19/08/2016 11:58 GMT+7

Bão số 3 đã đổ bộ vào Thái Bình - Hải Phòng

TUẤN PHÙNG - LÂM HOÀI - QUANG THẾ- CHÍ TUỆ - HÀ THANH - HOÀI NAM - TIẾN THẮNG
TUẤN PHÙNG - LÂM HOÀI - QUANG THẾ- CHÍ TUỆ - HÀ THANH - HOÀI NAM - TIẾN THẮNG

TTO - 14g hôm nay 19-8, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình. Thay vì di chuyển theo hướng Tây như sáng sớm nay, trưa nay bão số 3 đã di chuyển theo hướng Tây -Tây Bắc.

Sóng cao tại khu vực huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định - Ảnh: Quang Thế
CSGT thuỷ Hải Phòng thực hiện tuần tra, nhắc nhở, đưa tàu thuyền vào khu vực neo, chằng buộc tránh bão - Ảnh: CSGT thuỷ Hải Phòng cung cấp
CSGT thủy Hải Phòng tuần tra chống bão - Ảnh: CSGT thủy Hải Phòng cung cấp
CSGT thuỷ Hải Phòng thực hiện tuần tra, nhắc nhở, đưa tàu thuyền vào khu vực neo, chằng buộc tránh bão - Ảnh: CSGT thuỷ Hải Phòng cung cấp
CSGT thủy Hải Phòng tuần tra, nhắc nhở, đưa tàu thuyền vào khu vực neo, chằng buộc tránh bão - Ảnh: CSGT thủy Hải Phòng cung cấp

Hà Nội: cây ngã làm 2 người bị thương

Chiều 19-8, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chủ trì họp trực tuyến với toàn bộ các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác ứng phó với cơn bão số 3.

Một cây xà cừ cỡ lớn đổ ngang phố Phan Chu Trinh (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Báo cáo về những thiệt hại ban đầu, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, ngoài hiện tượng cây xanh đổ, một số tuyến đường úng ngập do mưa, đã có một số ô tô bị cây đổ đè bẹp... bước đầu xác định có hai người bị thương do cây đổ.

Tại cuộc họp, ông Chung yêu cầu các đơn vị thường trực công tác phòng chống lụt bão phải ứng trực 100% quân số, trong đó có các đơn vị thoát nước, công viên cây xanh. 

Thanh Hóa: huyện Mường Lát bị chia cắt với miền xuôi

Chiều 19-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Văn Cường - chủ tịch UBND huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) - cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ sáng sớm 19-8 đến nay, trên địa bàn huyện có mưa to, làm sạt lở nhiều điểm trên quốc lộ 15C, quốc lộ 16 gây ách tắc giao thông, các loại ô tô không lưu thông được. Huyện Mường Lát đang bị chia cắt với các huyện miền xuôi.

Quốc lộ 16 đoạn qua xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng bão số 3, gây ách tắc giao thông - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Đến chiều 19-8, mưa lớn kèm lũ quét, lũ ống do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây ra bốn điểm sạt lở nghiêm trọng trên quốc lộ 15C và quốc lộ 16, đoạn qua huyện Mường Lát. Tại các điểm sạt lở này, hàng trăm mét khối đất đá từ đồi, núi dội xuống đã chắn ngang đường, nên các loại ô tô không thể qua lại được.

Thái Bình: tàu thuyền đã nối đuôi nhau trở về neo đậu bến cũ 

Chiều 19-8, ghi nhận tại hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bão số 3 đã đổ bộ qua song không gây thiệt hại gì về người và tài sản.

Bãi nuôi ngao của người dân Đồng Châu, Tiền Hải bị nước biển dâng ngập, nhiều chòi canh cũng bị gió làm hư hỏng - Ảnh: NAM TRẦN

Tại cảng cá Tân Sơn, huyện Thái Thụy sau khi bão tan, nhiều tàu thuyền đang trú ngụ tại cảng đã nối đuôi nhau trở về bến neo đậu cũ ở các xã Thụy Xuân, Thụy Trường, Thụy Hải, thị trấn Diêm Điền...

Theo các ngư dân tại cảng cá Tân Sơn, thuyền bè cùng về cảng đậu bến từ sáng hôm qua 18-8 để phòng, chống bão số 3.

 

Thái Bình: Gió giật cấp 4

Đến 15g20, ghi nhận tình hình sức gió trên địa bàn huyện Thái Thụy, Thái Bình chỉ giật cấp 4, tuy nhiên phía huyện Thái Thụy, Thái Bình vẫn chỉ đạo quyết liệt, quán triệt phải chủ động phòng chống bão, không được chủ quan đề phòng trường hợp bão đổ bộ vào.

 

Bão đã vào Hải Phòng, Thái Bình

14g, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12. 

Ở Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 10-11; các nơi khác ở ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có gió giật mạnh cấp 8. Ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa 50-150mm. 

Dự báo trong 12 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. 

Sơ đồ hướng đi bão số 3
Sơ đồ hướng đi bão số 3 - Ảnh: Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. 

Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió giật cấp 6-8. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200mm.      

Một hàng cột điện gãy đổ tại xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy - Ảnh: HÀ THANH
Nhiều cửa hàng ăn uống, dịch vụ tại Đồ Sơn chủ động dùng các tấm ván dựng thành
Nhiều cửa hàng ăn uống, dịch vụ tại Đồ Sơn chủ động dùng các tấm ván dựng thành "lô cốt" để che kín xung quanh - Ảnh: TIẾN THẮNG

14g. Nhiều cửa hàng tại Đồ Sơn đã chủ động dựng các tấm vách tạo thành "lô cốt" bên ngoài để giảm thiểu thiệt hại bão có thể gây ra.

Ghi nhận tại khu vực Đồ Sơn, TP Hải Phòng đến đầu giờ chiều 19-8, mưa kèm gió cấp 6-7 với từng cột sóng cao từ 3-5 mét liên tục ập vào bờ kè. Phần lớn các cửa hàng tại đây đều đã được gia cố bằng các tấm ván lớn bao bọc kín bên ngoài.

Nhiều cửa hàng ăn uống, dịch vụ tại Đồ Sơn chủ động dùng các tấm ván dựng thành
Sóng cao ập vào bờ tại Đồ Sơn - Ảnh: TIẾN THẮNG

Ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, địa phương nghiêm túc tổ chức trực ban 24/24h, thực hiện báo cáo 1 lần/ giờ về công tác phòng, chống bão số 3 về cho Văn phòng Thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngày 19-8, ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ - cho biết tình hình thời tiết ngoài khu vực đảo Bạch Long Vĩ đang có gió giật cấp 10-11, tại huyện vẫn đảm an toàn về tính mạng của người dân và đang cập nhật những thiệt hại về vật chất do bão gây ra.

Nước biển dâng kết hợp với gió cấp 6-7 tạo lên những cột sóng cao liên tục ập vào bờ kè tại khu vực quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng - Ảnh: TIẾN THẮNG
Nước biển dâng kết hợp với gió cấp 6-7 tạo nên những cột sóng cao liên tục ập vào bờ kè tại khu vực quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Với hướng di chuyển này, phạm vi ảnh hưởng của bão từ Quảng Ninh đến Nam Định với trọng tâm là Hải Phòng - Thái Bình thay cho phạm vi từ Hải Phòng đến Ninh Bình (trọng tâm là Thái Bình - Nam Định) như trước đó.

12g45, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Đức Cảnh, chủ nhiệm chính trị bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình trực tiếp chỉ đạo tại trạm kiểm soát Trà Lý (huyện Thái Thụy), cho biết hiện tại vùng biển Cồn Đen nước biển bắt đầu lên, gió chỉ nhẹ cấp 3. Theo dự kiến khoảng 16g, nước sẽ dâng cao khoảng 2,7m.

Quan sát qua radar của trạm kiểm soát biên phòng Trà Lý, ông Cảnh cho biết do chủ động ứng phó từ trước nên hiện trên địa bàn tỉnh không có tàu nào neo đậu trên biển, duy chỉ còn một tàu mang cờ quốc tịch Mông Cổ còn mắc cạn nằm ở phao số 7, cửa Diêm Điền. Tất cả thuyền viên trên tàu đã di trú vào bờ an toàn.

Hiện tất cả ngư dân sinh sống gần vùng bờ biển Cồn Đen đã được di trú vào bờ an toàn.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết lúc 11g ngày 19-8, vị trí tâm bão số 3 ở trên vùng biển Quảng Ninh - Nam Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 10 - 12.

Vị trí tâm bão lúc 11g ngày 19-8 ở ngay trên vùng biển thuộc đảo Cát Hải, Cát Bà (Hải Phòng) và gió mạnh của bão đã bắt đầu ảnh hưởng đất liền.

Ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) tiếp tục có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; các nơi khác ở ven biển Bắc bộ, Bắc Trung bộ có gió giật mạnh cấp 8.

Dự báo trong 6 giờ tới (đến 14g ngày 19-8), bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Đến 17g ngày 19-8, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 10 - 12.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở vịnh Bắc bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, giật cấp 10 - 12, sóng biển cao 3 - 5m. Biển động rất mạnh.

Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 12. Ninh Bình tiếp tục có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 - 10. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3 - 3,5m.

Dự báo trong 6 - 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22g ngày 19-8, vị trí áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 10 - 12.

Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định tiếp tục có gió mạnh cấp 7 - 9, giật cấp 10 - 12. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8.

Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6 - 8 và mưa 100 - 200mm.

Sau đó áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15 - 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.

Nam Định: Di dời khẩn 15.000 người

 

Gió mạnh kèm theo sóng lớn tại ven biển huyện Giao Thủy - Ảnh: LÂM HOÀI

12g trưa 19-8, tỉnh Nam Định đã di dời khẩn cấp 15.000 người chủ yếu tập trung vào ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường ra khỏi khu vực nguy hiểm tại các lều chòi đầm canh, nuôi trồng thủy sản, vùng có khả năng ngập lụt…

Trong sáng 19-8, ông Nguyễn Phùng Hoan, phó chủ tịch UBND tỉnh cÙng lãnh đạo sở, ngành Nam Định đã xuống trực tiếp tại địa bàn huyện Giao Thủy - nơi có nhiều điểm xung yếu và dự kiến ảnh hưởng bão nặng nhất để chỉ đạo phòng chống bão.

Theo ông Hoan, 100% tàu thuyền nằm trong vùng ảnh hưởng của bão bao gồm 2.018 tàu với tổng số hơn 5.000 lao động đã vào neo đậu an toàn. 

Người dân dùng dây thừng và cọc tre để chèo néo mái hiên - Ảnh: QUANG THẾ

Tại một số điểm đê sông bị sạt, lở có nguy cơ vỡ, tràn, tỉnh đã chỉ đạo gia cố bằng đá hộc, bạt chống tràn để đảm bảo cho những điểm xung yếu.

Trưa 19-8, ghi nhận tại các xã ven biển huyện Giao Thủy, toàn bộ các hộ dân sống ở ven biển đã di chuyển vào các khu vực an toàn, nhà cửa, mái tôn đã được chằng buộc, neo chặt, các biển quảng cáo được hạ xuống.

Hàng loạt điểm ra vào của tàu thuyền dọc ven biển, các bãi tắm… đã được chốt trực, cấm toàn bộ hoạt động.          

​Huy động 4 trực thăng ứng phó bão

Theo thông tin từ báo điện tử Chính phủ, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã huy động, bố trí trên 183.000 lượt cán bộ chiến sĩ, 4 máy bay trực thăng và nhiều phương tiện (ô tô, tàu thuyền), trang thiết bị khác sẵn sàng tham gia ứng cứu, hỗ trợ địa phương ứng phó bão số 3 khi có yêu cầu.

Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và Bộ Công an cũng ban hành công điện yêu cầu các đơn vị sẵn sàng phương án ứng phó và trợ giúp nhân dân. Trong khi đó, Bộ TN-MT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc sẵn sàng ứng phó.

Sơn La: một người bị lũ cuốn thiệt mạng

Thông tin từ văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết mưa lớn từ đêm 18 đến ngày 19-8 trên địa bàn tỉnh này khiến 1 người thiệt mạng, nhiều nơi sạt lở.

Người chết do lũ cuốn trôi là ông Mùa Bà Sủa, 48 tuổi, trú tại bản Phá Thỏng, xă Púng Pánh, huyện Sốp Cộp. Ông Sủa là Bí thư Chi bộ bản Phá Thỏng.

Sơ đồ dự báo hướng đi bão số 3 - Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương 

 

TUẤN PHÙNG - LÂM HOÀI - QUANG THẾ- CHÍ TUỆ - HÀ THANH - HOÀI NAM - TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên