Trung Quốc tiếp tục bẻ cong sự thật về biển ĐôngBạo lực không làm nên một siêu cườngClip, ảnh tàu, máy bay TQ lồng lộn cản phá tàu VN ngày 13-5
Người phát ngôn Jen Psaki: “Trung Quốc làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực” - Ảnh: AFP |
Thời báo Hoàn Cầu ngày 14-5 lại có bài xã luận “Ván bài dài hơi của Trung Quốc ở biển Đông” với giọng điệu ngạo mạn cho rằng vấn đề biển Đông là bàn cờ mà Trung Quốc và Mỹ là những kỳ thủ thật sự. Và Trung Quốc sẽ vận dụng “mưu trí ngoại giao” để chơi ván cờ này.
Đấu khẩu ngoại giao
Tờ báo gọi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là một “kẻ hai mang” vì ông vừa lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đang “khiêu khích” và “gây hấn” ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lại vừa khẳng định rằng Washington sẽ không đứng về bên nào trong các vấn đề tranh chấp.
Bài báo cho rằng Việt Nam và Philippines đã rất hăng hái khi ông Kerry nói ra hai từ “khiêu khích”. Tờ báo lại bẻ cong sự thật khi viết rằng xuất phát từ thái độ của Ngoại trưởng Kerry mà Việt Nam đã bắt đầu có thái độ làm mọi chuyện hỗn loạn trong những ngày này.
Bài báo quy chụp Việt Nam đang cố làm cho vấn đề thêm phức tạp hơn nhằm gây áp lực nhiều hơn đối với Trung Quốc.
Bài xã luận cho rằng những phát ngôn của Ngoại trưởng Kerry sẽ gây ra bất đồng sâu sắc trong thế cờ cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Washington đang tăng cường ảnh hưởng ở biển Đông là vì thấy Trung Quốc đang mạnh hơn. Nhưng bài báo cũng thừa nhận rằng Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới do Washington sẽ còn dùng nhiều biện pháp đối trọng với nước này.
Bài xã luận còn ngụy biện rằng đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa chưa đến mức đứng trên miệng hố chiến tranh như Mỹ nghĩ. Rằng để có lợi ích nhiều nhất ở biển Đông, Mỹ đã sử dụng chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á để cám dỗ Philippines và Việt Nam.
Thậm chí hôm qua, theo Reuters, trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn đưa ra thông tin cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gọi điện cho Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa để nói phía Indonesia “thúc giục Việt Nam hạ nhiệt căng thẳng và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc”.
Tối 13-5, phía Trung Quốc cố tình diễn giải trở lại thông tin phía Mỹ nêu ra trước đó. Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tuyên bố trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không chỉ trích Trung Quốc gây căng thẳng. Theo bà Hoa, ông Kerry chỉ cho biết Mỹ không đứng về phía nào trong các tranh chấp trên biển Đông và “không có ý định phán xét về vấn đề chủ quyền lãnh thổ”.
Đáp trả, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh rất nhiều quốc gia trên thế giới có cùng quan điểm rằng “hành vi khiêu khích đơn phương của Trung Quốc nằm trong chuỗi hành động chiến lược của nước này nhằm thôn tính các vùng tranh chấp. Theo quan điểm của chúng tôi, Trung Quốc đang làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực”.
Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh: “Ngoại trưởng Kerry không nói như thế”! |
ASEAN cần lập mặt trận chung
Tờ báo uy tín Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ phải trả giá vì những hành động hiếu chiến trên biển Đông. Báo này nhận định việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và có thể chiến thắng sẽ hủy hoại nghiêm trọng vị thế quốc tế của Bắc Kinh. Sự tổn hại đó sẽ càng gia tăng nếu các quốc gia Đông Nam Á khác cũng kiện Trung Quốc. “Chắc chắn Trung Quốc không muốn bị dán nhãn là kẻ vi phạm luật pháp quốc tế” - WSJ đánh giá.
Trên tạp chí The Diplomat, chuyên gia Zachary Keck nhận định đã đến lúc các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc là Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia cần đàm phán đa phương để giải quyết các bất đồng và thống nhất quan điểm. Qua đó, các nước này sẽ tạo ra được một mặt trận chung để đối phó với các đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc trên biển Đông. Đây là cách buộc Trung Quốc phải chấp nhận đàm phán theo cơ chế đa phương.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cho rằng Việt Nam cần huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng như các nước láng giềng như Philippines, Malaysia, Singapore hay Indonesia, các quốc gia cũng rất quan ngại những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc. Việt Nam cũng cần công khai rõ ràng việc đòi chủ quyền trên biển Đông và hợp tác với các nước ASEAN để xác định rõ đâu là vùng tranh chấp, đâu là vùng không tranh chấp trên biển Đông. Đó sẽ là cách tạo sự đồng thuận trong ASEAN để đối phó với Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận