25/02/2006 17:05 GMT+7

Bảo tàng Tagore, ngày đầu xuân

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TTCN - Thời bấy giờ dòng họ Thakur ở vùng Bengal thuộc số những lãnh chúa có thế lực. Trong tiếng Bengali, Thakur có nghĩa là chúa đất. Những người Anh đến Ân Độ mở mang thuộc địa không phát âm được cái họ Thakur.

pJx2pNp5.jpgPhóng to
Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Hoàng Quốc Hải tại Bảo tàng Tagore
TTCN - Thời bấy giờ dòng họ Thakur ở vùng Bengal thuộc số những lãnh chúa có thế lực. Trong tiếng Bengali, Thakur có nghĩa là chúa đất. Những người Anh đến Ân Độ mở mang thuộc địa không phát âm được cái họ Thakur.

Một ông công chức bàn giấy người Anh nào đó trong một phút đánh vật với thổ âm Bengali, tai nghe Thakur mà tay cầm bút lại phiên thành Tagore.

Thế là từ đó trong công văn giấy tờ được Ănglê hóa, Thakur đã được phiên âm thành Tagore. Một cái tên sinh ra từ nhầm lẫn, giống như nhiều điều cơ bản của đời sống cũng sinh ra từ nhầm lẫn và ngộ nhận. Thế giới sẽ không mấy ai biết đến sự nhầm lẫn này, nếu như từ dòng họ Thakur ở Bengal không sinh ra một nhân vật xuất chúng, đại thi hào Rabindranath Tagore.

Giai thoại này vương vấn trong đầu khi ta bước chân vào Bảo tàng Tagore, thấy cái tên Tagore ở khắp mọi nơi, trong những dòng chữ lớn nhỏ ghi chú hiện vật, cũng như trong lời giới thiệu của hướng dẫn viên. Dinh cơ của dòng họ Tagore, tòa ngang dãy dọc bây giờ đã trở thành Trường đại học Tổng hợp Rabindra Bharati. Khu nhà ở của mấy thế hệ Tagore bây giờ được giữ nguyên trạng làm nhà tưởng niệm.

lxONUg3m.jpgPhóng to
Thi hào Tagore
Đang là giờ nghỉ trưa, sinh viên tản ra đứng ngồi trên hành lang, đứng ngồi sưởi nắng trên các bãi cỏ. Giá vé cho người nước ngoài vào bảo tàng khá cao, nhưng khi nghe nói đây là đoàn nhà văn từ VN sang, người ta không thu vé mà cả một sự đón tiếp nồng nhiệt diễn ra. Hướng dẫn viên say sưa hùng biện. Các nhân viên bảo tàng đi theo từng bước, mang theo từng giỏ cánh hoa hồng để chúng tôi tự tay bốc hoa thả xuống những âu nước như một cử chỉ tưởng niệm trong các gian phòng.

Dinh nhà Tagore xây dựng năm 1784, những bức tường màu đỏ gạch bền vững gây cảm tưởng từ hơn 200 năm trước dinh thự vẫn thế. Đây là phòng sinh con, rất nhiều người trong dòng họ được sinh ra ở đây, Tagore sinh ra ở đây, bà mẹ lâm bồn ở gian trong, rồi đứa trẻ sơ sinh khóc ré lên được bế ra phòng ngoài cho người cha và họ hàng đứng chờ ở gian ngoài.

Cánh cửa gỗ giữa hai gian phòng đã mục vỡ, hướng dẫn viên giải thích người ta không thay thế cánh cửa mới mà giữ nguyên di vật cũ nát, đấy là vì quyền lợi của khách tham quan. Toàn bộ phòng của các thành viên trong dòng tộc được bài trí đơn sơ, nhưng chứng tỏ gia phong của một bậc quí tộc lớn. Hướng dẫn viên hùng biện: “Người ta bảo dòng họ Tagore là giàu sang, thật ra nói như vậy chưa đủ. Còn hơn cả giàu sang nữa, phải nói thế này mới đúng: giàu sang cộng với văn hóa cộng với tinh thần nhân văn”...

rKyJgHSY.jpgPhóng to
Chân dung tự họa
Phần dinh dành làm nơi cầu nguyện là cả một đại sảnh. Những cột đá cẩm thạch màu trắng. Một giáo đường tại gia cho mọi thành viên trong gia đình. Không một tượng thần như truyền thống đền thờ Hindu đa thần. Một giáo đường theo đúng tinh thần tôn giáo của Tagore, không có thần thánh nào ở trong đó, thần thánh chúa trời ở bên ngoài khả năng nhận biết của con người.

Đền thờ chỉ là nơi thanh tịnh, ta có thể ngồi đó mà tri ngộ, mà tưởng đến tất cả những gì không hiện hữu, cao hơn cả đời sống con người. Giáo đường không tượng thánh có lẽ vì ở trong đây chỉ có một Tagore thôi cũng đã là chật chội. Với nhiều người, Tagore giống như hình ảnh một vị thánh.

Sinh năm 1861, Tagore có 80 năm hiện hữu trên cõi trần thế ở vùng Bengal, xứ sở văn hóa sâu đậm bậc nhất trên đất nước Ân Độ. Đó là cái nôi của những bậc vĩ nhân, đặc biệt là những nhà tư tưởng như Ramakrishna, Swami Vivekananda, “ông hoàng điện ảnh” Satyajit Ray..., là nơi vun đắp tư tưởng nhân văn của những người như Mẹ Teresa...

Người Ân thường tự hào về tiếng Bengali là ngôn ngữ của triết học và thơ ca. Tagore được tôn vinh là “cha đẻ của văn học tiếng Bengali hiện đại”, người đã làm cho tiếng Bengali đẹp hơn, khả năng diễn đạt mở rộng hơn, tới những sắc độ tinh tế bậc nhất. Xin hãy lắng nghe những vần điệu Bengali này: Jana gana mana adhinayaka jaya he jaya he jaya he... Thời là nghiên cứu sinh ở Ân Độ, chúng tôi đã hát vang bài ca ấy vào những dịp lễ hội long trọng. Hãy cất bước đi lên, chiến thắng, chiến thắng và chiến thắng. Đó là quốc ca Ấn Độ.

Và câu này nữa: Amar sonar Bangla ami tomay bhalo basi!... Xứ sở Bengal vàng mười, ta yêu người! Đó là quốc ca Bangladesh. Còn có ai khác ngoài Rabindranath Tagore là tác giả hai bài quốc ca của hai đất nước? Bangladesh và xứ Tây Bengal thuộc lãnh thổ Ân Độ bây giờ, vì hoàn cảnh lịch sử mà phải chia cắt, còn xưa nay vẫn chung một nền văn hóa Bengal, chung một thứ tiếng Bengali của Tagore, đến bây giờ người dân hai nước vẫn trân trọng những vần thơ và bài ca Tagore để lại.

nutAJgYt.jpgPhóng to
Tranh Tagore
Sự nghiệp đồ sộ hàng nghìn bài thơ, hàng trăm truyện ngắn, hàng chục tiểu thuyết, hàng trăm bài hát vẫn còn đang được hát lên khắp xứ sở. Năm 1912 Tagore trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel văn học, tác phẩm chính được Viện Hàn lâm Thụy Điển nêu ra để tôn vinh là tập Thơ dâng (Gitanjali).

Không chỉ giới hạn ở văn học và âm nhạc, ở tuổi 65, Tagore bắt đầu cầm cọ vẽ, màu nguyên thủy tự chế từ hoa cỏ và các nguyên liệu tự nhiên. Hơn 2.000 bức tranh trong suốt 15 năm cuối đời, hẳn một phòng tranh lớn bây giờ trở thành một phần quan trọng của bảo tàng.

Thăm hết nhà bảo tàng trong một buổi trưa. Chia tay, ai cũng lưu luyến. Chuyến thăm bảo tàng nằm ngoài chương trình, không ai mang theo vật lưu niệm gì tặng lại nhà bảo tàng. Nhà thơ Hữu Thỉnh rút trong túi ra tờ giấy bạc 10.000 đồng đỏ au mới cứng. Kỷ niệm đây, đây là hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mấy người Ân Độ reo lên: Thành phố Kolkata (tên cũ là Calcutta) của chúng tôi có một đường phố mang tên Hồ Chí Minh, các bạn biết chưa?

Năm 1929 Tagore đã đến thăm Sài Gòn và có bài diễn thuyết về sự hài hòa vũ trụ, các bạn biết chưa? Nhưng chúng tôi không dám nhận tờ tiền này đâu. Phải giải thích đây là tờ giấy bạc in hình Hồ Chí Minh, ở VN chúng tôi thì đây là cử chỉ lì xì mừng tuổi đầu năm mới.

Nói thì mới nhớ, chúng tôi đang đứng giữa Bảo tàng Tagore vào trưa 31-1-2006, ở nhà bây giờ mới là trưa mồng 3 Tết Bính Tuất.

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên