21/12/2018 17:23 GMT+7

Bất đồng ý kiến về lối ra vào đầm Lăng Cô

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Người dân ở tổ dân phố An Cư Đông 2 (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã tố Công ty CP đầu tư Đèo Cả chặn lối ghe thuyền ra vào đầm Lăng Cô khi thi công cầu đường bộ hầm Hải Vân 2.

Người dân tố đơn vị thi công cầu đường bộ hầm Hải Vân 2 chắn lối đi của thuyền, ghe vào đầm Lăng Cô - VIDEO: NHẬT LINH

Ngày 21-12, Tuổi Trẻ Online nhận được phản ánh của người dân ở tổ dân phố An Cư Đông 2 (thị trấn Lăng Cô) về việc họ bị chặn lối đi của ghe thuyền vào đầm Lăng Cô.

Theo đó khi thi công cầu đường bộ hầm Hải Vân 2, Công ty CP đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án) đã điều 4 xà lan cỡ lớn chở vật liệu, công cụ thi công cầu đến khu vực sát khu dân cư của người dân ở đây. 

Để công nhân di chuyển thuận lợi, đơn vị thi công đã bắc hệ thống cầu tạm bằng sắt từ đất liền nối ra khu vực của những chiếc xà lan này.

Những chiếc cầu này cách mặt nước khoảng nửa mét, được hàn nối kiên cố. Theo người dân địa phương, do cầu tạm đặt quá sát mặt nước khiến thuyền lớn không thể chui lòn qua để vào đầm Lăng Cô được. 

Bất đồng ý kiến về lối ra vào đầm Lăng Cô - Ảnh 2.

Cầu tạm bắc từ bờ ra xà lan thi công cầu đường bộ Hải Vân 2 bị người dân tố đã chặn lối đi của thuyền, ghe ra đầm Lăng Cô - Ảnh: NHẬT LINH

Có khoảng 15 hộ dân với hơn 20 chiếc thuyền, ghe ở tổ dân phố An Cư Đông 2 bị ảnh hưởng do việc dựng cầu tạm này.

Ông Lê Văn Thùy (48 tuổi, trú tổ dân phố An Cư Đông 2), cho biết gia đình ông có 1 thuyền và 2 ghe nhỏ thường xuyên đánh bắt cá tôm trên đầm Lăng Cô.

Tuy nhiên kể từ khi đơn vị thi công xây cầu tạm chắn ngang lối ra mặt đầm hơn 1 tháng nay, gia đình ông gần như mất nguồn thu nhập từ việc đánh bắt ở đầm.

"Khi nước xuống thấp thì ghe nhỏ còn có thể lòn qua để vô đầm được. Nhưng nếu ghe nào mà về trễ, nước triều dâng lên cao thì không thể trở về bến đậu như cũ. Đó chưa kể vào thời gian mưa lũ, nước biển dâng thì ghe nhỏ cũng như thuyền to đều phải nằm bờ" - ông Thùy nói.

Bất đồng ý kiến về lối ra vào đầm Lăng Cô - Ảnh 3.

Người dân ở tổ dân phố An Cư Đông 2 (thị trấn Lăng Cô) nói rằng nhiều thuyền, ghe của họ đã phải nằm bờ cả tháng nay vì chiếc cầu tạm này - Ảnh: NHẬT LINH

Còn ông Phạm Văn Tỵ (trú tổ dân phố An Cư Đông 2), cho biết người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền và đơn vị thi công yêu cầu nâng cầu cao lên để thuyền ghe có thể ra vào đầm nhưng vẫn không được giải quyết.

Ông Dương Đăng Trung, chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, nói rằng bãi đỗ ghe, thuyền của người dân ở khu vực tổ dân phố trên là bãi tự phát, do "gần nhà của người dân nên họ hay đỗ thuyền ghe ở đó cho tiện".

Trước khi thi công cầu đường bộ hầm Hải Vân 2, UBND thị trấn Lăng Cô đã nhiều lần đối thoại với các hộ dân ở đây để giải quyết vấn đề này. 

"Tuy nhiên bà con yêu cầu phải đền bù thỏa đáng mới chịu di chuyển nơi đậu ghe thuyền. Mà việc di chuyển ghe thuyền đến chỗ đậu khác làm gì có chính sách nào để hỗ trợ" - ông Trung nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một đại diện của Ban quản lý dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 (thuộc Công ty CP đầu tư Đèo Cả), cho biết phía ban chưa nhận được bất kỳ thông tin nào phản ánh việc người dân gặp bất lợi trong việc di chuyển do thi công cầu đường bộ hầm Hải Vân 2.

"Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay việc này để có cách giải quyết thỏa đáng" - vị đại diện này nói.

Dân tố lãnh đạo xã Dân tố lãnh đạo xã 'ép' trả lại tiền hỗ trợ sự cố môi trường biển

TTO - Người dân ở xã Phú Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tố lãnh đạo xã này “ép” họ trả lại số tiền được nhận sau sự cố môi trường biển nếu không sẽ không được giải quyết các thủ tục hành chính.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên