15/08/2018 15:12 GMT+7

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: Nỗi niềm Bà Đậu

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) với nỗi niềm đang... "ở đậu" trong chính điện chùa Dâu (thờ Pháp Vân). Cho dù cách đó mấy trăm bước chân có đến hai ngôi chùa xây lên để thờ Bà Đậu.

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: Nỗi niềm Bà Đậu - Ảnh 1.

Tượng Bà Đậu đang “ở đậu” trong chùa Dâu của Bà Dâu (Pháp Vân - trái) - Ảnh: THÁI LỘC

Chính vì lý do Bà Đậu lưu lạc sang chùa Dâu mà hội Dâu vào tháng 4 âm lịch hằng năm diễn ra không trọn vẹn...

Lưng chừng hội Dâu

Ngày 8-4 âm lịch, người dân vùng Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) vào hội Dâu. Sân trước của chùa Dâu trong ngày hội diễn ra rất náo nhiệt, người đi tấp nập, đông đúc, len lỏi trong mấy dãy quán xá bán thức ăn uống, đồ chơi và hàng lưu niệm.

Cùng đoàn người ken chật, chúng tôi tiến vào chính điện chùa Dâu. Khác với mọi khi, không gian ngôi chùa trở nên sáng bừng bởi đèn chiếu và nhiều tàn lọng, cờ xí.

Anh bạn đi cùng nói với tôi: "Ngôi chùa này xây lên để thờ Bà Dâu. Bà Đậu ngồi ở đây thực ra đang... "ở đậu", chắc là bà đang có rất nhiều nỗi niềm! Và nỗi niềm đó cũng là của chung cho cả người dân khu vực này, vì chính việc "ở đậu" của Bà Đậu mà hội Dâu mất đi phần hội quan trọng, vui nhộn và đặc sắc nhất".

Theo diễn giải của một cụ già trong ban tổ chức lễ hội, hội Dâu diễn ra đến 3 ngày, là hội chung của "tổng Dâu" gồm 12 làng khu vực Luy Lâu đang thờ hệ thống "Tứ Pháp".

Trước đây, hội Dâu luôn tập trung cả tượng bốn bà (Tứ Pháp) tại phố Dâu. Đó là Bà Dâu và Bà Đậu đang cùng thờ ở chùa Dâu; Bà Tướng - Pháp Lôi, đang thờ ở chùa Phi Tướng và Bà Dàn - Pháp Điện đang thờ ở chùa Dàn gần đó...

Đến ngày chính lễ 8-4, người ta tổ chức hội rước linh đình tượng bốn bà đến chùa Tổ ở làng Mãn Xá để "bái yết" Phật mẫu Man Nương.

Thế nhưng, vì lý do tranh chấp liên quan đến tượng Bà Đậu mà đám rước bốn bà không được diễn ra.

"Chúng tôi mong cấp trên có cách nào đó để giải quyết ổn thỏa sự việc liên quan đến Bà Đậu để người dân tổng Dâu hưởng được lễ hội trọn vẹn. Chứ để lễ hội... lưng chừng như thế này ai cũng thấy buồn!" - cụ già nói.

Căn nguyên mâu thuẫn

Nhà văn Nguyễn Hữu, người am hiểu văn hóa trong vùng, cho biết Bà Đậu vốn thờ ở chùa Thành Đạo (còn gọi là chùa Đậu), xưa nằm trên địa phận của làng Đông Cốc chỗ giáp ranh với làng Đại Tự.

Chùa trở thành nơi hành lễ chung của người dân hai làng. Họ cùng chung tay chung lòng coi sóc ngôi chùa, đến mùa hội Dâu hằng năm họ cùng phân công đưa rước Bà Đậu, tham gia các hội thi.

Năm 1948, chùa Thành Đạo bị giặc Pháp đến phá lấy đất làm đồn bốt, vứt tất cả tượng khí xuống ao. Cũng may, ông lý trưởng tên Bảo của làng Đại Tự lúc ấy đã đề nghị người dân tập trung lại, kéo đến xin vị quan Tây cho rước Bà Đậu về thờ tạm ở chùa Dâu.

Đến những năm 1960, việc phân định lại địa giới để chia đất sản xuất đã biến khu đất chùa Thành Đạo xưa thuộc về làng Đại Tự. Một thời gian dài hai làng vẫn "hòa hợp" tham gia hội rước Bà Đậu trong lễ hội chùa Dâu.

Trong phong trào phục hồi đình chùa, người dân làng Đại Tự xây dựng lại chùa Thành Đạo trên nền chùa xưa để thờ Bà Đậu. Người dân Đông Cốc lúc ấy cũng kêu gọi sự đóng góp để khởi xây chùa Thành Đạo cũng để thờ Bà Đậu trên phần đất cạnh đình làng.

Hai làng cạnh nhau với hai ngôi chùa xây dựng khang trang nhưng "chủ nhân" là Bà Đậu đang... "ở đậu" tại chùa Dâu gần đó.

Cả hai làng đều muốn đòi Bà Đậu về chùa làng mình nhưng chùa Dâu không trả. Bởi lẽ trước đó, khi làm hồ sơ di tích vào những năm 1960, người ta kê khai tượng Bà Đậu vào 101 pho tượng là tài sản riêng của chùa và đã được Nhà nước công nhận rồi.

Điều đáng nói là mối mâu thuẫn tranh chấp Bà Đậu giữa hai làng cứ lớn dần.

Theo nhà văn Nguyễn Hữu: "Hiện nay hai làng tranh chấp nhau. Làng Cốc thì "đòi" chùa Bà Đậu chính là của làng mình, trong khi làng Đại Tự lại cho rằng chùa xưa nằm trên đất của làng thì nghiễm nhiên Bà Đậu là Phật của làng họ".

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: Nỗi niềm Bà Đậu - Ảnh 2.

Chùa Đậu ở làng Đông Cốc, xây dựng để thờ Bà Đậu nhưng không có tượng bà - Ảnh: THÁI LỘC

Mong mỏi hội rước trở lại

Sự mâu thuẫn, tranh chấp cứ âm ỉ khiến đám rước trong hội Dâu "gần như năm nào cũng xảy ra đánh nhau" giữa người của hai làng.

Hồi ức nhiều cụ già ở phố Dâu vẫn nhớ như in thời điểm chuẩn bị mùa hội Dâu năm 1998, trong vùng lúc ấy có "mật báo" rằng làng Đông Cốc bí mật tổ chức lực lượng tham gia, ngay sau hội rước sẽ "cướp" tượng Bà Đậu về chùa làng mình...

Thông tin không rõ thực hư thế nào nhưng đã lan truyền rất nhanh trong vùng khiến ban tổ chức năm ấy quyết định cắt ngay phần hội rước khiến người dân cả tổng thất vọng não nề.

Cũng kể từ đó, suốt 20 năm qua, hội Dâu cũng chỉ quẩn quanh ở chùa Dâu, không còn cảnh hàng ngàn người cùng chung đám rước có kiệu khiêng, cờ lọng, khăn áo, lễ nhạc linh đình...

Anh Nguyễn Thế Trung, hành nghề điêu khắc sống gần chùa Dâu, cho biết: "Hội Dâu là một tổng thể văn hóa tâm linh lớn tồn tại cả nghìn năm rồi. Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên vào cuộc hóa giải tranh chấp để hội rước Tứ Pháp tiếp tục diễn ra, để hội Dâu, một lễ hội lớn và đặc sắc bậc nhất xứ Kinh Bắc này duy trì trọn vẹn".

Điều anh Thế Trung nói cũng là nỗi niềm chung cho người dân cả 12 làng thuộc tổng Dâu xưa. Gần như năm nào sắp tới mùa hội cũng có rất nhiều ý kiến bày tỏ mong mỏi ấy lên các hội đồng làng và đến ban tổ chức lễ hội.

Cả hai làng cũng nhiều lần đề đạt với chùa Dâu và cơ quan chức năng xin chuyển Bà Đậu về chùa làng mình, nhưng đều không đạt kết quả.

Sự việc càng trở nên "khó gỡ nút thắt" khi chùa Dâu lần lượt được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời với hệ thống tượng Tứ Pháp vùng Luy Lâu được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Khi mà tượng Bà Đậu vẫn còn "ở đậu" trong chùa Dâu, và khối mâu thuẫn tranh chấp tín ngưỡng giữa hai làng vẫn chưa được hóa giải thì hội Dâu vẫn sẽ còn khiếm khuyết và người dân vẫn phải trong cảnh vui hội không trọn vẹn.

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: Nỗi niềm Bà Đậu - Ảnh 3.

Chính điện chùa Thành Đạo không có Bà Đậu - Ảnh: THÁI LỘC

Nên sớm tìm giải pháp

"Việc lưu lạc của Bà Đậu (Pháp Vũ) sang chùa Dâu do hậu quả của chiến tranh. Đến nay thì sự việc cần được giải quyết ổn thỏa, phù hợp với pháp luật hiện hành cũng như tình cảm của người dân, đặc biệt trong việc khôi phục lễ rước Tứ Pháp đặc sắc theo truyền thống cả ngàn năm nay.

Để làm được điều này, tôi cho rằng cơ quan quản lý di tích, đại diện chính quyền, đại diện người dân các làng, mời thêm đại diện Giáo hội Phật giáo cùng tham gia bàn bạc, tìm giải pháp thỏa đáng nhất, phù hợp với truyền thống và tình cảm của người dân, tránh để xảy ra những điều đáng tiếc..."

Nhà nghiên cứu TRẦN ĐÌNH SƠN
(phó ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Kỳ tới: Báu vật của chùa Trúc Lâm

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên