12/06/2024 17:00 GMT+7

Bảo vệ trẻ em trên mạng, trách nhiệm của mọi người lớn

Để bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, cần sự chung tay từ các bậc cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo, doanh nghiệp công nghệ, nền tảng dịch vụ mạng, cơ quan chức năng.

Cha mẹ đồng hành cùng con lên mạng - Ảnh: Minh Thư

Cha mẹ đồng hành cùng con lên mạng - Ảnh: Minh Thư

Trong một nghiên cứu toàn cầu do hãng bảo mật Kaspersky thực hiện dựa trên ý kiến của gần 9.000 phụ huynh có con từ 7 đến 12 tuổi, 58% phụ huynh thừa nhận đã dành tổng cộng chưa đến 30 phút trong suốt thời thơ ấu của con mình để nói về an toàn trên Internet.

Cha mẹ phải thay đổi đặc biệt

Theo nhiều chuyên gia, trước tiên chính các bậc cha mẹ cần phải nâng chất kiến thức về an toàn trên mạng của mình, không ngừng cập nhật thông tin mới, để kịp thời nắm bắt những xu hướng an ninh mạng có thể xảy ra với con em mình.

Tiếp đó, cha mẹ phải dành thời gian để tìm hiểu thêm về sở thích và thói quen trực tuyến của trẻ. Tìm hiểu các xu hướng, trò chơi và các kênh mới nổi để hiểu chúng có thể ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động trực tuyến của trẻ.

Cuối cùng, cha mẹ phải là người hướng dẫn trẻ cách chặn và báo cáo khi chúng nhìn thấy hoặc trải nghiệm vấn đề gì đó trên mạng. Điều này giúp tạo ra các thói quen trực tuyến tích cực và trao quyền cho con trẻ cảm nhận khả năng kiểm soát.

"Người lớn" phải chung tay

Bà Nguyễn Phương Linh, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), thành viên Hội đồng TikTok Safety Council khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: "Thế hệ trẻ ở Việt Nam lớn lên với 'bầu sữa công nghệ', tiếp cận Internet sớm, trong khi các bậc phụ huynh khi trưởng thành mới bắt đầu tiếp cận. Do đó có những rủi ro cha mẹ không thể kiểm soát và định hướng cho con cái".

Bà Nguyễn Phương Linh, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), thành viên Hội đồng TikTok Safety Council khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Bà Nguyễn Phương Linh, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), thành viên Hội đồng TikTok Safety Council khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Do đó, bên cạnh cha mẹ, sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ, nền tảng dịch vụ mạng, cơ quan quản lý là vô cùng cần thiết để hình thành nên bàn tay "thép" bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Ông Ngô Tuấn Anh, phó chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA), chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em trên mạng (VCSC), cho rằng: "Trước tiên, chúng ta phải có hành lang pháp lý quy định các chế tài để bảo vệ trẻ em, ví dụ như hiện nay chúng ta đã có định nghĩa thế nào là trẻ em, nên có thêm cả thế nào là thông tin phù hợp, thông tin xấu độc và chúng ta cũng phải có các quy định liên quan đến chuyện phân loại thông tin, dữ liệu, cái nào sẽ phù hợp với lứa tuổi nào", ông Tuấn Anh chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia công nghệ, công tác bảo vệ trẻ em cần tập trung vào ba định hướng chính: Triển khai các hoạt động thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; Triển khai hệ thống hỗ trợ ngăn chặn, đánh giá dữ liệu độc hại với trẻ em;

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hướng tới các đối tượng: trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em.

Trong đó, việc triển khai hệ thống hỗ trợ ngăn chặn, đánh giá dữ liệu độc hại với trẻ em cần có sự tham gia từ chính các doanh nghiệp công nghệ, sự chung tay hỗ trợ từ các nhà mạng. Đồng thời cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn từ cơ quan quản lý về cách thức thực thi, cũng như kêu gọi sự tham gia từ các tổ chức bảo vệ trẻ em, nhà trường và cả gia đình.

Tăng cường trải nghiệm an toàn cho người dùng

Tại sự kiện TikTok Safety Summit 2024 vừa được TikTok tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam sáng 11-6, Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết trong thời gian qua, TikTok cũng đã làm việc với Viện nghiên cứu Phát triển Bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và nhiều đối tác khác, để gia tăng bảo vệ quyền trẻ em, trẻ vị thành niên tận dụng được thế mạnh của nền tảng nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

"An toàn cho người dùng và cộng đồng luôn là ưu tiên hàng đầu của TikTok. Chúng tôi tin rằng, hành trình thúc đẩy môi trường số tích cực đòi ý thức và sự chung tay của tất cả mọi người. Chính vì thế, TikTok luôn nỗ lực cải tiến hệ thống các công cụ an toàn nhằm trao quyền cho người dùng, nhà sáng tạo và thương hiệu trong việc chủ động tăng cường các tương tác lành mạnh", ông Thanh cho biết.

Nền tảng này cũng vừa công bố một số cập nhật mới trong Tiêu chuẩn Cộng đồng nhằm tăng cường sự chủ động của người dùng đối với xử lý các nội dung vi phạm như: xóa nội dung mà TikTok không cho phép; giới hạn độ tuổi với nội dung không phù hợp với trẻ vị thành niên; loại trừ những nội dung không đáp ứng tiêu chuẩn đề xuất khỏi trang "Dành cho bạn"; trao quyền cho cộng đồng bằng các thông tin, công cụ, tài nguyên về an toàn…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên