Ảnh chụp tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc trước khi làm vệ sinh Ảnh: Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cung cấp trong cuộc họp thẩm định
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, công tác tháo dỡ, vệ sinh bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc được thực hiện từ khoảng cuối tháng 12-2018 đến tháng 2-2019, sau Tết Nguyên đán thì treo lên lại.
Trong giai đoạn này, chỉ có một số người thợ trực tiếp vệ sinh tranh chứ không có sự giám sát của các họa sĩ, nhà chuyên môn.
Vườn xuân Trung Nam Bắc là một tác phẩm lớn, không chỉ đúc kết kinh nghiệm sơn mài quý báu của danh họa Nguyễn Gia Trí những năm cuối đời mà còn nói lên tư tưởng của ông về đất nước, hòa bình. Bức tranh bị hư hại là điều vô cùng đáng tiếc cho cả nền mỹ thuật.
Họa sĩ Siu Quý (phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM)
Hỏng 10% hay 70%?
Ngay sau khi trưng bày lại tác phẩm, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phát hiện nhiều vị trí trên tranh bị bong tróc nên đã thành lập một hội đồng thẩm định hư hại.
Tại cuộc họp, họa sĩ Nguyễn Trung Tín đã chỉ ra lỗi của quy trình vệ sinh là sử dụng bột chu để đánh bóng mặt tranh.
Bột chu chỉ được sử dụng để đánh bóng tác phẩm sau khi bề mặt tranh đã được "toát" (phủ một lớp sơn cánh gián mỏng) và trong khoảng 10 năm, lớp "toát" này (nếu có) sẽ bay đi. Trong khi đó, Vườn xuân Trung Nam Bắc đã được hoàn thành cách đây 30 năm.
Thế nhưng, ông Nguyễn Xuân Việt - người học trò kề cạnh những năm cuối đời của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-1993) - cho biết vì bức tranh này có khổ lớn, nếu "toát" lên bề mặt sẽ tạo một khối trơn nhẵn lớn nên cụ Nguyễn Gia Trí đã cho các học trò mài nhẹ lên bề mặt sơn, tạo độ đậm - nhạt kỹ lưỡng để tổng thể bức tranh hài hòa.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi đội vệ sinh của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chà xát bột chu - chất có tính bào mòn cao - trực tiếp lên tranh và đánh đều bề mặt là đã phá hỏng tác phẩm cả về mặt chất liệu lẫn dụng ý nghệ thuật.
Đánh giá hư hại của bức tranh, một số họa sĩ sơn mài cho rằng mức độ thiệt hại khoảng 10%, nhưng theo họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, con số đó có thể lớn hơn.
"Tuy nhiên, đó chỉ là đánh giá vật chất trên bề mặt, còn cái thần của tranh thì bị mất rất nhiều. Trong sơn mài, mạch tranh chính là hồn tranh, mà hư về hồn tranh thì không thể nào cân đo đong đếm được" - ông Việt chua chát.
Họa sĩ Siu Quý - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - cho biết cá nhân ông thấy bức tranh đã mất đi đến 70% cái thần tinh túy.
Ảnh chụp tác phẩm sau khi làm vệ sinh - Ảnh: MAI THỤY
Khó khắc phục, gia cố bức tranh
Một trong những giải pháp được hội đồng thẩm định đưa ra trong cuộc họp sau khi phát hiện bức tranh bị hư hại là giảm độ sáng của ánh đèn rọi vào tác phẩm.
Khi ánh sáng giảm, phần vàng sẽ hiện lên rõ nét hơn và màu trắng của trứng sẽ chìm xuống. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp về mặt thị giác, nếu không muốn nói là có phần "lấp liếm" thiệt hại của tác phẩm trước công chúng.
Giải pháp còn lại là hội đồng sẽ nhờ họa sĩ Nguyễn Xuân Việt khắc phục, gia cố cho bức tranh vì ông là người hiểu rõ nhất kỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Gia Trí và từng trực tiếp tham gia thực hiện tác phẩm này.
"Có gia cố thì bức tranh sẽ không bao giờ được trở lại như xưa, có thể phải mất hơn nửa năm đắp vật liệu lên dần dần để mạch tranh chặt chẽ lại nhưng nhiều nhất cũng chỉ khắc phục được 8 phần" - ông Việt nói.
Trước đây, ông Nguyễn Xuân Việt từng gia cố bức tranh Đêm Giáng sinh vốn bị bong tróc do chủ sở hữu bảo quản không đúng cách. Thế nhưng, việc đó diễn ra khi họa sĩ Nguyễn Gia Trí còn sống và cho phép ông sửa chữa.
Họa sĩ lão thành Hoàng Trầm cho rằng một bức tranh sơn mài có thể bị hỏng vì nhiều nguyên nhân khác nhau: do nguyên liệu, kỹ thuật hoặc tác động từ bên ngoài.
Ông chia sẻ: "Ông Trí sáng tác bức Vườn xuân Trung Nam Bắc vào thời điểm đang ở Sài Gòn, rất có thể một số kỹ thuật hoặc nguyên liệu của ông không còn giống với sơn mài miền Bắc, chẳng hạn lớp vàng dán trên mặt tranh có thể là vàng Nhật chứ không phải vàng ta (điều này họa sĩ Nguyễn Xuân Việt đã xác nhận - PV). Vì không hiểu hết chất liệu trên tranh nên phải rất thận trọng khi vệ sinh tác phẩm; còn sửa chữa, gia cố tác phẩm lại là một điều tối kỵ".
"Nếu muốn khắc phục, gia cố tranh thì phải hỏi ý tác giả. Kể cả "toát" lại tranh cũng phải hỏi ý. Trong sơn mài, nếu hư chỗ nào phải để mặc như vậy, không đụng chạm vào vì tranh sẽ càng hỏng, chưa kể đến việc xâm phạm quyền nhân thân của tác giả" - họa sĩ Hoàng Trầm nói thêm.
Đồng ý với quan điểm của họa sĩ Hoàng Trầm, họa sĩ Lê Ngọc Linh cũng nhận định với một tác phẩm sơn mài đã hỏng thì không thể làm gì để khắc phục hay gia cố được vì liên quan đến hồn tác phẩm và những hàm ý nghệ thuật sâu xa của họa sĩ.
"Trách nhiệm của người quản lý ở đâu?"
Họa sĩ Siu Quý đã thốt lên như vậy trước sự hư hại của bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc: "Vụ việc này xảy ra do người thực hiện thiếu kiến thức chuyên môn trầm trọng. Thế nhưng, người trực tiếp làm vệ sinh cũng chỉ là thợ, họ chỉ làm theo yêu cầu được đưa ra. Như vậy, vụ việc đặt ra một dấu hỏi rất lớn về trình độ chuyên môn của các cấp quản lý từ sở (Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM - PV) cho đến bảo tàng".
Trong khi đó, họa sĩ Trang Phượng - nguyên phó Ban tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM - cho rằng trách nhiệm của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ngay sau khi xảy ra vụ việc thì phải thông báo với công chúng.
"Tôi được biết thông tin này từ một số nguồn tin riêng cách đây hai tuần, trong khi đó bảo tàng đã phát hiện bức tranh bị hư hại trước đó cả tháng nhưng lại tự giải quyết với nhau. Đây là một bảo vật của quốc gia được Chính phủ công nhận, vậy nên đây không phải là chuyện bảo tàng "tự đóng cửa" giải quyết được" - ông nói.
Họa sĩ Trang Phượng cũng chính là người đã thuyết phục UBND TP.HCM mua bức Vườn xuân Trung Nam Bắc vào năm 1991.
Họa sĩ Trang Phượng nói thêm: "Vụ việc lần này cũng phản ánh những bất cập trong công tác quản lý của bảo tàng trong thời gian qua, khi lãnh đạo của đơn vị kiểm kê - bảo quản, một bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến "sinh mạng" tác phẩm, lại là những người không có chuyên môn mỹ thuật. Đây cũng là vấn đề tôi đã nhiều lần trao đổi với Sở Văn hóa, Thể thao".
Đến nay, chưa có một thông báo nào từ đơn vị quản lý bức tranh là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hay Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM. Khi chúng tôi liên hệ để hỏi về vụ việc, ông Trịnh Xuân Yên - phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - từ chối trao đổi qua điện thoại và cho biết ông sẽ có văn bản gửi báo chí khi ông đi công tác về.
Chiều sâu của bức tranh bị biến mất
Trái: dây trứng được đi mềm mại, hài hòa với lớp nền son, lớp vàng dán còn nhiều. Phải: trứng bị bào mòn, có màu trắng như vôi, trứng bị tách với nền son về mặt tổng thể, lớp vàng dán đã bị đánh bay - Ảnh: Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt cung cấp
Theo ông Nguyễn Xuân Việt - tác giả cuốn sách Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc cho thấy sự điêu luyện của danh họa với những dây trứng mềm mại trên các chủ thể. Thế nhưng, theo ông Việt, sau khi tranh được vệ sinh, lớp trứng và nền son đã bị tách ra bởi toàn bộ mache (các sắc độ màu) bổ trợ cho chúng đã bị mòn đi.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho rằng bề mặt bức tranh từ "âm" nay đã chuyển thành "dương", nhiều phần chất liệu được họa sĩ Nguyễn Gia Trí vốn xử lý kín kẽ đã bị lộ thiên.
"Đã là sơn mài thì phải cốt âm, nền son và vỏ trứng phải có độ trong và sâu nhưng giờ thì phần trứng đã trắng bệch như vôi. Chính vì dây trứng không còn liền mạch với nền son nên sự âm u, bí ẩn tức chiều sâu không gian của bức tranh cũng bị biến mất. Có thể xem phần trứng trong tranh Nguyễn Gia Trí là đỉnh cao nghệ thuật sơn mài của cụ" - ông Lương Xuân Đoàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận