Nhóm các nhà khoa học từ Đức, Mỹ và Luxembourg đã phân tích dữ liệu của trên 14.000 người tham gia nghiên cứu "Khảo sát tuổi già ở Đức" kéo dài nhiều thập kỷ.
Những người tham gia sinh từ năm 1911 đến 1974, bao gồm nhiều thế hệ, và họ sẽ tham gia 8 đợt khảo sát trong khoảng thời gian 25 năm khi họ trong độ tuổi từ 40 đến 100.
Một trong những câu hỏi chính của các đợt khảo sát là "Bạn sẽ coi ai đó là người già khi họ mấy tuổi?". Khi được hỏi câu này ở tuổi 65, những người sinh năm 1911 cho rằng tuổi già trung bình bắt đầu từ 71 tuổi. Khi câu hỏi này được lặp lại ở những người sinh năm 1956 vào lúc họ 65 tuổi (tức vào năm 2021), họ nói ra con số 74 tuổi.
Lý giải điều này, tác giả chính Markus Wettstein cho biết: "Tuổi thọ tăng lên góp phần khiến tuổi già đến muộn hơn. Đồng thời, một số khía cạnh của sức khỏe cũng được cải thiện theo thời gian, do đó những người ở một độ tuổi nhất định trước đây được coi là già thì ngày nay có thể không được xem là như thế".
Xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy ở cấp độ cá nhân. Bình quân mỗi người tham gia khảo sát khi già đi 4-5 tuổi thì ước tính về tuổi già của họ cũng tăng thêm một năm. Phụ nữ cũng có xu hướng coi một người là già ở độ tuổi muộn hơn 2 năm so với nam giới.
Ngoài ra, có những nhân tố khác ảnh hưởng đến ước lượng tuổi già của một người. Ví dụ người có sức khỏe kém, sống một mình hay người "cảm thấy" già thường tin rằng tuổi già bắt đầu sớm hơn.
Tuy nhiên, xu hướng nghĩ tuổi già ngày càng bắt đầu muộn hơn cũng đang có dấu hiệu chậm lại, theo trang IFLScience ngày 24-4.
Nghiên cứu này có một số hạn chế, trong đó có việc những người tham gia đều đến từ Đức, và có khả năng những nền văn hóa ngoài châu Âu nhìn nhận về tuổi già theo những cách khác. Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục cải thiện kết quả nghiên cứu.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychology and Aging.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận