Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AFP, một ngày sau sự kiện lịch sử 27-4, hãng thông tấn trung ương KCNA của Triều Tiên nhận định đó là "cuộc gặp lịch sử mở ra kỷ nguyên mới của đoàn kết và hòa hợp dân tộc, hòa bình và thịnh vượng", đồng thời phát nguyên văn toàn bộ Tuyên bố Bàn Môn Điếm - tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên.
Bản tin của KCNA trích nguyên văn dòng nội dung có trong tuyên bố chung của hai nguyên thủ, cho biết họ "đã khẳng định mục tiêu chung trong nhận thức về một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân thông qua quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
Thấy gì qua thượng đỉnh liên Triều?
Những hình ảnh, câu nói được tường thuật đi từ sự kiện lịch sử này quả thực hết sức ấn tượng. Chúng mở ra nhiều kỳ vọng về một bán đảo Triều Tiên có thể đi đến những giải pháp đồng thuận hòa bình, ổn định thông qua tiến trình ngoại giao, đối thoại trong thời gian tới.
Trong mắt giới quan sát, có thể rút ra 3 vấn đề từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4.
1. Đồng thuận liên Triều vẫn thiếu những bước đi cụ thể, thiết thực
Trong "Tuyên bố Bàn Môn Điếm" của hai nhà lãnh đạo, cả ông Moon và ông Kim đều nhất trí chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay và tiến tới "mục tiêu chung" giải trừ hạt nhân.
Tuy nhiên tuyên bố chung vẫn còn quá ít những bước đi cụ thể cho thấy mỗi bên sẽ tiến hành những việc đó như thế nào.
Tạp chí Vox dẫn nhận định của ông Abraham Denmark, cựu quan chức Lầu Năm Góc chuyên về châu Á: "Thỏa thuận này vẫn còn dài về tham vọng và hy vọng mà ngắn về các chi tiết".
Nói cách khác, bản tuyên bố dài 3 trang mới chỉ nói lên được điều mà cả hai nước đều muốn, nhưng lại chưa cụ thể hóa được những gì mỗi bên sẵn sàng "bỏ ra" để đạt được những mục tiêu đó.
2. Tăng thêm nhiều áp lực với ông Trump
Trong mắt nhiều chuyên gia, cuộc gặp thượng đỉnh Kim - Moon được coi là "khúc dạo đầu" cho cuộc gặp Kim - Trump dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Theo đó, cả hai nhà lãnh đạo sẽ cùng đối mặt với những kỳ vọng lớn hơn ở cuộc gặp tới sau thành công liên quan từ cuộc gặp liên Triều ngày 27-4.
Chuyên gia Denmark cho rằng sự đồng thuận đạt được giữa ông Kim và ông Moon "đặt áp lực và kỳ vọng rất lớn lên cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến Kim - Trump".
"Seoul sẽ mong muốn có được một thỏa thuận tích cực và hướng về phía trước tương tự, nhưng Washington sẽ muốn tập trung vào những điều cụ thể và thực chất", cựu quan chức Lầu Năm Góc bình luận.
Theo bài báo ngày 22-4 trên tờ Wall Street Journal, ông Trump dự kiến yêu cầu ông Kim 2 chuyện. Thứ nhất, Triều Tiên phải nhanh chóng giải trừ chương trình hạt nhân của họ. Và thứ hai, ông Trump sẽ không dỡ trừng phạt cho tới khi Bình Nhưỡng thực sự có những động thái tiến bộ lớn trong quá trình giải trừ hạt nhân đó.
3. Dù thế nào, cuộc gặp liên Triều 27-4 vẫn là một cột mốc lịch sử
Đã có những khoảnh khắc lịch sử hơn 60 năm mới lại xảy ra khi ông Kim Jong Un bước sang địa giới của Hàn Quốc. Đó là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân sang lãnh thổ của Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên.
Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae In tại tiệc chiêu đãi tối 27-4 - Ảnh: REUTERS
Họ cũng đã cùng nhau vun trồng một gốc thông biểu tượng cho hòa bình, nói chuyện riêng với nhau trong 30 phút và cùng chụp ảnh trong nhiều khoảnh khắc ấm áp, hữu nghị.
Chỉ ở lần gặp thượng đỉnh thứ 3 này giữa hai bên (2 lần trước là năm 2000, 2007 ở Bình Nhưỡng) người ta mới thấy những hình ảnh thể hiện tinh thần hòa hợp như thế.
Ngay cả những món ăn hai người dùng chung cũng được chuẩn bị chu đáo với đầy tính biểu tượng. Chẳng hạn, họ đã dùng hải sản đánh bắt từ thành phố Busan của Hàn Quốc là nơi Tổng thống Moon sinh trưởng. Họ cũng dùng món mì lạnh của Triều Tiên do một đầu bếp ở Bình Nhưỡng sửa soạn.
Tất cả, dù chỉ là biểu tượng, cũng trở thành dấu ấn lịch sử lớn ở sự kiện này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận