16/11/2013 08:11 GMT+7

Bao nhiêu tiền cho mẫu đẹp?

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Chuyện người mẫu hay người làm mẫu trong các giờ hình họa của sinh viên mỹ thuật là một câu chuyện bao giờ cũng nhuốm màu... huyễn hoặc.

Tiền tăng, mẫu đẹp sẽ tăngĐắng lòng khi con mơ làm người mẫuNgười mẫu nam sau ánh hào quang

meyH39dC.jpgPhóng to
Một buổi vẽ mẫu của sinh viên Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Đ.X.Tịnh

Đã từ rất lâu rồi, khi đi tìm hiểu để viết về thế giới những người làm mẫu “mang cái đẹp từ hiện thực đến hội họa”, chúng tôi đã ngỡ ngàng khi biết hầu hết người làm mẫu, đặc biệt là phụ nữ, đến với công việc này từ một cơ duyên, ngẫu nhiên nào đó. Không ai trong số họ cho rằng đây là một nghề dù chẳng phải thấp hèn gì, thậm chí còn được nâng niu, trân trọng. Thế nhưng gọi là nghề thì “sao sao đó”. Trước hết vì thu nhập từ nghề làm mẫu vẽ rất thấp, nếu không muốn nói là quá bèo. Thứ nữa, làm mẫu vẽ là chấp nhận thân phận vô danh, mặc dù những nghệ sĩ vẫn thường truyền tai người này người nọ. Cho nên, người làm mẫu vẽ, trong những thời khắc đó, là người rất quan trọng để các nghệ sĩ tương lai chiêm ngắm, thao tác thực tập. Trong những thời khắc đó, người làm mẫu vẽ không chỉ đơn thuần là mẫu, mà là niềm cảm hứng để cái đẹp thăng hoa, thao tác thành kết quả là tác phẩm hội họa.

Vậy thì vài chục ngàn đồng cho một tiết học (45 phút) làm mẫu là nhiều hay ít? (Tiền tăng, mẫu đẹp sẽ tăng - Tuổi Trẻ ngày 15-11). Cứ cho rằng trong một buổi vẽ, tức phải mất hết vài tiết học, người mẫu kiếm cũng được “chút chút”. Nhưng thực tế thì những buổi học hình họa không phải là nhiều và thường xuyên. Theo chúng tôi được biết thì hiện nay, ngoài những người làm mẫu vẽ hợp đồng theo từng tiết học, Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM đã có những người mẫu “biên chế”, tức có lương. Nhưng mức lương này cũng chỉ là tượng trưng và người “biên chế” bây giờ chủ yếu làm công việc điều phối, mời gọi cộng tác viên mẫu.

Cho nên, nói theo thầy Nguyễn Xuân Tiên (hiệu phó Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM) rằng: “Nghệ sĩ cũng cần ở những người mẫu sự trẻ đẹp, thanh xuân để có cảm hứng” cũng là hơi khó. Dân gian có câu “tiền nào của đó”. Tuy nhiên ở đây không hẳn chỉ là tiền, điều quan trọng hơn cho đến bây giờ, cái gọi là nghề hay danh phận người làm mẫu vẽ vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng mức ở cả khía cạnh khách quan và chủ quan. Nhưng, oái oăm thay cũng ý nghĩ “tiền chưa phải là điều quan trọng” nên người làm mẫu (cho nghệ thuật vô giá, xin cứ tạm gọi là vậy) vô hình trung đã mặc định tính không chuyên nghiệp của mình. Còn ví như người làm mẫu vẽ, được trả tiền chẳng kém gì, thậm chí còn được trả cao hơn người mẫu sàn catwalk thì chắc chắn sẽ có sự đổi khác. Được trả công cho xứng đáng cũng chính là sự “chính danh”. Và “chính danh” thì có thể làm được nhiều hơn thế nữa chứ đâu chỉ là trẻ đẹp với thanh xuân.

Lịch sử hội họa VN đã đi qua gần một thế kỷ mà chưa bao giờ các họa sĩ của chúng ta ngồi lại để làm gì đó tôn vinh những người mẫu của mình. Ai cũng đều biết trong hội họa thì người mẫu đóng vai trò quan trọng thế nào. Từ bài học đầu tiên của anh sinh viên mỹ thuật năm nhất cho đến những sáng tác của một họa sĩ thành danh đều cần có người mẫu để vẽ, vì tỉ lệ đẹp nhất trong tự nhiên nằm ở cơ thể con người. Có thể nói nếu không có người mẫu sẽ không thể có những họa sĩ thành danh. Vậy nên bây giờ tôi nghĩ có hai cách: một là Nhà nước cần phải công nhận nghề người mẫu vẽ như một nghề nghiệp chính danh, hai là các họa sĩ nên tổ chức một triển lãm để tôn vinh những người mẫu đó. Hãy khoan bàn tới chất lượng hay chất liệu tranh mà cứ hãy làm gì đó để nhắc nhớ đến họ đi đã, 100 năm qua rồi còn gì.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên