Một con đồi mồi đã chết bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ - Ảnh: N.V.
TAND tỉnh Cà Mau chuẩn bị mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm" đối với hai bị cáo Lê Văn Toàn (48 tuổi) và Nguyễn Thị Dưa (50 tuổi, cùng ngụ tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Trong suốt quá trình diễn ra vụ án, cả hai bị cáo nhất mực khai việc mổ bụng 12 con đồi mồi (rùa biển) là để đưa về đất liền thờ cúng theo phong tục tập quán của địa phương, nhưng các cơ quan tố tụng cho rằng việc làm này là không được phép, cần xử lý hình sự.
Vô tư mổ bụng rùa biển đưa về đất liền
Ông Lê Văn Toàn là thuyền trưởng tàu TG 945... do bà Nguyễn Thị Dưa trực tiếp quản lý. Tháng 4-2018, ông Toàn cùng 7 ngư dân đánh bắt trên vùng biển từ tỉnh Tiền Giang đến Cà Mau.
Sau khi đánh bắt được hơn 1 tấn cá các loại, ông Toàn gọi bộ đàm cho anh Trần Ngọc Triệu (trú tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) - người mua hải sản tươi sống ở ngoài biển - để nhờ gửi cá vào đất liền.
Sau đó, ông Toàn tiếp tục thả lưới đến rạng sáng hôm sau và dính 15 con đồi mồi. Trong đó có 12 con đã chết, 3 con còn sống nên ông Toàn đã thả lại biển. Với 12 con đồi mồi chết, ông Toàn cho mổ bụng, bỏ nội tạng rồi ướp đá.
Tối 28-4-2018, tàu của ông Toàn gặp tàu của anh Triệu tại tọa độ đã hẹn trước. Lúc này, ông Toàn cho chuyển khoảng 1 tấn cá và 12 con đồi mồi qua tàu của anh Triệu để gửi vào bờ.
Việc ông Toàn chuyển đồi mồi qua tàu, anh Triệu không hề hay biết. Chiều 30-4-2018, tàu vào đất liền, bà Nguyễn Thị Dưa thuê xe đến cảng cá thị trấn Rạch Gốc để nhận cá.
Trong lúc các công nhân bốc xếp vận chuyển cá từ tàu lên xe tải, bà Dưa phát hiện 12 bao tải màu xanh nhưng không biết trong đó có gì nên kêu công nhân để riêng ra một chỗ.
Sau khi chuyển cá lên xe tải xong, bà Dưa kêu người mở các bao tải màu xanh ra mới phát hiện bên trong là 12 con đồi mồi. Lúc này có rất đông người hiếu kỳ kéo đến xem và chụp hình nhưng bà Dưa không biết đây là động vật quý hiếm nên cho bỏ lại vào bao rồi chuyển lên xe tải.
Khi xe tải đang đậu ở cảng cá để lấy nước đá thì bị Đồn biên phòng Rạch Gốc đến kiểm tra, phát hiện số đồi mồi trên nên lập biên bản tạm giữ. Vụ việc sau đó được chuyển đến Cơ quan điều tra Công an huyện Ngọc Hiển để xử lý.
Kết luận giám định cho thấy 12 mẫu vật trên là đồi mồi. Đây là loài động vật nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ theo quy định.
Ông Toàn bị truy tố, xét xử sau khi bắt đồi mồi - Ảnh: T.L
Biết hay không biết, đều phải lãnh án tù
Tháng 2-2020, TAND huyện Ngọc Hiển đã tuyên phạt bị cáo Toàn 3 năm tù, bị cáo Dưa 2 năm 6 tháng tù. Trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, cả hai bị cáo Toàn và Dưa đều khai không biết đồi mồi thuộc loại động vật nguy cấp, quý hiếm...
Theo lời bị cáo Toàn, sau khi bắt 15 con đồi mồi, bị cáo đã thắp nhang khấn vái rồi thả 3 con còn sống xuống biển.
Riêng 12 con chết, do sợ bị thối nên ông cho mổ bụng với mục đích gửi về đất liền chôn cất, thờ cúng theo tâm linh của địa phương. Tuy nhiên, lời khai này của ông Toàn đã không được tòa chấp thuận.
Trên thực tế, có rất nhiều ngư dân đã phải lãnh án tù do đánh bắt phải các loài động vật có trong danh mục nguy cấp, quý hiếm. Có nhiều vụ án, ngư dân khai không biết đây là các loài động vật bị cấm đánh bắt.
Từng bảo vệ cho nhiều thân chủ là ngư dân, truyền trưởng trong các vụ án, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết thực tế nhiều ngư dân, lái tàu đi làm thuê nên không hiểu hết các quy định pháp luật liên quan đến công việc của mình. Chỉ có số ít chủ tàu, thuyền trưởng có điều kiện, có kiến thức thì am hiểu.
"Tôi từng ngạc nhiên khi nhiều bị cáo là ngư dân lúc ra tòa, đối diện với án tù mà trả lời rất... hồn nhiên. Họ hồn nhiên vì không hiểu biết thật chứ không phải giả vờ không biết.
Ở các địa phương, đặc biệt là các vùng miền biển nghèo, người dân hoàn toàn không được tuyên truyền các kiến thức liên quan đến đánh bắt các loài động vật quý hiếm. Trong khi đây đều là các kiến thức cơ bản, quan trọng để họ có thể tự bảo vệ mình" - ông Hà Hải nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Điện - phó chính chủ Lăng Ông Nam Hải, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang - cho biết lăng ông tuy không ban hành thành văn bản pháp lý nhưng thuyền chủ, tài công, ngư dân... đều thực hiện lời truyền đạt của hội rất nghiêm túc: tất cả tàu thuyền đánh bắt trên biển nếu chẳng may dính phải các loài động vật tâm linh như cá ông, rùa biển... mà vật thể còn khỏe thì phải khấn nguyện thả đi, chẳng may vật chết thì phải đem vào bờ và báo cho hội lăng ông để tổ chức nghi lễ đám tang, thờ cúng, chôn cất rồi làm lễ xả tang như cúng người thân.
Ông Điện thừa nhận ở địa phương, dân đi biển ai cũng biết nếu thuyền mà gặp các "ông" như cá ông, rùa... thì rất xui xẻo và phải nghèo đến mấy năm. Lý do vì nhiều người đã gặp trường hợp như vậy và không gặp may mắn trong công việc.
Tuy nhiên, với quy định bắt được các "ông" này phải đi tù thì người dân địa phương không biết, cũng không được nhắc nhở và cũng chưa ai từng gặp phải.
Cần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân
Theo luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn luật sư TP.HCM), có rất nhiều vụ án bị cáo là ngư dân, thuyền trưởng khai không biết các loài vật mà mình đánh bắt được là động vật quý hiếm. Trên thực tế, khi bắt được hành vi vận chuyển động vật, cơ quan chức năng đều phải đưa đi giám định thì sau đó mới kết luận đó là loài gì, họ gì, có thuộc danh mục động vật quý hiếm hay không.
Một vấn đề đặt ra nữa là các cơ quan tố tụng thường cáo buộc ngư dân vận chuyển động vật quý hiếm không có phép.
Vậy việc xin phép vận chuyển ở đâu? Tiền lệ đã có ai xin phép vận chuyển chưa? Nếu vô tình bắt được động vật quý hiếm giữa biển thì phải xử lý như thế nào mới đúng quy định?
Tôi nghĩ tất cả các câu hỏi và giả thiết này phải được tuyên truyền sâu rộng cho người dân, đặc biệt là những người dân vùng biển sống bằng nghề đánh bắt cá. Việc phổ cập, tuyên truyền các quy định về động vật quý hiếm cần được bảo vệ cho họ là hết sức cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận