Sáng 28-11, TAND huyện Gia Lâm (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Uyển Vân (27 tuổi, trú ở Hoàng Mai, Hà Nội) về tội vô ý làm chết người.
Vân là bảo mẫu làm chết bé trai 7 tháng tuổi trong quá trình nhận trông giữ tại căn hộ chung cư.
Bảo mẫu nhận trông trẻ thuê tại nhà để kiếm thêm thu nhập
Như cáo trạng ngày 10-1, Công an xã Đa Tốn (Gia Lâm) tiếp nhận thông tin về việc tại căn hộ ở một khu đô thị trên địa bàn xảy ra vụ cháu Nguyễn Bảo K. (7 tháng tuổi) tử vong, trong quá trình bảo mẫu Chu Uyển Vân nhận trông giữ thuê.
Theo điều tra, Vân không được đào tạo về trông trẻ, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép mở lớp trông trẻ tại nhà. Tuy nhiên, do muốn có thêm thu nhập nên Vân đăng tin lên hội nhóm trên Facebook nhận trông trẻ thuê tại một căn hộ ở khu đô thị xã Đa Tốn.
Tháng 1-2023, Vân nhận trông giữ trẻ thuê, trong đó có cháu K. (là con chị Nguyễn Bích H.) với giá 250.000 đồng/đêm.
Khoảng 7h ngày 10-1, Vân cho bé K. uống sữa trong bình. Cháu K. uống được khoảng 100ml sữa thì ngủ. Vân sau đó đặt bé trong phòng ngủ rồi ra ngoài dọn dẹp.
Khoảng 10 phút sau, Vân nghe tiếng ho từ trong phòng ngủ vọng ra, tuy nhiên không vào kiểm tra mà tiếp tục dọn dẹp.
5 phút sau, Vân vào phòng thì thấy bé K. ho, có dịch ở mũi, chân giơ lên rồi đạp xuống nệm, có biểu hiện sặc sữa.
Bảo mẫu lấy khăn lau, vỗ lưng, cho bé K. nằm nghiêng thì thấy cháu có biểu hiện gồng người lên. Vân tiếp tục bế cháu ra phòng khách để tự sơ cứu.
Thấy bé K. lả đi, hơi thở yếu, Vân gọi trung tâm cấp cứu 115, đồng thời gọi báo cho gia đình bé. Tuy nhiên, cháu bé đã tử vong sau đó.
Kết quả giám định kết luận cháu K. tử vong do suy hô hấp - tuần hoàn định hướng đến ngạt do bít tắc đường hô hấp gây nên, không phát hiện bệnh lý bất thường.
Bảo mẫu: "Do hoảng loạn nên không biết cách sơ cứu"
Tại tòa, bị cáo Vân bình tĩnh, khai nhận rõ ràng hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.
Vân cho biết không có quan hệ, mâu thuẫn gì với mẹ cháu K.. Bị cáo biết mẹ cháu thông qua nhóm cư dân của tòa chung cư vì từng đăng bài nhận trông trẻ theo giờ.
Cũng theo lời Vân, thời điểm trông giữ, cháu K. quấy khóc cả đêm nhưng bị cáo không gọi điện thông báo với mẹ cháu, mà tự dỗ dành. Bị cáo cũng khẳng định không tác động ngoại lực gì, chỉ bế cháu bé khi quấy khóc.
Khi cháu bé có biểu hiện sặc sữa, gồng cứng người, Vân trong trạng thái hoảng loạn không biết xử lý, sơ cứu như thế nào nên tiếp tục vỗ vào lưng bé K..
Khoảng 15 phút sau, thấy bé vẫn không tỉnh lại, Vân mới gọi điện cho cấp cứu thì được nhân viên y tế hướng dẫn lên mạng tìm kiếm cách xử lý em bé bị sặc sữa.
Tuy nhiên, do quá hoảng loạn, tay chân run lẩy bẩy nên bị cáo không tìm kiếm được cách sơ cứu. Lúc này, bị cáo chỉ biết thúc giục nhân viên y tế cố gắng đến nhanh.
Khi cháu bé lịm dần, bị cáo thấy chồng đi ra từ nhà vệ sinh nên nhờ chồng xuống hiệu thuốc của tòa nhà tìm người hỗ trợ.
"Bị cáo có biết khi trẻ bị sặc sữa mà gọi cấp cứu muộn như vậy sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé không?", chủ tọa truy vấn. Vân đáp: "Bị cáo không biết ạ".
Chủ tọa liền giải thích: "Bị cáo nhận trông trẻ thì phải tìm hiểu các trường hợp xấu có thể xảy ra và phương án xử lý, đằng này bị cáo lại rất chủ quan".
Cuối phần trình bày, nữ bị cáo thừa nhận không có chứng chỉ hành nghề, không được cấp phép nhận trông trẻ.
"Bị cáo không biết việc trông trẻ theo giờ lại phải xin cấp phép của các cơ quan chức năng vì thấy ở quê các bà vẫn nhận trông trẻ mà không cần xin phép. Bị cáo nhận thấy bản thân sai sót khi không tìm hiểu kỹ", Vân phân trần.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận