáo dục là đều được xây dựng, đầu tư từ chính tiền thuế do cha mẹ các cháu đã nộp...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận