29/09/2011 21:41 GMT+7

Bão số 5 đang tiến sát Quảng Ninh - Nam Định

Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng cho biết, 4.540 tàu thuyền hoạt động trên khu vực biển Hải Phòng đã biết vị trí, hướng di
Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng cho biết, 4.540 tàu thuyền hoạt động trên khu vực biển Hải Phòng đã biết vị trí, hướng di

TTO - Hồi 19g ngày 29-9, vị trí tâm bão trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (TQ), cách các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133 km/g), giật cấp 13, 14.

* Khẩn trương di dời ứng phó bão số 5* Hải Phòng: Sơ tán dân khỏi đảo Cát Hải* Nam Định, Thái Bình: Sẵn sàng ứng phó với bão

Read this on Tuoitrenews.vn

YxpGQy9X.jpgPhóng to
Hướng đi và vị trí cơn bão số 5 vào lúc 19g ngày 29-9

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 7 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão trên khu vực vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) đêm nay còn có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.

Ngoài ra do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh mạnh ở phía Bắc nên ngay từ đêm nay (29-9) vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12; các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 4 mét. Từ ngày mai (30-9) ở các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Hải Phòng: Sơ tán dân khỏi đảo Cát Hải

CFvR6sJm.jpgPhóng to
Một cán bộ phòng tài chính huyện Cát Bà đang cõng một cụ già ở Cát Hải sơ tán sang Cát Bà - Ảnh: Tuấn Phùng
AtRkG0IN.jpgPhóng to
Những du khách du lịch từ Cát Bà hối hả rời đảo về bờ tránh bão - Ảnh: Tuấn Phùng

Chỉ huy việc sơ tán tại bến phà Gót (Cát Bà), ông Trần Viết Thiện - phó trưởng phòng kinh tế và hạ tầng huyện Cát Hải - cho biết việc triển khai di dân được triển khai từ sớm. Huyện đã huy động xe ô tô khách của các doanh nghiệp du lịch, vận tải trên đảo Cát Bà thường trực tại bến phà trong ngày hôm nay để đưa đón người dân từ Cát Hải sơ tán sang Cát Bà.

Đến 19g, mưa bắt đầu nặng hạt và gió trên biển mạnh dần lên cấp 5-6. Việc sơ tán dân tạm dừng do những chiếc phà loại nhỏ không còn đảm bảo an toàn nữa.

oduWTeL1.jpgPhóng to
kqYkUDE2.jpg
Chính quyền huyện Cát Hải dùng phà và ô tô sơ tán dân từ đảo Cát Hải sang đảo Cát Bà tránh bão - Ảnh: Tuấn Phùng

Nhờ một chiếc xuồng của đồn biên phòng 50 vượt biển từ Cát Bà sang, đến 19g, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở đảo Cát Hải vừa lúc ông Bùi Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải - mở cuộc họp khẩn với các lãnh đạo xã, công an, biên phòng để đánh giá, rút kinh nghiệm công tác triển khai phòng chống bão trong suốt ngày hôm qua cũng như lên phương án tổ chức phòng chống vào ngày mai 30-9.

Trực tiếp chỉ huy sơ tán dân tại đảo Cát Hải, ông Nghĩa cho biết đảo Cát Hải là điểm trọng yếu nhất trong huyện đảo Cát Bà và cũng là nơi trọng yếu nhất của Hải Phòng trong mưa bão. Đây là đảo có địa hình thấp, thường bị ngập lụt, sóng lớn tàn phá, vỡ đê trong các trận bão trước đây nên không thể coi thường trong triển khai phòng chống.

Ông Nghĩa chỉ đạo các lực lượng tiếp tục phương án chủ động xử lý các tình huống xấu nhất xảy ra trong cơn bão như sập nhà, ngập lụt, cô lập với đất liền theo phương châm “tự cứu mình trước khi người khác giúp” vì đặc thù của đảo không thể có sự hỗ trợ nhanh từ đất liền được.

jypcD1gq.jpgPhóng to
iLKYmH7a.jpg
Y0Gq5zcK.jpg
qOPlLwAV.jpg
Người già, phụ nữ, trẻ em sơ tán bằng phà từ đảo Cát Hải sang Cát Bà - Ảnh: Tuấn Phùng

Tối 29-9, lực lượng chức năng của huyện Cát Bà phối hợp với chính quyền địa phương của 4 xã và thị trấn trên đảo Cát Hải sơ tán được 3.925 người dân trên đảo vào nơi trú bão an toàn, trong đó có hơn 900 đảo Cát Bà, hơn 1.000 người lên TP Hải Phòng và di dời đến các điểm cao trên đảo như UBND các xã, trạm y tế, vận động 730 người ở các tàu, thuyền, bè lên bờ tránh trú bão. Toàn bộ tàu thuyền của đảo cũng đã về bến neo đậu an toàn.

Nam Định, Thái Bình: Sẵn sàng ứng phó với bão

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, chiều tối 29-9, tại khu vực cảng cá Ninh Cơ, huyện Hải Hậu, Nam Định, hàng trăm tàu thuyền đã vào các âu tàu neo đậu tránh bão và còn hơn 20 tàu đang mắc cạn do nước biển rút phải chờ đêm 29 rạng sáng 30-9, khi nước lên mới có thể vào nơi trú ẩn an toàn.

wRBmIXUj.jpgPhóng to
Tàu thuyền neo đậu tại cảng Ninh Cơ, huyện Hải Hậu - Ảnh: M.Q

Bên cạnh lượng tàu thuyền lớn như trên, tỉnh Nam Định có khoảng 1.200 người làm việc tại các đầm, bãi ven biển và được huy động vào bờ từ sáng 29-9, đảm bảo toàn bộ vào bờ an toàn.

Nhằm đối phó với bão, Nam Định đã dự trữ gần 15.000m3 đá hộc, gần 3.000 rọ thép, 23.500 bao tải, hàng chục nghìn mét vải lọc, chống tràn phục vụ cho công tác hộ đê, ứng cứu kịp thời khi có sự cố.

Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thái Bình, ông Nguyễn Phú Nhuận cho biết đến 20g ngày 29-9, toàn bộ 1.323 tàu thuyền và 3.397 lao động đã về neo đậu tại địa bàn tỉnh và Quảng Ninh, Hải Phòng.

Theo số liệu của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Thái Bình, toàn tỉnh mới thu hoạch được hơn 2.200 ha lúa mùa, hiện còn khoảng 80.000 ha lúa mùa chưa gặt được và 4.700 ha cây vụ đông mới gieo trồng sẽ có thể bị thiệt hại lớn khi bão đổ bộ.

Tại các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, tỉnh huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý ngay một số đoạn đê kè bị sạt lở, hư hỏng do mưa lớn trong thời gian qua nhằm ứng phó kịp thời với bão số 5. Đối với khoảng 1.000 hộ dân nuôi nghêu ngoài bãi biển và các hộ đang sinh sống ngoài đê, tỉnh tổ chức di dời toàn bộ vào trong đê chính, kiên quyết không để người ở lại các đầm nuôi trồng thủy, hải sản và các chòi nuôi ngao trên biển vào trước 11g ngày 30-9.

Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng cho biết, 4.540 tàu thuyền hoạt động trên khu vực biển Hải Phòng đã biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 5 để chủ động phòng tránh. Trong đó, có hơn 2.920 tàu, thuyền và 543 lồng bè đã neo đậu tại các bến, hơn 800 phương tiện đang hoạt động trên vùng biển gần bờ đã biết thông tin và chuẩn bị vào bờ tránh bão.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng đã chuẩn bị hơn 300 phương tiện gồm: tàu, xuồng, xe vận tải và xe thiết giáp, cùng trên 2.000 cán bộ chiến sĩ thuộc các đơn vị và lực lượng dân quân tự vệ trực sẵn sàng tham gia Phòng chống lút bão và tìm kiếm cứu nạn.

Khẩn trương di dời ứng phó bão số 5

Trước đó, chiều 29-9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương chỉ đạo công tác chuẩn bị chống bão số 5.

88B4UHCi.jpgPhóng to

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp chiều nay - Ảnh: Lâm Hoài

Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ ngành, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn… tập trung nâng cao cảnh giác và chỉ đạo quyết liệt, sẵn sàng ứng phó với bão số 5 chuẩn bị đổ bộ.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh bão số 5 có cường độ rất mạnh, nguy hiểm, từ lúc hình thành đến lúc quét qua Philippines đã khiến 18 người chết, gần 100.000 người phải sơ tán,dù nước này đã rất quyết liệt trong công tác sơ tán, ứng phó. Do vậy tất cả các đơn vị không được phép chủ quan.

Dư kiến khi vào bờ bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-13, ngay đêm nay bão đã ảnh hưởng trên phạm vi rộng lớn của vùng vịnh Bắc bộ, từ Quảng Ninh vào tận Nghệ An.

Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, đặc biệt trọng tâm từ Hải Phòng đến Nam Định, phải cấm biển ngay trong chiều nay không cho tàu thuyền ra khơi, tiếp tục công tác kiểm đếm tàu thuyền. Với những khu neo đậu tàu thuyền cần phải chú ý giải phóng tàu thuyền, kéo lên bờ để nhường chỗ cho tàu thuyền tránh, trú bão vào neo đậu, khu vực lồng bè phải đưa người sơ tán trong tối nay.

Các địa phương theo đó phải tập trung công tác sơ tán dân, đặc biệt khu vực đông dân cư, chậm nhất vào 9g ngày mai (30-9) phải hoàn thành. Ngoài ra chú trọng chủ động việc chằng chắn nhà cửa, kiểm tra các đoạn đê xung yếu, sẵn sàng vật tư để ứng phó nếu xảy ra sự cố.

Phó thủ tướng chỉ đạo các địa phương, lực lượng quân đội, công an cần bố trí lực lượng canh chốt tại các ngầm, nơi nước ngập qua đường, cắm các biển báo đề phòng xảy ra tai nạn đáng tiếc, đảm bảo duy trì an toàn cho người tham gia giao thông và người dân. Đồng thời lưu ý các địa phương đề phòng úng ngập vì bão vào trùng với triều cường khiến nước biển dâng cao.

Theo yêu cầu của Phó thủ tướng, trong chiều nay và sáng mai Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương sẽ cử các đoàn công tác đi đồng bằng sông Cửu Long, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định phối hợp cùng địa phương ứng phó với bão số 5 và lũ.

Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương theo dõi tình hình thực tế để quyết định việc cho học sinh nghỉ học ngay trong chiều 29-9, đặc biệt lưu ý các vùng trọng tâm từ Quảng Ninh vào Nghệ An và khu vực miền núi phía Bắc.

Về cơn bão Nalgae mới hình thành, các đơn vị phải tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương - cho biết tính đến 12g trưa nay bão số 5 đã đổ bộ quần đảo Hải Nam (Trung Quốc), cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, di chuyển theo hướng tương đối ổn định giữa Tây và Tây Tây Bắc.

Dự kiến nửa đêm nay bão sẽ vào vịnh Bắc bộ, đến khoảng 11g-12g trưa mai (30-9) sẽ đổ bộ vào bờ, muộn nhất vào khoảng 18-19g ngày mai tâm bão sẽ đi vào đất liền. Đêm nay, từ Quảng Ninh đến Nghệ An gió sẽ bắt đầu mạnh cấp 6-7, sau đó tăng dần lên.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương trưa 29-9 cho biết đến nay lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã khiến ba người chết; ngập, sạt lở hơn 2.000 căn nhà; ngập gần 4.000ha lúa; vỡ các tuyến bờ bao kênh Đồng Tân, đê Tây, đê Đông, đê Bắc kênh Trà Kiết (An Giang), ô bao Chính Kheo, sụp mố cầu Trà Dư (Đồng Tháp).

Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng cho biết, 4.540 tàu thuyền hoạt động trên khu vực biển Hải Phòng đã biết vị trí, hướng di
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên