22/11/2018 11:04 GMT+7

Bão số 9 đi chậm, càng gần bờ càng mạnh và mưa sẽ rất lớn

TRUNG TÂN - CHÍ TUỆ
TRUNG TÂN - CHÍ TUỆ

TTO - Sáng 22-11, Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai và 14 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã có cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp phòng chống cơn bão số 9 đang sắp đổ bộ vào đất liền.

Bão số 9 đi chậm, càng gần bờ càng mạnh và mưa sẽ rất lớn - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp trực tuyến tại tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền nên cần dự báo trước nguy cơ rủi ro mà trọng điểm là 14 tỉnh Quảng Nam đến Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên.

Càng gần bờ gió càng mạnh

Đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết dự kiến chiều và đêm nay (22-11), áp thấp nhiệt đới sẽ thành bão trên quần đảo Trường Sa và đi chậm lại. Bão càng vào gần bờ thì đi chậm lại và mạnh lên, kéo dài hơn.

Dự báo bão đổ bộ vào sáng và chiều 24-11 nên nguy cơ mưa, ngập lụt tại các tỉnh vào đêm 23-11 là rất cao, cần tập trung ứng phó. Dự kiến, bão đi vào TP Nha Trang (Khánh Hòa) nhưng lượng mưa lớn tại tỉnh Phú Yên.

Trận bão này có thể không mạnh bằng bão số 12-2017. Tuy nhiên bão 12 đi nhanh, kết thúc nhanh, còn bão này quần thảo lâu hơn và lượng mưa lớn hơn.

Bão số 9 đi chậm, càng gần bờ càng mạnh và mưa sẽ rất lớn - Ảnh 2.

Cơn bão số 8 kèm mưa lớn đã gây sạt lở nhiều điểm tại tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo đại diện Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai, qua kiểm đếm tại 9 tỉnh từ Quảng Nam đến Vũng Tàu, có khoảng 29.000 tàu cá đang đánh bắt. Trên khu vực này có 27 điểm neo đậu tàu thuyền nhưng chỉ đáp ứng được 76% nên tàu thuyền phải neo đậu nơi khác.

Hiện khu vực này bị sạt lở với 25km bờ biển với nhiều vị trí nguy hiểm. Có 11 vị trí với 38km xung yếu, cần tập trung bảo vệ trước và trong bão. 

Tại Tây Nguyên có hơn 500 hồ chứa đã tích đầy nước từ 70% trở lên. Các hồ chứa cũng đã có biện pháp canh gác, tập trung bảo vệ để tránh xảy ra sự cố như hồ bơi trên núi Cô Tiên (TP Nha Trang, Khánh Hòa) vừa qua.

Đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết đơn vị đã yêu cầu các địa phương từ Quảng Nam đến Kiên Giang phải rà soát, thông báo cho tàu thuyền nắm bắt thông tin áp thấp, tổ chức neo đậu tàu thuyền trước bão. 

Tăng cường quân số để ứng phó với diễn biến phức tạp của bão, phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả của hoàn lưu bão.

Khó khăn của bộ đội biên phòng là khó kêu gọi tàu thuyền vì nhiều tàu tắt phương tiện liên lạc dù đã trả lời sẽ vào bờ. Lý do một chuyến tàu đi có chi phí lớn nên bà con muốn ở lại để đánh bắt thêm. Có 34 tàu đang trong vùng áp thấp, 1 tàu ở Bình Định đang trong vùng nguy hiểm.

Bão số 9 đi chậm, càng gần bờ càng mạnh và mưa sẽ rất lớn - Ảnh 3.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu sớm sơ tán dân ở các sườn núi, đặc biệt là người dân sống quanh núi Chụt (TP Nha Trang) - Ảnh: TRUNG TÂN

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hướng tuyến cơn bão số 9 nếu không có gì thay đổi sẽ thẳng vào Nam Trung bộ nên hết sức lưu ý. Bão càng vào đất liền di chuyển chậm lại và gió sẽ mạnh hơn, điều đó hết sức gay go. 

Bão đi chậm, hơi nước tích tụ và mưa sẽ rất lớn. Bão phối trộn với gió mùa Đông Bắc, thường sẽ hay lệch Đông. Đây là vùng nhiều năm trước không xảy ra thiên tai và cơn bão số 12 vừa qua đã gây hậu quả rất nặng nề. Nếu cơn bão số 9 đi vào vùng này thì sẽ rất nguy hiểm, không được chủ quan. Như trận bão số 8 vừa qua đã gây hậu quả hết sức nặng nề.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Không được chủ quan

Tại Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết cơn bão số 8 với lượng mưa rất lớn khiến địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Có 19 người chết, 28 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị sập, hư hại và 4 tàu chìm, nhiều tuyến đường sạt lở, hư hại…

 "Trận mưa lớn vừa qua chưa từng xảy ra nên có sự lúng túng, chưa kịp thời ứng phó. Tỉnh đã tập trung mọi phương tiện, con người để ứng phó với cơn bão số 9 sắp tới", ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, hiện nay tỉnh bám sát Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Nam trung bộ để có những thông tin ứng phó kịp thời. Tại Khánh Hòa có gần 1.000 điểm xung yếu, hơn 280.000 dân, hàng trăm lồng bè, 4.000 tàu cá cần di dời để đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết toàn tỉnh có 37 điểm xung yếu, dễ sạt lở, có khách du lịch với hơn 11.000 dân, tỉnh cũng đã có phương án sơ tán, di dời để đảm bảo an toàn. 

Đặc biệt tàu thuyền, kiên quyết hướng dẫn hơn 1.200 tàu thuyền đánh bắt gần bờ, hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ phải vào nơi neo đậu trước 17h chiều 22-11.

"Hiện nay tỉnh có 192km bờ biển sạt lở, rất bức xúc. Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để khắc phục nhưng chưa thể thực hiện được vì thiếu kinh phí. Đề nghị bộ trưởng xem xét, hỗ trợ kinh phí để khắc phục, đảm bảo an toàn khi có mưa bão", ông Hai đề nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho dân trên cả ba tuyến, đặc biệt trên biển. Khi tàu bè vào nơi neo đậu phải ngay hàng thẳng lối để đảm bảo an toàn. Cần tập trung đảm bảo an toàn cho du khách trên các bờ biển, trên các đảo. Các nguy cơ khác như sạt lở, triều cường, căn cứ vào từng khu vực, từng địa phương cần có kế hoạch, phương án cụ thể, không để xảy ra tổn thương đối với nhân dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý tỉnh Bình Thuận theo dõi, di dời dân tại huyện đảo Phú Quý. 

"Đây là huyện đảo đang phát triển rất sôi động, nhiều dự án đang thi công, nhiều khách du lịch nước ngoài nên cần đặc biệt lưu ý", ông Cường nói.

Chỉ đạo sau cuộc họp, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, cơn bão số 9 sắp tới đi chậm, mưa lớn nên dễ xảy ra lũ quét, sạt trượt, nhất là các điểm xung yếu nên các địa phương phải hết sức chủ động, không chủ quan.

Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần chủ động kiểm tra các hồ đập, xem xét lại quy trình vận hành dể đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất nhưng không để xảy ra sự cố vỡ đập. 

TRUNG TÂN - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên